Hà Nội

Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung đến năm 2020

(Website Chính phủ) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung đến năm 2020 với phạm vi gồm các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh, với tổng diện tích đất tự nhiên 5.126.329 ha.

02/09/2007 13:51
Cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn
Với quan điểm phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) toàn diện, khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội, ngoại vùng, các thế mạnh về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch, văn hóa, sinh thái cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, hướng tới phát triển bền vững, Quy hoạch nhằm góp phần cụ thể hóa Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
Theo Quy hoạch, đến năm 2020, hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn dọc tuyến hành lang biên giới Việt - Trung được bố trí theo dạng liên kết-hỗ trợ, phân bố đều theo khoảng cách giữa các lưới đường giao thông cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Các đô thị dịch vụ - thương mại cửa khẩu là đô thị động lực hoặc đô thị hạt nhân gắn kết, thúc đẩy phát triển các đô thị khác, nhất là các điểm dân nông thôn trong vùng.
Quy hoạch cũng quy định chi tiết về phân vùng phát triển kinh tế, định hướng quy hoạch giao thông và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội. Trong đó, các tỉnh trong vùng cần hoàn thiện hệ thống giáo dục phổ thông, đặc biệt cần chú ý tới các huyện giáp biên để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH, tiến tới rút ngắn khoảng cách với vùng xuôi. Tại các đô thị trung tâm vùng như các thành phố Hạ Long, Lào Cai, Lạng Sơn, quy hoạch xây dựng các cụm trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề; còn ở các đô thị tỉnh lỵ, quy hoạch xây dựng các trường dạy nghề đa ngành, đa lĩnh vực đáp ứng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.
Để đảm bảo có hiệu quả, Quy hoạch cũng nêu ra các chương trình, dự án đầu tư ưu tiên thực hiện. Trong đó, giai đoạn đầu, tập trung vào các chương trình, dự án: Bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung đến năm 2010 theo quy hoạch xã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005; Tập trung đầu tư xây dựng phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp nằm trong các hành lang kinh tế, bao gồm các đô thị: Móng Cái, Tiên Yên, Đồng Đăng, Lạng Sơn và Lào Cai; Đầu tư phát triển các đô thị gắn với kinh tế cửa khẩu như Chi Ma, Tân Thanh, Thanh Thủy, Tà Lùng, Tây Trang, Ma Lù Thàng và Thu Lũm.
Quy hoạch cũng nêu rõ, bên cạnh việc cần có cơ chế và chính sách phù hợp, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu đãi cho vùng về vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH; về phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ thương mại; về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; về y tế, văn hóa; về hỗ trợ hộ gia đình, hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thú y cho cộng đồng.
Vùng biên giới Việt - Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về KTXH, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có tiềm năng lợi thế về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu và kinh tế biển; là vùng có nhiều dân tộc với bản sắc văn hóa riêng; có mối quan hệ mật thiết với Thủ đô Hà Nội, với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thông qua hệ thống hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị quan trọng và với các tỉnh phía Nam, Đông Nam Trung Quốc thông qua hệ thống các cửa khẩu.
Văn Hiến
Top