Hà Nội

Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử với Sơn La

(Chinhphu.vn) - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan đề xuất UBND tỉnh Sơn La cần khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP; tăng cường tích hợp, sử dụng chữ ký số; có giải pháp thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của người dân, doanh nghiệp…

18/07/2019 17:26

 

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: Hoàng Anh 

Chiều 18/7, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), VPCP và UBND tỉnh Sơn La đã có buổi làm việc chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử.

.

Tại buổi làm việc, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) đã khái quát những nét chính trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số từ nay đến năm 2025 tại Việt Nam.

.

Trong phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, Chính phủ đã xác định triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 83 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; bảo đảm gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc; gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; bảo đảm nguồn lực triển khai...

.

Về nguồn lực, Chính phủ huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin trọn gói do các doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp.

.

Theo ông Ngô Hải Phan, như cách làm hiện nay tại VPCP đối với phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc hay Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) là VPCP thuê trọn gói dịch vụ của Tập đoàn Viettel. Tập đoàn Viettel đầu tư và cho VPCP thuê lại từ hệ thống phần mềm, trang thiết bị cho đến quản trị, vận hành, giám sát và bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin. Việc nâng cấp, hoàn thiện phần mềm phục vụ công tác quản lý do đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện theo yêu cầu của VPCP, không phát sinh thêm kinh phí.

.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cho biết, do tầm quan trọng của công tác xây dựng Chính phủ điện tử, tỉnh Sơn La rất mong muốn có các thông tin tổng thể về công tác này, nhất là những định hướng chung của Chính phủ và kinh nghiệm triển khai của VPCP.

.

UBND tỉnh Sơn La mong muốn VPCP hướng dẫn tỉnh Sơn La lựa chọn và triển khai trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu theo kiến trúc chính quyền điện tử đáp ứng việc kết nối và liên thông với trục tích hợp quốc gia; hướng dẫn, triển khai hệ thống ứng dụng báo cáo thống kê, hệ thống e-cabinet mới được VPCP đưa vào khai thác sử dụng cho tỉnh Sơn La.

 

 Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Hoàng Anh

Theo ông Nguyễn Đắc Tĩnh, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sơn La, hiện nay, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đã triển khai tới 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn của tỉnh. Tỉnh đã kết nối thành công Hệ thống quản lý văn bản địa phương với Trục liên thông văn bản Quốc gia, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước phản hồi từ 5 trạng thái trở lên.

.

Tỉnh cũng đăng ký và cấp phát 1.278 chứng thư số chuyên dùng của Ban cơ yếu Chính phủ cho các lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện ký số văn bản điện tử; tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên hệ thống Quản lý văn bản và điều hành.

.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cung cấp, triển khai 1.696 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 292 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 77 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tỉnh Sơn La (không bao gồm các dịch vụ công trực tuyến của Bộ, ngành Trung ương), phục vụ nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân. Tính đến quý II/2019, đã có 61/369 dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (đạt 16,53%).

.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT tại Sơn La như: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật về CNTT trong các cơ quan nhà nước còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước; việc triển khai các ứng dụng CNTT theo ngành dọc (do các cơ quan Trung ương triển khai) và tại địa phương chưa có sự phối hợp một cách tổng thể, vì vậy khó khăn trong việc liên thông dữ liệu và xử lý; các doanh nghiệp cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin trên địa bàn còn ít…

.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan, qua khảo sát đánh giá cho thấy, Cổng Dịch vụ công của Sơn La chưa đáp ứng được quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP như chưa kết nối với Cở sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính dẫn đến dữ liệu thủ tục hành chính chưa chính xác so với công bố của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; chỉ số xếp hạng ICT (sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT) của Sơn La thấp, dưới mức trung bình (năm 2018 là 55/63).

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Hoàng Anh

Hiện nay, tỷ lệ gửi văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia của Sơn La đến các Bộ, ngành, địa phương khác có tích hợp chữ ký số còn chưa cao. Từ ngày 12/3-27/5/2019, tỷ lệ gửi văn bản điện tử có ký số tới VPCP là 21% (18/85 văn bản), thể thức ký số chưa đáp ứng Thông tư 01/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ .

.

Nhấn mạnh VPCP sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử cho Sơn La, ông Ngô Hải Phan cho rằng, trước tiên, UBND tỉnh Sơn La cần xử lý thật tốt hồ sơ công việc trên môi trường mạng, sau đó mới tiếp tục hoàn thiện các hệ thống khác như: Cổng Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo…

.

Theo ông Ngô Hải Phan, xây dựng chính quyền điện tử phải bảo đảm an toàn an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm nguồn lực triển khai, đồng thời thiếp lập cơ chế bảo đảm thực thi với mục tiêu, chỉ tiêu đo lường kết quả cụ thể. Bên cạnh đó, trong xây dựng chính quyền điện tử rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng UBND tỉnh và Sở TT&TT.

.

Đồng thời đề xuất UBND tỉnh Sơn La cần khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP; tăng cường tích hợp, sử dụng chữ ký số; có giải pháp thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của người dân, doanh nghiệp…

.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cũng nêu ra 16 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà UBND tỉnh, thành phố cần triển khai như: Xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0; triển khai giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tại địa phương với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; xây dựng hoàn thiện hệ thống một cửa Cổng dịch vụ công địa phương kết nối với Cổng dịch vụ Công quốc gia; hệ thống thông tin báo cáo tại địa phương tích hợp với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ…

.

Cảm ơn đại diện các vụ, cục, đơn vị VPCP chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử.

.

Sơn La là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách hàng năm hạn chế, nguồn kinh phí ngân sách đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT rất hạn hẹp. Vì vậy, tỉnh rất mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ để đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT tại địa phương trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

.

Đặc biệt, UBND tỉnh Sơn La mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VPCP trong xây dựng Chính phủ điện tử nhằm hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Sơn La.

.

Hoàng Anh

Top