Hà Nội

Quy chế 42 và bước đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ của VPCP

(Chinhphu.vn) – Quy chế Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (Quy chế 42) ra đời là một trong những thành công trong phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

29/04/2015 17:15

Ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, VPCP. Ảnh: Trung Hiếu

Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương từ trước đến nay luôn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của VPCP.

Sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện, Quy chế 42 được các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao; cùng với đó ý thức, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương đối với việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được nâng lên một bước; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai công tác này cũng chặt chẽ, hiệu quả hơn trước đây.

Quy chế ra đời đã đảm bảo việc nắm bắt thông tin đầy đủ về quá trình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được nghiêm túc, hiệu quả, tạo hành lang pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương đôn đốc, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thắt chặt kỷ cương, kỷ luật trong hệ hệ thống hành chính.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Đinh Dũng Sỹ, người trực tiếp phụ trách công việc dự thảo Quy chế, việc thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ trước đến nay luôn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của VPCP. Tuy nhiên, khi chưa có Quy chế 42, công tác này còn hạn chế, bất cập vì chưa có căn cứ và cơ sở để phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các Bộ, ngành, địa phương dẫn đến tình trạng nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chưa được theo dõi, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời.

Mặt khác, khi chưa ban hành Quy chế 42, cơ chế phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin giữa VPCP với các Bộ, ngành, địa phương chưa được thực hiện nên không có số liệu và báo cáo đánh giá chính xác, thường xuyên, kịp thời quá trình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, từ đó không có cơ sở xác định trách nhiệm của các cơ quan để tiến hành công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc kịp thời, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, phương pháp theo dõi, phối hợp đôn đốc, kiểm tra trước đây chưa khoa học, đặc biệt là chưa có ứng dụng công nghệ thông tin nên hiệu quả chưa cao.

Do đó, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn và cơ sở pháp lý nêu trên, việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng ban hành Quy chế 42 là hết sức cần thiết, đáp ứng với yêu cầu cấp thiết về công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm minh, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.

Ý tưởng từ lãnh đạo Chính phủ

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2013 của VPCP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, VPCP phải làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đây cũng chính là công việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, VPCP đã giao Vụ Tổng hợp làm đầu mối triển khai công tác này ngay từ những ngày đầu năm 2013. Sau khi được lãnh đạo VPCP giao nhiệm vụ, Vụ Tổng hợp đã chủ trì cùng với sự tham gia tích cực của các đơn vị trong VPCP triển khai xây dựng dự thảo Quy chế về công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trong nội bộ VPCP, đồng thời phối hợp với Tổ Công tác ứng dụng CNTT xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao VPCP.

Trong quá trình xây dựng Quy chế 42 đã nhận được sự ủng hộ cao của các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP. Các Bộ, ngành, địa phương có ý kiến đóng góp vào dự thảo Quy chế đều đánh giá cao việc VPCP chủ động, tham mưu, đề xuất với Thủ tướng ban hành Quy chế và cho rằng việc xây dựng Quy chế trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi..

“Thật ra, đây không phải là vấn đề mới. Việc theo dõi, đôn đốc, báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bấy lâu nay VPCP và các Bộ, ngành, địa phương vẫn làm nhưng tư tưởng, quan điểm mới được thể hiện trong Quy chế 42 là làm theo tư duy mới, cách làm mới, trong đó nổi bật là phải có quy chế pháp lý rõ ràng, đầy đủ và phải ứng dụng CNTT vào công tác này”, ông Đinh Dũng Sỹ chia sẻ.

Theo đó, các quy định trong Quy chế cụ thể, chi tiết, rõ ràng, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; quyền hạn, trách nhiệm của Bộ, cơ quan, địa phương được quy định cụ thể, rõ ràng, không chồng chéo, bảo đảm thực hiện thống nhất, đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, các quy định tại Quy chế 42 đã đề cao trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức, triển khai công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; trách nhiệm của VPCP từ các đồng chí chuyên viên đến lãnh đạo VPCP trong việc cập nhật thông tin, đôn đốc, theo dõi và báo cáo.

Góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp

Đến nay sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện, tác động và hiệu quả của Quy chế 42 đối với việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao đã góp phần tích cực  nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước trong thực thi công vụ.

Quy chế 42 là một trong những bằng chứng sống động về việc đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho VPCP.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Đinh Dũng Sỹ tin tưởng: “Quy chế 42 được ban hành và thực hiện có hiệu quả, sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ Hành chính điện tử, Ban Hành chính điện tử và Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ, thành viên Tổ Công tác triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin tại VPCP. Ảnh: Mai Anh

Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao

Quy chế 42 thực hiện trên nền tảng CNTT là Hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi đôn đốc, kiểm tra các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại Hội thi tin học giỏi 4 Văn phòng Trung ương lần thứ Ba (năm 2014), Hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi của VPCP đã đoạt giải Ba về ý tưởng, sản phẩm; được Ban giám khảo đánh giá cao về tính thiết thực và sự cần thiết cũng như khả năng ứng dụng trong thực tế, hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền.

Ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ Hành chính điện tử, Ban Hành chính điện tử và Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, thành viên Tổ Công tác triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin tại VPCP, cho biết: Trước khi phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi được đưa vào sử dụng, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan, địa phương được thực hiện theo phương thức thủ công truyền thống. Các cán bộ, chuyên viên Văn phòng Chính phủ sau khi tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Văn bản chỉ đạo điều hành sẽ lưu văn bản (giấy) để theo dõi tình hình thực hiện các ý kiến chỉ đạo.

Một trong những hạn chế của phương thức truyền thống là vấn đề tổng hợp, báo cáo các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các Bộ, cơ quan, địa phương khó bao quát; đồng thời cũng khó khăn trong việc kiểm soát tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao từ đó ảnh hưởng đến việc đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện.

Ngay từ cuối năm 2012, nhận thấy cần thiết phải ứng dụng CNTT trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan, địa phương, thay cho phương pháp tổng hợp thủ công truyền thống,VPCP đã phối hợp với Tập đoàn Viettel nghiên cứu, triển khai thử nghiệm Phần mềm Quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi làm cơ sở để báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm.

Ngày 11/11/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã ký Quyết định số 1356/QĐ-VPCP ban hành Quy chế về công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các văn bản, ý kiến chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để triển khai tốt Quy chế 1356, VPCP đã chuẩn bị các điều kiện vật chất để thực hiện Quy chế như: Trang bị hệ thống máy tính mới, hiện đại, tốc độ cao; đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ sẵn sàng hỗ trợ giúp các chuyên viên bất kỳ thời gian nào trong giờ làm việc. Vụ Tổng hợp và Tổ Công tác Ứng dụng Công nghệ thông tin và Tập đoàn Viettel đã tiếp thu ý kiến góp ý của các Vụ, đơn vị trong VPCP và bổ sung, hoàn thiện phần mềm chuyên quản lý, theo dõi nhiệm vụ, ý  kiến chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ  tướng Chính phủ sau thời gian thử nghiệm để phù hợp với Quy chế 1356 mới ban hành.

Vụ Tổng hợp, Tổ Công tác ứng dụng công nghệ thông tin đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ, cơ quan, địa phương, Tập đoàn Viettel khảo sát, phân tích, thiết kế, triển khai giải pháp mở rộng, kết nối Mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ đến Mạng điều hành tác nghiệp của Bộ, cơ quan, địa phương, đảm bảo hạ tầng thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương để triển khai Hệ thống phần mềm.

Trong năm 2014, đã tiến hành khảo sát hiện trạng công nghệ thông tin tại trên 20 Bộ, cơ quan, ngang Bộ làm cơ sở xây dựng giải pháp mở rộng, kết nối Mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ.

Trung Hiếu - Mai Anh

Top