Hà Nội

Quy chế hoạt động thanh tra, kiểm tra của Văn phòng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định ban hành Quy chế hoạt động thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo của Văn phòng Chính phủ.

10/12/2009 11:03

Quy chế gồm 5 Chương, 27 Điều quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, phạm vi, mối quan hệ và trình tự giải quyết công việc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo của Văn phòng Chính phủ. Quy chế nêu rõ, công tác tự kiểm tra của lãnh đạo đối với các Vụ, Cục, đơn vị được giao phụ trách được tiến hành thường xuyên theo pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, theo Quy chế làm việc của Chính phủ và Quy chế làm việc của Văn phòng Chính phủ.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ đúng quy định của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về kết quả thanh tra, kiểm tra; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời. Đồng thời không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, kiểm tra và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo phương thức thành lập Tổ công tác thanh tra, kiểm tra; cán bộ thanh tra tiến hành thanh tra, kiểm tra độc lập. Thời hạn mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra (hàng năm, 6 tháng) và quyết định các cuộc thanh tra, kiểm tra cụ thể.

Tổ công tác thanh tra, kiểm tra có Tổ trưởng và các thành viên. Tổ trưởng có quyền đề nghị Bộ trưởng quyết định tạm đình chỉ chức vụ của người có hành vi sai phạm, tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang là đối tượng thanh tra, kiểm tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra, kiểm tra. Khi nhận được kết luận, kiến nghị của Tổ công tác, trong thời hạn 15 ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm xem xét và ra quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Đối với những vi phạm pháp luật, xét thấy có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra xử lý.

Hồng Minh

Top