Hà Nội

Phấn đấu kiềm chế, giảm từ 5% - 10% tai nạn giao thông hàng năm

(Chinhphu.vn) - Đó là mục tiêu phấn đấu trong Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

01/10/2012 13:58

Công đoàn Văn phòng Chính phủ vừa đề nghị các công đoàn trực thuộc tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Chỉ thị nêu rõ để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì trong thời gian tới cần thực hiện toàn diện, đồng bộ, liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ.

Sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông ngay tại bến xe, bến tàu. Ảnh: Minh hoạ.

Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước

Cụ thể, sẽ xây dựng Chiến lược phát triển phương tiện giao thông phù hợp với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Mặt khác, sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và cá nhân.

Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào việc xử phạt, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, nhân viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

Chỉ thị cũng nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp và đơn vị chức năng về quản lý hành lang an toàn giao thông. Đi liền với đó sẽ coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp khắc phục tại các thành phố lớn

Trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai đô thị thực hiện nghiêm các quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông, có lộ trình tích cực, thực hiện có trọng điểm di dời các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn ra khỏi trung tâm thành phố.

Đồng thời, tập trung nguồn lực để xây dựng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, triển khai Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 kết nối với Đề án phát triển vận tải hành khách bằng đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách. Từ đó, vận động người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Bên cạnh đó, chỉ thị cũng đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với nhiều hình thức và nội dung phù hợp, để mỗi người khi tham gia giao thông thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống “văn hoá giao thông”.

Huy Anh
Top