Hà Nội

Tạo ‘hứng thú’ trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến

(Chinhphu.vn) - Trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt giai đoạn cách ly xã hội, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng bởi cùng với những giải pháp thiết thực, hỗ trợ từ chính quyền thì việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến hầu như là “bắt buộc” đối với doanh nghiệp, người dân.

13/07/2020 11:03

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nêu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Giang

Vấn đề đặt ra là làm sao để doanh nghiệp, người dân chuyển từ “bắt buộc” sang “tự nguyện” và “hứng thú” đối với tiếp cận dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới?

.

Cổng Dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG), sau 7 tháng đi vào hoạt động, đến nay, đã tích hợp, cung cấp 750 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 359 dịch vụ công dành cho người dân, 414 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp; hơn 49,6 triệu lượt truy cập, hơn 11,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 189 nghìn tài khoản đăng ký, trong đó trên 186 nghìn tài khoản của nhân dân; hơn 176 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng DVCQG; tiếp nhận, xử lý hơn 6,9 nghìn phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 16,6 nghìn cuộc gọi.

.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVCQG đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

.

Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng DVCQG là giải pháp hữu hiệu để “điện tử hóa” thủ tục hành chính. Qua tài khoản Cổng DVCQG, nhân dân và doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính tại tất cả các Bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan.

.

Việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng DVCQG còn tạo thêm “kênh” giám sát, giúp nhân dân theo dõi được quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước.

.

Mới đây, tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ công của người dân thông qua Cổng DVCQG” do VPCP phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và một số đơn vị tổ chức, nhiều ý kiến đã đóng góp các giải pháp để thu hút người dân tham gia các dịch vụ công trực tuyến.

.

Hài hòa giữa sự sẵn sàng của chính quyền và nhận thức của người dân

.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, việc nâng cao số lượng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tần suất sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính gặp nhiều rào cản trong quá trình triển khai, đặc biệt là về cơ sở pháp lý, trách nhiệm của công chức, viên chức và lòng tin của người dân.

.

Ông Phan Ngọc Thọ đánh giá cao nỗ lực vượt bậc của VPCP, các bộ ngành trong những năm gần đây đã ban hành đồng bộ, tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản thể chế hóa, cụ thể hóa những nội dung vướng mắc trong những năm qua.

.

“Có thể khẳng định là đến nay hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đặc biệt là triển khai, hỗ trợ thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng đã khá hoàn chỉnh, vấn đề còn lại là người dân và chính quyền địa phương áp dụng và tổ chức thực hiện như thế nào?”, ông Phan Ngọc Thọ nói.

.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian cả nước cách ly để phòng chống dịch COVID - 19, tại Thừa Thiên Huế, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 51,5%, tăng 31,46% so với cùng kỳ. Để đạt được điều này có nhiều lý do, một lý do quan trọng là hệ thống chính quyền địa phương khá sẵn sàng và việc giải quyết dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn cách ly là điều kiện “bắt buộc”. Vấn đề đặt ra là duy trì và nâng cao tỷ lệ này?

.

Theo ông Thọ, phải kết hợp hài hòa giữa sự sẵn sàng của cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng và nhận thức của người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến, bởi nếu không có sự kết hợp đồng bộ này thì khó có thể thành công.

.

Thứ hai là cơ sở pháp lý, mặc dù khá tốt, khá toàn diện, tuy nhiên vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng chữ ký số, trong quá trình công nhận tính hợp pháp và phù hợp với văn bản pháp lý điện tử còn nhiều vấn đề.

.

“Nhiều chuyên gia, người dân chia sẻ với tôi rằng và thực tế trong quá trình quản lý cũng cho thấy, chúng ta mới chỉ dừng lại việc áp dụng và công nhận tính pháp lý về mặt giao dịch đối với văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước là chủ yếu, người dân vẫn còn nhiều lo lắng khi các hệ thống cơ quan ngoài nhà nước vẫn khó lòng chấp nhận các văn bản có chữ ký số của cơ quan nhà nước”, ông Thọ nêu thực tế.

.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nếu chúng ta từng bước tháo gỡ nút thắt này, văn bản điện tử có hiệu lực trên toàn hệ thống, kể cả các cơ quan trong và ngoài nhà nước sẽ là một vấn đề quan trọng mang tầm vĩ mô mà Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ. Từ đó, chúng ta mới đẩy nhanh quá trình người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến, quá trình áp dụng các văn bản điện tử một cách đồng bộ.

.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị 6 nội dung để giúp cho việc tiếp cận thông tin của người dân với Cổng Dịch vụ công, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được hiệu quả hơn, cụ thể: Tạo động lực cho các điều kiện công bố trực tuyến; nghiên cứu mô hình xác thực định danh; pháp lý hóa hồ sơ điện tử; mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính công ích; đa dạng hóa hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; kết hợp điều kiện đảm bảo, khuyến khích và chế tài.

.

Đại diện doanh nghiệp, người dân đề xuất kiến nghị tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Giang

Tăng cường tuyên truyền tại cấp phường, xã

.

Ông Trịnh Minh Đức, đại diện một doanh nghiệp đưa ra ý kiến đề xuất bổ sung danh mục thêm dịch vụ công đăng ký tài sản sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả. Ông này đề xuất chữ ký số còn khó khăn với người dân khi có người dân chỉ thực hiện 1-2 lần mà phải mua chữ ký số, đồng thời đề xuất giải pháp FaceID (nhận diện khuôn mặt).

.

 "Nên tuyên truyền các dịch vụ công về cấp phường, xã, thời gian đầu, cán bộ phường, xã có thể hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện sau đó người dân sẽ dần dần quen với việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng", ông Đức nói.

.

Đồng tình với quan điểm này, một đại diện người dân, doanh nghiệp khác kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của Cổng dịch vụ công cho các doanh nghiệp, người dân, chú trọng đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.

.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước thường xuyên rà soát, cập nhật, chuẩn hóa toàn bộ các thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu đơn giản, minh bạch, thuận tiện trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong các doanh nghiệp, người dân; chú trọng đào tạo bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin cho các cơ quan nhà nước; đào tào kỹ năng, trình độ sử dụng máy tính, Internet cho người dân; hợp tác với các bưu điện để chuyển tải kết quả qua bưu điện, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến; cung cấp đa dạng các kênh giao tiếp để người dân lựa chọn; cán bộ thực thi cần có thái độ phục vụ mang lại sự hài lòng cho người dân…

.

Người dân hiểu thì việc làm của cơ quan nhà nước mới có ý nghĩa

.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng một trường hợp đổi bằng lái xe online. "Một người dân nhắn tin cho tôi với nội dung rằng, thủ tục nộp và trả lời thì nhanh, tuy nhiên, sau 5 ngày phải đến chụp ảnh, nộp hồ sơ bản cứng. Sau đó bộ phận một cửa lại bảo phải sau 5 ngày nữa mới trả kết quả. Tổng là 10 ngày nếu nộp hồ sơ online, trong khi nộp hồ sơ giấy chỉ mất 5 ngày".

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho rằng đây là vấn đề cần giải quyết, không để việc đã nộp online rồi những vẫn phải nộp bản giấy.

.

"Trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến, các Bộ, ban ngành cũng như người dân sẽ gặp phải nhiều vướng mắc. Những thông tin này sẽ giúp chúng tôi hoàn thiện cổng dịch vụ công, xóa bỏ những rào cản trong quá trình thực hiện", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

.

Đồng thời đề nghị doanh nghiệp cần tham gia dịch vụ công tích cực hơn, là đầu tàu trong công tác thực hiện các thủ tục hành chính. Quan điểm không lấy số lượng dịch vụ công làm thành tích mà phải có sự tương tác của doanh nghiệp, người dân tham gia các thủ tục hành chính.

.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, bổ sung làm giàu dữ liệu dần. Từng bước phải xây dựng cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính và xem đây là mục tiêu trước mắt và lâu dài nếu không sẽ rất lúng túng trong việc triển khai thời gian tới, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền rộng rãi tới người dân, doanh nghiệp được biết để thực hiện.

.

“Người dân có hiểu được lợi ích của Cổng dịch vụ công cũng như vai trò, sự đóng góp của mình thì việc làm của cơ quan nhà nước mới có ý nghĩa”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

.

Nhấn mạnh quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng Cổng DVCQG trở thành kênh giao tiếp điện tử hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, bất cứ dịch vụ công nào được đưa lên Cổng DVCQG đều được kiểm soát toàn bộ quy trình thủ tục hành chính xem có thật sự là cải cách, cắt giảm không và thời gian tới sẽ quyết liệt cải cách thực chất hơn.

.

Hoàng Giang

Top