Hà Nội

Tập trung mọi nỗ lực cho 3 mục tiêu lớn

(Chinhphu.vn) - Các giải pháp mới của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng; chính sách thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuế thu nhập cá nhân; các biện pháp nhằm kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu… là những vấn đề được báo chí quan tâm tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/12.

02/12/2008 17:35
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ - Ảnh Chinhphu.vn
Chủ trì buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang tập trung mọi nỗ lực, biện pháp để thực hiện 3 mục tiêu lớn là ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Kích cầu đầu tư và tiêu dùng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cũng thông báo 5 giải pháp trọng tâm nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2008. Trong đó nhấn mạnh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng; thực hiện chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt hiệu quả; tiếp tục thực hiện sâu rộng chính sách an sinh xã hội; quyết liệt, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả trong tổ chức chỉ đạo, điều hành, chủ động về công tác dự báo, phân tích…
“Mặc dù chịu những tác động nhất định từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nhưng với những biện pháp kịp thời, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lạm phát đã được kiềm chế, nền kinh tế tiếp tục ổn định và duy trì đà tăng trưởng”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đề cập đến các giải pháp mới của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh như hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, chính là nhằm đảm bảo cho an sinh xã hội. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đưa ra ví dụ cụ thể, đó là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giao Tổng công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Lương thực miền Bắc mua khoảng 500.000-600.000 tấn quy gạo hàng hóa (khoảng 1 triệu tấn lúa) hiện tồn đọng trong dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cũng cho rằng, so với những tháng trước đây chúng ta tập trung vào kiềm chế lạm phát thì hiện nay, Chính phủ đang tập trung đ ẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Kích cầu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước về xây dựng cơ bản hàng năm, nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn ODA. Đây cũng là những giải pháp mới nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cho đất nước trong giai đoạn khó khăn.
Bộ Công Thương cũng đề xuất, phát động chiến dịch người Việt Nam dùng hàng Việt Nam để tăng cường đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng và giảm nhập siêu.
Tìm thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu
Cùng tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước trong giai đoạn thế giới khủng hoảng tài chính, Bộ Công Thương đang hướng đến mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường. Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cho biết, dự kiến kim ngạch xuất khẩu tháng 12 đạt khoảng từ 5 đến 5,5 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2008 sẽ đạt từ 63,5 đến 64 tỷ USD, tăng 30,8 đến 31,8% so với năm 2007.
Theo Thứ trưởng Lê Dương Quang, đẩy mạnh xuất khẩu bằng tìm kiếm thị trường mới cùng với đa dạng mặt hàng và phương thức thanh toán, giảm giá thành sản phẩm sẽ góp phần duy trì tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này.
Thứ trưởng Lê Dương Quang đề nghị các doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cắt giảm chi phí, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp thị.
Liên quan đến chính sách khuyến khích xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, giải pháp tài chính tập trung vào rà soát thuế hàng xuất khẩu trong đó hướng đến hoãn, giãn, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu…
Đối với thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu để có phương án vận dụng phù hợp nhất với thu nhập thực tế của người dân.
Kiều Liên
Top