Hà Nội

Tạo sự bứt phá về cải cách thủ tục hành chính và Chính phủ điện tử

(Chinhphu.vn)-Để tạo sự bứt phá về cải cách thủ tục hành chính và triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước thông qua điện tử hóa, giảm mạnh giấy tờ, cắt giảm chế độ báo cáo; cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân doanh nghiệp...

10/01/2019 17:02

* Trao tặng Huân chương lao động, Bằng khen Thủ tướng, Cờ thi đua của Chính phủ

VPCP thực hiện “Kỷ cương-Chất lượng-Kịp thời-Chuyên nghiệp-Hiện đại”

Phát huy tinh thần chủ động, cải tiến lề lối làm việc

VPCP chuyển biến tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác

Nhiều kết quả thiết thực trong công tác Đảng, Đoàn thể VPCP

Phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Tham mưu, giúp việc phải trung thực, khách quan

Gắn công tác Đảng với nhiệm vụ chuyên môn

Chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ lan tỏa mạnh mẽ đến địa phương

Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối tại trụ sở Chính phủ và VPCP

Ấn tượng với những kết quả đạt được của VPCP

* Văn phòng Chính phủ phát động phong trào thi đua năm 2019

 

 Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan phát biểu tại Hội nghị

Đạt nhiều thành tựu, kết quả tích cực

.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của VPCP, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan nhấn mạnh năm 2018 là năm có những thành tựu nhất định trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách kiểm tra chuyên ngành.

.

Thông qua công tác phối hợp với các đơn vị của VPCP, các Bộ, ngành, các hiệp hội, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã tham mưu đề xuất Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm việc và đôn đốc các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 108,1%, vượt 8,1% so với mục tiêu đề ra); trình Chính phủ ban hành 3 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 18 văn bản để cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 136,5%, vượt 36,5% so với mục tiêu đề ra).

.

Theo báo cáo của 8 bộ, ngành những cải cách trên đã giúp tiết kiệm hơn 17,5 triệu ngày công/năm tương đương hơn 6.200 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp và người dân. Tổng hợp từ Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2016 đến nay thì xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 13 bậc; chỉ số hiệu quả hoạt động của ngành dịch vụ logistics năm 2018 tăng 25 bậc so với năm 2016. Chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2018 tăng 26 bậc so với năm 2014.

.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc và đi vào thực chất, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; trên cả nước đến nay đã có 40 địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN trong năm 2018 giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí.

.

Đến nay, việc kết nối thủ tục hành chính trên Cổng một cửa quốc gia đã cơ bản hoàn thành, đã có 148 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền 11 Bộ, ngành kết nối (trong đó 101 thủ tục hành chính được kết nối trong năm 2018), xử lý hơn 1,8 triệu hồ sơ của trên 26.000 doanh nghiệp.

.

Về triển khai xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam nói chung và tại VPCP nói riêng trong năm qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Thực hiện nhiệm vụ được giao, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá về quá trình xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam từ năm 2000 đến nay, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tháo gỡ những rào cản, như các vấn đề liên quan đến nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, giải pháp xác thực định danh điện tử, vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, khung kiến trúc Chính phủ điện tử, cơ chế tài chính ứng dụng công nghệ thông tin....

.

Thông qua kênh tương tác phản ánh, kiến nghị chính phủ với người dân, doanh nghiệp, hàng ngàn phản ánh kiến nghị thuộc phạm vi và thẩm quyền đã được Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý kịp thời và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

.

Để đổi mới công tác chỉ đạo điều hành về xây dựng Chính phủ điện tử, với quan điểm thực hiện cải cách hành chính gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; trên cơ sở nghiên cứu những thông lệ tốt của thế giới và thực tiễn của Việt Nam, VPCP đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban; xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; tạo lập cơ sở pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; góp phần truyền cảm hứng và lan tỏa tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ” tới các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.

.

Sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

.

Theo ông Ngô Hải Phan, có được những kết quả bước đầu như trên là do sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng đều có chỉ đạo về việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh  và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện. Lãnh đạo Chính phủ cũng rất sát sao trong chỉ đạo VPCP và các bộ, địa phương nghiên cứu mô hình mới, cách làm hay trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; đánh giá quá trình xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua để đề ra những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới...

.

Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP với tư cách là người đứng đầu Tổ công tác, đã đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

.

Một yếu tố nữa, đó là việc chú trọng và phát huy vai trò của khu vực tư nhân và truyền thông trong quá trình triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; kịp thời nêu gương những tổ chức, cá nhân làm tốt hoặc phản ánh thực tiễn chưa tốt tại một số bộ, ngành, địa phương. Trong năm vừa qua Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã trực tiếp đối thoại cộng đồng doanh nghiệp, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, tổ chức quốc tế để lắng nghe có chọn lọc, tham mưu lãnh đạo Chính phủ có chỉ đạo kịp thời trong quá trình cải cách cắt giảm điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử.

.

Ngoài ra, có sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện công việc và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Văn phòng Chính phủ, giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ được giao.

.

Và yếu tố cuối cùng vô cùng quan trọng là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

.

“Có thể thấy rõ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào dành sự quan tâm cho hoạt động này thì ở đó có kết quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan nói.

.

5 nhiệm vụ trọng tâm tạo bứt phá

.

Theo Cục trưởng Ngô Hải Phan, trong năm 2019, để tạo sự bứt phá về cải cách thủ tục hành chính và triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cần tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm.

.

Đầu tiên, đó là, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước thông qua điện tử hóa, giảm mạnh giấy tờ, cắt giảm chế độ báo cáo và tăng các cuộc họp trực tuyến; khẩn trương kết nối trục liên thông văn bản quốc gia, thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, hệ thống thông tin họp Chính phủ điện tử và hệ thông thông tin tham vấn chính sách.

.

Thứ hai, tập trung xây dựng và ban hành hệ thống thể chế nền tảng cho xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, đặc biệt về kết nối, chia sẻ dữ liệu, về xác thực định danh điện tử, về bảo vệ dữ liệu cá nhân, về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, về khung kiến trúc Chính phủ điện tử và kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, chính quyền điện tử; phát triển trục liên thông văn bản quốc gia làm nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước...

.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành không cần thiết; cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân doanh nghiệp;

.

Thứ tư, tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử, trung tâm phục vụ hành chính công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

.

Cuối cùng, đó là từ năm 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Bộ TT&TT định kỳ hàng quý giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn và đốc thúc việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.

.

Hoàng Anh

Top