Hà Nội

Phía sau hai Nghị quyết cải cách của Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Ngày cuối cùng của năm 2013, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì một cuộc họp và tại đây, ông đưa ra bài toán: Làm thế nào để nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia trong chiến lược cạnh tranh toàn cầu.

19/08/2015 15:59

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trao đổi với các đại biểu dự buổi làm việc về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế,  ngày 9/7/2014. Ảnh: VGP

Và sản phẩm của quá trình giải “bài toán” hóc búa nói trên chính là hai Nghị quyết cùng mang số 19 của Chính phủ: Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.

Yêu cầu “đồng tốc” với Thủ tướng

Thực ra, ngay từ năm 2011, năm bắt đầu nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhận thấy vấn đề cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đến năm 2012, Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia. Sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Hội đồng.

Chỉ hơn một tháng sau khi được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ mới, ngày 31/12/2013, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng, yêu cầu bàn giải pháp làm thế nào để nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia trong chiến lược cạnh tranh toàn cầu; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về vấn đề này trong quý I/2014.

Theo các cán bộ của Văn phòng Chính phủ trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị quyết 19, việc xây dựng Nghị quyết đặt ra trong bối cảnh nhiều năm liền, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, chậm được cải thiện.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải lấy đánh giá, xếp hạng của quốc tế, trước mắt tập trung vào các chỉ tiêu đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh để xem xét, tìm giải pháp cải thiện. Phó Thủ tướng chỉ đạo Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Bộ KHĐT, trực tiếp là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, mời thêm một số chuyên gia như ông Trương Đình Tuyển, bà Phạm Chi Lan, ông Nguyễn Quang Thái… để tham vấn chuẩn bị dự thảo nội dung Nghị quyết.

Những người tham gia soạn thảo Nghị quyết thừa nhận, việc ban hành Nghị quyết không phải là “sáng kiến từ dưới lên”, mặc dù phần lớn mọi người đều thấy rằng vấn đề mà Nghị quyết đề cập là rất cấp bách, không thể không làm. Nhưng cái khó là không ai biết phải bắt đầu từ đâu, “vì đụng vào lĩnh vực nào cũng thấy bí”, các cán bộ VPCP nhắc lại tình hình trước khi bắt tay xây dựng Nghị quyết. Trong bối cảnh đó, việc đặt vấn đề, “đặt hàng” hoàn toàn là do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Bất cứ lúc nào, VPCP cũng phải làm tốt việc nắm bắt tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, phục vụ tận tụy với cường độ cao nhất. Nhưng riêng với việc xây dựng Nghị quyết 19, vấn đề nổi lên là phải chủ động làm việc với các bên liên quan, huy động được sức mạnh từ các chuyên gia, tạo chuyển động đồng bộ, đồng tốc giữa các bộ, các nhà khoa học để có thể sớm giải được vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu.

Theo những người tham gia xây dựng dự thảo Nghị quyết, các cuộc họp liên quan bao giờ cũng diễn ra hết sức “cơ động”: Ngay tại phòng làm việc của Phó Thủ tướng, rất nhanh và chỉ có vài người tham dự. Việc trao đổi cũng chủ yếu diễn ra qua thư điện tử.

Nghị quyết được xây dựng rất nhanh nhưng cũng hết sức kỹ lưỡng. Dự thảo Nghị quyết 19 năm 2014 trước hết được VPCP xin ý kiến các Bộ bằng văn bản, sau đó được tổng hợp và đưa ra cuộc họp Chính phủ. Sau khi hoàn chỉnh, dự thảo tiếp tục được xin ý kiến các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ một lần nữa.

Sau một năm thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2014 - 2015 đã được triển khai có hiệu quả và đạt kết quả tích cực, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Môi trường sản xuất kinh doanh được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp chưa được triển khai theo yêu cầu, tác động của Nghị quyết vào thực tế sản xuất và đời sống vẫn còn chậm.

Do đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 19 năm 2015, nhưng lần này, ngoài đánh giá môi trường kinh doanh của WB, còn căn cứ vào theo xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đặt hàng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương để nghiên cứu rất cụ thể về từng lĩnh vực, từng chỉ tiêu của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, xem vướng mắc ở đâu, giải pháp thế nào, xây dựng dự thảo. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, VPCP trực tiếp bổ sung, hoàn thiện dự thảo để bảo đảm tổng quan, toàn diện, khả thi.

Việc xây dựng Nghị quyết lần 2 còn kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn nữa. Khi sơ thảo, Bộ KHĐT đã lấy ý kiến các Bộ, nhưng khi hoàn thiện, VPCP vẫn tiếp tục lấy ý kiến các thành viên Chính phủ 3 lần nữa: Trước khi họp Chính phủ, trong cuộc họp Chính phủ và thêm một lần nữa trước khi ban hành.

Dịp Tết nguyên đán 2015, VPCP đã gửi dự thảo Nghị quyết trước Tết mấy ngày cho các thành viên Chính phủ và đến ngày mùng 6 tháng Giêng, ngày đầu tiên đi làm trở lại thì VPCP đã đốc thúc việc góp ý, để kịp trình dự thảo Nghị quyết ra phiên họp Chính phủ tháng 2 diễn ra sau kỳ nghỉ chỉ vài ngày.

Một điểm khá đặc biệt là Nghị quyết năm 2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp tục được đánh số 19. Bởi sau một năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 19 năm 2014 đã trở thành một “thương hiệu”, nhắc đến Nghị quyết 19 là nhắc đến quyết tâm, tinh thần cải cách mạnh mẽ.

Cách tiếp cận mới

Nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết 19 đã đưa ra một cách tiếp cận mới đối với vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Không đưa ra những chỉ tiêu, mục tiêu chung chung, Chính phủ đã giao cụ thể các bộ ngành sửa đổi từng luật, nghị định, thông tư, với hướng sửa đổi và thời hạn hoàn thành rất rõ ràng.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận xét, nếu tại các nghị quyết khác, các từ khóa thông thường là tiếp tục, tăng cường, đẩy mạnh, thì từ khóa của Nghị quyết 19 là những con số. “Tôi đếm được đến 20 con số, chỉ ra từng mục tiêu, chỉ tiêu, tức là thông điệp cải cách, quyết tâm cải cách đã được thể hiện bằng những con số lạnh lùng nhưng đầy trách nhiệm của Chính phủ”.

Theo TS Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng, thì vai trò tham mưu của VPCP là rất quan trọng, VPCP đã cụ thể hóa những yêu cầu, chủ trương của lãnh đạo Chính phủ thành những mục tiêu và giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như mục tiêu đạt mức trung bình của ASEAN-6 hay ASEAN-4, để từ đó báo cáo lãnh đạo Chính phủ và trở thành nội dung của Nghị quyết.

Cách tiếp cận mới nói trên liên quan mật thiết đến việc đánh giá việc thực hiện Nghị quyết. “Nếu chỉ đánh giá là bộ này đã tích cực, bộ kia đã cố gắng thì không ăn thua. Phải có mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, sửa cái gì, bao giờ xong, kết quả tối thiểu thế nào, buộc các bộ ngành thực hiện. Và trong suốt quá trình triển khai Nghị quyết, VPCP tiếp tục giám sát, báo cáo Thủ tướng cần tiếp tục làm việc với Bộ ngành nào để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khó ở đâu thì gỡ ở đó”, TS Nguyễn Bá Ân nói.

Sau khi các Nghị quyết được ban hành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng đã lên kế hoạch, trực tiếp làm việc với nhiều bộ, cơ quan về từng chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết và trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Mới đây nhất, VPCP đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị ngày 14/7 chỉ rõ hướng giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong lĩnh vực hải quan…

Nói về những khó khăn, những người tham gia soạn thảo Nghị quyết đều cho rằng vấn đề quan trọng nhất là nhận thức. Theo TS Nguyễn Bá Ân, “Nghị quyết 19 là Nghị quyết cải cách, mà nhiều người có tâm lý ngại thay đổi. Nhưng mục tiêu đã đưa ra thì VPCP phải quyết giữ bằng được, thực hiện bằng được”.

Không chỉ có vậy, nhiều bộ ngành còn “phản ứng” bởi tư tưởng bao trùm trong 2 Nghị quyết là tiếp cận vấn đề theo các thông lệ quốc tế. Nhiều khi, thời gian thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của Việt Nam còn ngắn hơn kết quả đo lường của Ngân hàng Thế giới. Thành ra, có nơi bảo vậy việc gì phải cải cách, nhưng họ không hiểu rằng WB đo lường thời gian trên thực tế, chứ không phải trên giấy tờ. Nhưng rồi qua các buổi làm việc, với những phân tích cụ thể, khoa học, các cán bộ, chuyên viên của VPCP, tổ chuyên gia đã cùng các bộ ngành đã đi đến nhận thức chung là có thể làm được và muốn làm được thì phải tháo gỡ ở khâu nào, nút thắt nào.

Cũng theo TS Nguyễn Bá Ân, một tư tưởng nổi bật khác trong cả 2 Nghị quyết là thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, để vừa rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, vừa góp phần xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch.

Quá trình xây dựng Nghị quyết đã nhận được sự quan tâm sát sao và thường xuyên của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, sự phối hợp chặt chẽ từ các vụ, cục, đơn vị thuộc VPCP. Các vụ tại VPCP đều có những góp ý rất cụ thể cho dự thảo Nghị quyết, như vấn đề nào hợp lý, vấn đề nào vướng luật cần phải xem xét lại… Các vụ chuyên ngành cũng thường xuyên đấu nối chặt chẽ với Bộ KHĐT, các bộ ngành khác để theo dõi, giúp Chính phủ 3 tháng một lần kiểm điểm tình hình triển khai Nghị quyết tại các phiên họp.

Nghị quyết 19 ra đời đã gây tiếng vang lớn với dư luận trong và ngoài nước về quyết tâm cải cách của Chính phủ Việt Nam, nhiều cải cách đã được thực thi và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Chưa có một tính toán cụ thể rằng việc thực hiện Nghị quyết 19 sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng thêm bao nhiêu, nhưng các chuyên gia đều khẳng định rằng tác động của Nghị quyết tới tốc độ và chất lượng tăng trưởng là mạnh mẽ.

“Chúng tôi, với trách nhiệm của những người giúp việc, phục vụ, có thể nói rằng đã triển khai thực hiện được đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, của Phó Thủ tướng, với những yêu cầu rất cao, rất nghiêm khắc. Nhưng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ dài hơi, việc cải cách phải được tiến hành không ngừng nghỉ”, các cán bộ tham gia xây dựng Nghị quyết cho biết.

Hà Chính

Top