Hà Nội

Phiên họp cấp Bộ trưởng đầu tiên của Hội đồng TIFA Việt Nam-Hoa Kỳ: Thảo luận, nhất trí phương án giải quyết các vấn đề quan trọng của hợp tác song phương

(Website Chính phủ) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam cho biết: Tại Phiên họp cấp Bộ trưởng đầu tiên của Hội đồng Liên chính phủ về hợp tác theo khuôn khổ của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) Việt Nam-Hoa Kỳ diễn ra ngày 17/12, hai bên đã trao đổi, thống nhất biện pháp giải quyết đối với một số nội dung quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.

18/12/2007 09:48

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ, Bộ trưởng-Trưởng Đại diện Thương mại Susan Schwab gặp gỡ trước khi tham dự phiên họp- Ảnh CTV Website Chính phủ

Phiên họp đã thảo luận sâu về vấn đề cơ chế giám sát hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Phía Việt Nam đề nghị trước hết Hoa Kỳ cần loại bỏ những mặt hàng mà Hoa Kỳ không sản xuất ra khỏi danh mục các mặt hàng bị giám sát, công bố rõ cơ chế giám sát và quá trình tự động khởi kiện (nếu có) của phía bạn, đồng thời mọi quyết định của Hoa Kỳ cần được thông báo và tư vấn trước với Việt Nam thông qua cơ chế hợp tác TIFA.

GSP-Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập - là hệ thống ưu đãi về thuế quan do các nước công nghiệp dành cho một số sản phẩm nhập khẩu từ các nước đang phát triển.

Về quy chế ưu đãi thuế nhập khẩu GSP, Việt Nam cho biết đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ đề nghị Hoa Kỳ áp dụng quy chế này cho các mặt hàng nông nghiệp và chế biến của Việt Nam. Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ cử chuyên gia của Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sang tư vấn cho Việt Nam hoàn chỉnh hồ sơ GSP để có thể áp dụng quy chế này trong năm 2008.

Liên quan đến xuất khẩu nông sản, Việt Nam cũng đề nghị Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất khẩu hoa quả sang Hoa Kỳ, nhất là các loại trái cây quý.

Cho tới nay, đã có hơn 20 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Việt Nam cũng đang tích cực chuyển đổi và hoàn thiện môi trường pháp lý theo cơ chế thị trường, thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại song phương (BTA), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... Do vậy, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ hướng dẫn và tư vấn cho Việt Nam về việc sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Phía Hoa Kỳ cũng đã đưa ra một số vấn đề như: Quyền kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Việt Nam trong việc nhập khẩu, phân phối bán hàng tại Việt Nam; vấn đề bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ; vấn đề nhập khẩu thịt bò của Hoa Kỳ vào Việt Nam; làm rõ nội dung Dự thảo Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BIT) (dự kiến sẽ bắt đầu đàm phán trong năm 2008)...

Phiên họp đã xây dựng được sự nhất trí cao của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ về việc thúc đẩy đưa các hiệp định, thỏa thuận thành kết quả hợp tác song phương; coi doanh nghiệp là động lực chủ yếu cho sự hợp tác song phương và thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác có kết quả vì lợi ích của hai phía. Cũng thông qua Hội đồng TIFA, hai bên sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững, chặt chẽ nhất là ở cấp cán bộ điều hành (SOM) để thường xuyên phối hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc, lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, đồng thời cảnh báo những tranh chấp thương mại để có biện pháp phòng tránh.

Đánh giá về kết quả của phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Phiên họp cấp bộ trưởng đầu tiên của Hội đồng TIFA đã thành công tốt đẹp. Đây là thành quả của sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ trong 10 năm qua, nhất là việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) trong thời gian 2001-2007. Nhờ công tác chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng và đồng bộ của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ qua các cuộc họp SOM và các cuộc họp chuyên đề, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, các vấn đề mà mỗi bên đưa ra tại Phiên họp của Hội đồng TIFA lần này đã được cả hai phía cùng lắng nghe, thảo luận và đi đến thống nhất các biện pháp giải quyết phù hợp với luật pháp và điều kiện cụ thể của mỗi nước, cũng như quyền lợi của mỗi bên.

Lê Phượng
(CTV Website CP tại Washington)

Top