Hà Nội

Sớm triển khai xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

(Website Chính phủ) - Ngày 19/9, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về Đề án xây dựng bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Website Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thông báo:

20/09/2006 05:45

Ảnh minh họa

Ngày 5/9/2006 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì họp về Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Cùng dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đại diện lãnh đạo các Bộ: Văn hóa - Thông tin, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ và đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Sau khi nghe Văn phòng Chính phủ báo cáo tóm tắt về Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ý kiến các Bộ, ngành và các đại biểu dự họp, ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

1. Chủ trương xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã được nêu trong Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là bảo tàng đầu hệ, bảo tàng lớn nhất của Việt Nam, sau khi được xây dựng sẽ trưng bày tiến trình lịch sử Việt Nam qua các giai đoạn và sẽ khắc phục những khiếm khuyết của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng cách mạng Việt Nam hiện nay. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là công trình văn hóa đặc biệt, có ý nghĩa lớn, lâu dài, cần sớm được xây dựng và cơ bản hoàn thành trước năm 2010.

2. Cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng, khoa học các nội dung trưng bày, hệ thống các khu trưng bày, hình thức thể hiện, nhằm thể hiện sinh động tiến trình lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ. Cần cân nhắc thật kỹ nội dung, hình thức thể hiện của khu tưởng niệm danh nhân để lầm nổi bật những giá trị tiêu biểu nhất của mỗi thời đại, của thời đại Hồ Chí Minh.

3. Về địa điểm xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Vị trí lựa chọn nằm trong khu trung tâm đô thị mới ở phía Tây Hồ Tây với diện tích xây dựng 10 ha gắn với khu không gian mở 28 ha của Công viên Hữu Nghị.

4. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là công trình văn hóa lớn, có ý nghĩa lâu dài, cần chuẩn bị kỹ và tổ chức thi phương án kiến trúc quốc tế rộng rãi để lựa chọn phương án tốt nhất.

5. Về tổ chức thực hiện: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vậy đồng ý thành lập Ban chỉ đạo nhà nước do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin làm Phó Trưởng ban thường trực chịu trách nhiệm về nội dung và hình thức trưng bày; Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Phó Trưởng ban chịu trách nhiệm toàn bộ về việc xây dựng công trình, thành viên Ban chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; Giao Bộ Văn hóa - Thông tin làm chủ đầu tư; Thành lập Ban quản lý dự án có đủ năng lực về quản lý xây dựng và năng lực về nội dung chuyên môn để nhận bàn giao và quản lý sử dụng khi công trình được xây dựng xong; Trong quá trình xây dựng cần yêu cầu Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia và Kiểm toán nhà nước tham gia ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng.

- Về vốn xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối và bố trí vốn theo kế hoạch được duyệt. Phấn đấu khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để cuối năm 2007 khởi công xây dựng công trình.

- Giao Bộ Văn hóa - Thông tin dự thảo quyết định phê duyệt Đề án, dự thảo quyết định thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thống nhất với các Bộ, ngành cử thành viên tham gia trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội biết, thực hiện./.

Hồng Hải

(Nguồn: Thông báo số 149/TB-VPCP)

Top