Hà Nội

Sửa Bộ Luật Lao động phù hợp thực tiễn Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Cần có điều khoản về tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, không nên tăng giờ làm thêm, yêu cầu “thương lượng bắt buộc” giữa chủ và người lao động là những ý kiến đáng chú ý trong Hội thảo về Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

02/03/2010 20:24

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chínhh phủ Kiều Đình Thụ: Quan hệ lao động ngày càng phát triển đặt ra nhiều vấn đề cần sửa đổi Luật - Ảnh: Chinhphu.vn

Hôm nay (2/3), Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ rà soát, cân nhắc, hoàn thiện dự thảo Bộ Luật Lao động trình Chính phủ trước 12/3, và Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào đầu tháng 5.

Thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới

Qua thực tiễn, quan hệ lao động ngày càng phát triển đặt ra nhiều vấn đề cần sửa đổi luật để phù hợp, mặc dù sau 14 năm thi hành, Bộ Luật Lao động đã cơ bản đi vào cuộc sống, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ nhận xét.

Cụ thể, một số vấn đề như cho thuê lại lao động; đặt cọc, cho thuê đặt cọc trong hợp đồng lao động; nội dung thỏa ước lao động tập thể... đã phát sinh nhiều vấn đề mới cần có quy định chi tiết.

Về vấn đề cho thuê lại lao động, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Đức San cho rằng đây là vấn đề không mới trên thế giới nhưng vẫn chưa có quy định rõ ràng trong Bộ Luật Lao động. Trong khi đó, hình thức này đang phát triển tại các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…và trong các ngành như hàng hải, dầu khí.

Điểm tích cực của hình thức này là giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, không phải đào tạo lại lao động. Tuy nhiên, rất cần những quy định cụ thể về các vấn đề cần xử lý giữa 3 chủ thể: người có lao động cho thuê - người thuê lại - người lao động để phòng ngừa tình trạng bóc lột lao động.

Vấn đề đặt cọc, cho thuê đặt cọc trong hợp đồng lao động cũng là nội dung mới phát sinh. Luật hiện hành có đề cập đến việc người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động đặt cọc nhưng không nêu rõ trường hợp cụ thể.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, những quy định thỏa ước lao động tập thể đã thực hiện không thành công, tỷ lệ đơn vị có thỏa ước thấp, các thỏa ước vẫn đơn thuần sao chép luật, không được hình thành trên cơ sở thương lượng. Vấn đề này đặt ra yêu cầu “thương lượng bắt buộc” trong Bộ Luật, nguyên tắc đối thoại, đàm phán giữa giới chủ và người lao động phải được đặt lên hàng đầu.

Sửa đổi cần phù hợp với điều kiện Việt Nam

Trong 15 ý kiến đóng góp cho dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu chú trọng đến các điều khoản liên quan đến quan hệ lao động như vai trò của tổ chức công đoàn, thời giờ làm việc, đình công.

Thực tế chỉ rõ, xung đột quyền lợi giữa các nhóm có thể làm nảy sinh mâu thuẫn. Chẳng hạn, về giờ làm thêm, kết quả khảo sát 1.500 doanh nghiệp ở 15 tỉnh thành phố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy 72% người sử dụng lao động cho rằng cần tăng thêm, trong khi 89,3% người lao động có quan điểm nên giữ nguyên như hiện tại.

Về đình công, theo ông Đặng Đức San, để giải quyết tốt vấn đề này thì việc sửa đổi chương Đình công trong Bộ Luật là không đủ, mà còn cần sửa toàn diện các vấn đề khác như cơ chế thương lượng, đối thoại, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; tổ chức đại diện cho người lao động; quy định về tranh chấp lao động.

Vai trò của tổ chức công đoàn cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm bởi hiện công đoàn cơ sở vẫn chưa thành lập ở 100% doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể hơn về vai trò của đại diện tập thể lao động trong những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn. Bộ Luật Lao động hiện hành đã thừa nhận vai trò của đại diện tập thể lao động trong việc lãnh đạo và tổ chức đình công, song luật sửa đổi cần mở rộng vai trò của chủ thể này trong việc thương lượng tập thể, thường xuyên bàn bạc với chủ sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ nhấn mạnh, Bộ Luật Lao động cần được sửa đổi phù hợp để phát triển quan hệ lao động, thị trường lao động; bảo vệ quyền lợi hợp lý của các bên liên quan, và đặc biệt cần phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Thu Cúc

Cần có điều khoản về tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động

Ông Hoàng Văn Dũng - Ảnh: Chinhphu.vn

Ông Hoàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch thường trực Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam VCCI:

Vị trí của doanh nhân, của giới sử dụng lao động ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế. Họ chính là một trong 2 chủ thể chính của quan hệ lao động. Trong cơ chế quan hệ lao động, người lao động đã có công đoàn, thì người sử dụng lao động cũng cần có tổ chức đại diện cho mình.

Thực tế, Việt Nam đã khoảng 300 Hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hiệu quả. Vì vậy, cần có quy định lập ra một tổ chức chủ trì, thống nhất về quyền lợi, vị trí của người sử dụng lao động. Kinh nghiệm quốc tế và quan điểm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy điều này là hợp lý.

Không nên tăng giờ làm thêm

Ông Mai Đức Chính - Ảnh: Chinhphu.vn

Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam:

Khảo sát gần đây cho thấy, 90% các cuộc đình công của công nhân xuất phát từ vấn đề tiền lương không thỏa đáng và doanh nghiệp vi phạm giờ làm thêm. Quy định 200 giờ làm thêm/năm là hợp lý, không nên tăng lên 300 giờ/năm vì tại một số ngành nghề như dệt may, giầy da… công nhân phải làm việc rất vất vả, tăng giờ làm thêm sẻ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Luật cũng không nên quy định về nội dung cụ thể của Thỏa ước lao động tập thể mà nên linh động, thỏa ước được đến đâu, ký đến đấy. Vấn đề cần thiết là tạo điều kiện hài hòa trong quan hệ lao động, thành lập hội đồng hòa giải trung gian ở cấp huyện, chọn những người có uy tín, hiểu biết về luật để tạo sự tin tưởng cho người lao động.

Top