Hà Nội

Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4

(Chinhphu.vn) – Nhiều vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm như tác động môi trường tại nhà máy điện Vĩnh Tân, việc đứt cáp quang quốc tế AAG, việcNHNN mua lại ngân hàng Ocean Bank… đã được nêu ra tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2015 diễn ra chiều 25/4 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên.

25/04/2015 20:16

Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2015 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

.

Thông tin về phiên họp thường kỳ tháng 4/2015 của Chính phủ diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp, Chính phủ đã thống nhất theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan trình bày tại phiên họp lần này, đánh giá tình hình chung tháng 4 giống tháng 3. Nét nổi bật về kinh tế vĩ mô là kinh tế tiếp tục tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, những đánh giá của nhiều chuyên gia dưới nhiều góc độ khác nhau gửi về cho Chính phủ cũng khá lạc quan. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ kết luận, chúng ta không nên quá lạc quan bởi những con số đó mà hãy nhìn vào những mặt mới xuất hiện cũng như tình hình chung biến động khó lường của kinh tế thế giới để tiếp tục tập trung hoàn thành những công việc đề ra với nỗ lực cao nhất.

.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số điểm. Thứ nhất tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh trên từng lĩnh vực cụ thể. Thủ tướng chỉ đạo, trên từng lĩnh vực, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn để có biện pháp xử lý cụ thể, không chung chung. Ví dụ, tình hình hạn hán hiện nay ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, thậm chí có những vùng có đảo lộn nhất định, cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng, đòi hỏi các bộ, ngành phối hợp với địa phương tính toán điều chỉnh lại việc sử dụng nước. Có những vùng khi thiếu nước, bà con phải tiết kiệm nước tối đa, đối với một số cây trồng phải sử dụng nước nhiều như lúa, chấp nhận chịu thiệt hại để dành nước cho những việc cấp bách hơn, hạn chế tối đa những ảnh hưởng mà dẫn đến đói, thiếu nước, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và môi trường.

.

Thứ hai, Thủ tướng chỉ đạo tập trung cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách TTHC, trong đó triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ theo tinh thần các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị kế hoạch của địa phương, ngành mình báo cáo cụ thể để Thủ tướng xem xét, tiếp tục chỉ đạo. Quan trọng là người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải chủ động đề ra kế hoạch cụ thể, có chỉ đạo để giải quyết vướng mắc, làm thế nào tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC. Qua đó, báo chí nên tập trung theo dõi để nắm bắt được bộ, ngành, địa phương nào tích cực và làm có hiệu quả trong lĩnh vực này và nơi nào chưa làm tích cực để phản ánh kịp thời, tạo sự tác động từ bên ngoài, từ nhân dân, từ dư luận để thúc đẩy cuộc cải cách này ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng tốt hơn.

.

Vấn đề nữa Chính phủ quan tâm là phải quyết liệt xử lý những vấn đề bức xúc hiện nay, không để tích tụ thành vấn đề lớn, tạo thành điểm nóng mà người dân phản ứng ở một số nơi. Điều này đã được phân cấp rạch ròi cho các cấp, các ngành thay mặt Chính phủ xử lý những kiến nghị, đề xuất, vướng mắc, bức xúc của người dân. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chúng ta nên làm thật tốt hơn nữa, đừng để xảy ra những tình trạng như trong thời gian qua, làm ảnh hưởng không chỉ đến KTXH mà còn trật tự, trị an.

.

Trong kết luận của mình, Thủ tướng còn nhấn mạnh công việc truyền thông, thông tin. Các bộ, ngành, địa phương phải kịp thời, chủ động hơn nữa truyền thông đối với từng công việc của mình. Khi chuẩn bị đưa ra thực hiện công việc gì phải lấy ý kiến nhân dân theo đúng quy trình, quy chế dân chủ. Việc gì chưa đến mức phải thực hiện như vậy thì cũng nên lắng nghe và sau đó truyền thông kịp thời để người dân hiểu, góp ý, chia sẻ, đồng thuận. Lần này Chính phủ họp nhắc lại vấn đề này cần phải làm tốt hơn nữa, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phấn đấu triển khai quyết liệt đồng bộ, toàn diện hơn nữa những kế hoạch đặt ra.

.

Khánh Huyền (Trung tâm tin tức VTV 24): Vừa qua Bộ Tài chính đã xử lý sai phạm thuế Metro Việt Nam, có thông tin cho biết cơ quan Thuế vừa kiểm tra Honda Việt Nam và phát hiện ra sai phạm. Xin hỏi Bộ Tài chính, nguồn tin đúng không, nếu đúng, xin cho biết rõ hơn những sai phạm và hướng xử lý với công ty này?

.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong đó có Honda. Hiện nay đã xử lý, yêu cầu truy thu, nộp phạt 182 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn khoản khá lớn DN chưa thực hiện, chưa chấp hành. Vì vậy chúng tôi đang có biện pháp xử lý nghiêm minh đúng pháp luật với trường hợp này.

.

PV Chiến Thắng (Thời báo Kinh tế Sài Gòn): Có một vấn đề mà tôi tin là nhiều đồng nghiệp trong khán phòng này quan tâm, là vừa qua Bộ Chính trị đã thông qua đề án quy hoạch báo chí lần cuối. Những người làm báo rất quan tâm tới đề án này nhưng đến nay chưa được nhìn thấy. Cách đây 2 hôm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn có nói Bộ sẽ sớm trong tuần tới trình Thủ tướng quyết định ban hành việc thực hiện đề án này. Chúng tôi băn khoăn và có câu hỏi vì sao đề án này không được công khai, lấy ý kiến của đối tượng bị tác động theo đúng quy trình của pháp luật về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

.

Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Đây là vấn đề tất cả chúng ta ngồi đây đều quan tâm. Có lẽ chúng ta cần chia sẻ sâu sắc để thấy rằng mọi việc chúng ta làm đều vì cái chung cả. Xin mời Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son.

.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son: Việc xây dựng dự thảo Quy hoạch báo chí là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, thực hiện chức năng theo luật Báo chí. Việc này đã được bắt đầu triển khai từ nhiệm kỳ trước cách đây 9 năm, từ khi còn chưa thành lập Bộ TT&TT, sau đó dừng lại một thời gian và gần đây được chỉ đạo tiếp tục thực hiện.

.

Đây là vấn đề liên quan, ảnh hưởng nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan báo chí. Sau 90 năm xây dựng, trưởng thành, báo chí nước ta không ngừng lớn mạnh, ít nước trên thế giới có nhiều cơ quan báo chí như nước ta, hơn 800 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình thì có hơn 300 kênh. Việt Nam là một trong những nước rất tự do báo chí, có đầy đủ các loại hình báo chí cũng như các bộ, ngành, địa phương từ trung ương đến địa phương đều có báo, đa dạng phong phú, chưa kể cả mạng xã hội là nguồn thông tin to lớn cho người dân.

.

Tuy nhiên, báo chí dù phát triển về số lượng, chất lượng nhưng không tránh khỏi trùng lắp về tôn chỉ, mục đich. 

.

Đề án quy hoạch báo chí, đã được triển khai trong thời gian dài, qua nhiều cấp, có nhiều văn bản: Chính phủ đã họp cho ý kiến về dự thảo, xác định đây là văn bản cá biệt, đã lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan chủ quản ở các tỉnh thành, tổ chức các hội thảo khoa học, nhưng không chỉ đạo lấy ý kiến tất cả các cơ quan báo chí. 

.

Nhưng đây là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, nên đề án được trình cả lên Bộ Chính trị. Và Bộ Chính trị cũng không yêu cầu Chính phủ lấy ý kiến các cơ quan báo chí.

.

Chính phủ đã trình xin ý kiến Bộ Chính trị về đề án này vào ngày 25/4/2014 và lần tiếp theo là tháng 11/2014. Bộ Chính trị đã xem xét và cho ý kiến để Chính phủ hoàn thiện.

.

Vì đây là vấn đề lớn, hệ trọng, cấp bách, có tác động, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, địa phương, nên đã trình ra Hội nghị Trung ương 10. Kết luận của hội nghị, trong đó có nội dung về quy hoạch báo chí, đã được quán triệt đến từng chi bộ, và cũng được báo chí tuyên truyền.

.

Trong quá trình triển khai xây dựng quy hoạch báo chí, Bộ đã làm đúng và kỹ lưỡng dưới dự chỉ đạo sát sao của Chính phủ.

.

Đây là quy hoạch do Thủ tướng ban hành nhưng đã được Bộ Chính trị 3 lần cho ý kiến chỉ đạo và 1 lần xin ý kiến tại Kỳ họp Trung ương lần thứ 10 năm 2014, ít có trường hợp nào được làm cẩn trọng như vậy. Quy hoạch sẽ được ban hành trong tháng tới và khi ban hành sẽ có kế hoạch quán triệt triển khai đầy đủ.

.

PV Minh Đức (báo Người tiêu dùng): Thời gian vừa qua, cáp quang ngoài biển tiếp tục đứt. Có nhiều ý kiến cho rằng khi chúng ta lắp đặt và khắc phục như lần trước, chúng ta đánh giá chưa kỹ nên vẫn tiếp tục xảy ra những sự cố đáng. Quan điểm của Bộ TT&TT về chuyện này ra sao?

.

Sau nhiều lần đứt cáp quang ảnh hưởng rất lớn đến đường truyền internet từ quốc tế về Việt Nam cũng như từ Việt Nam ra quốc tế, người tiêu dùng cần một lời xin lỗi, trong khi các doanh nghiệp chưa bao giờ xin lỗi người tiêu dùng. Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ TT&TT, trong thời gian tới có nên xin lỗi người tiêu dùng hay không?

.

Vừa qua có một đơn vị khảo sát chất lượng và 92% người được khảo sát (500 người) đồng ý tăng giá cước 3G. Hiện nay có gần 100 triệu thuê bao di động cũng như 3G mà chỉ khảo sát 500 người liệu đã khách quan hay chưa? Sau khi có thông tin đó, trên các diễn đàn, ví dụ như diễn đàn Nhà báo trẻ cũng ngay lập tức khảo sát. Kết quả đến nay là gần 100% các nhà báo, kể cả những người có uy tín, trên diễn đàn phản đối kịch liệt tăng giá cước 3G. Tôi muốn hỏi Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son việc khảo sát như vậy có khách quan hay không?

.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son: Internet đến Việt Nam từ ngày 29/11/1997, đã đem lại cho chúng ta rất nhiều tiện ích và trở thành dịch vụ thiết yếu, hằng ngày chúng ta không thể thiếu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy đã đặt ra thách thức rất lớn đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này. Doanh nghiệp đầu tiên là VDC của VNPT đưa internet vào Việt Nam. Internet ra thế giới và internet vào Việt Nam rất thuật lợi, các doanh nghiệp có công rất lớn trong việc này, đồng thời cũng có áp lực rất lớn khi đường truyền trục trặc. Hiện nay chúng ta chưa có đủ điều kiện để xây dựng đường truyền độc lập, chúng ta đang liên doanh, liên kết AG với các nước. Chính vì vậy trong thời gian qua, chúng ta có những tác nhân ảnh hưởng, tác động đến đường truyền này, ví dụ những nguyên nhân do con người như các hoạt động trên biển của tàu, bè, thậm chí lưới cào của ngư dân vướng phải; thậm chí có một số nước đề phòng đến hành động phá hoại. Tất cả những tình huống này khiến chúng ta phải nâng cao cảnh giác bảo vệ cáp quang nói riêng cũng như hạ tầng thông tin nói chung.

.

Bộ TT&TT đã yêu cầu các tập đoàn gia cố cáp quang ở vùng biển mình cũng như vùng biển liên kết với nước ngoài, đồng thời phải xây dựng những tuyến cáp quang mới. Dung lượng sử dụng tuyến cáp quang biển càng ngày càng lớn, khi cáp quang bị đứt ảnh hưởng rất lớn đến truy cập internet của người dân và doanh nghiệp, chính vì vậy chúng ta sẽ xây dựng tuyến cáp quang thứ hai trên đường bộ sang Trung Quốc. Hiện nay tập đoàn VNPT đang triển khai 2 tuyến cáp quang mới sẵn sàng cung cấp thêm dung lượng. Người dùng internet sắp tới là trên 30 triệu thuê bao nên chúng ta phải có thêm nhiều tuyến cáp mới cũng như gia cố lại tuyến cáp cũ. Những sự cố đáng tiếc như thế này sẽ hạn chế không xảy ra nữa, không để gián đoạn truy cập của người dân.

.

Trong quá trình triển khai, việc đứt cáp quang là bất khả kháng. Tuy nhiên việc cung cấp dịch vụ đứt đoạn thì người cung cấp dịch vụ cũng phải có lời xin lỗi, phải có thông báo với người tiêu dùng. Nếu là điều kiện bất khả kháng thì khách hàng sẽ chia sẻ với người cung cấp dịch vụ. Chúng tôi sẽ tiếp thu và có sự khuyến cáo đến các nhà mạng, không chỉ chuyện cáp quang biển, kể cả dịch vụ, ví dụ như nghẽn mạng, cũng phải có lời xin lỗi đến khách hàng. Đó là văn hóa cần thiết trong kinh doanh.

.

Về việc tăng cước 3G. Trước đây, như chúng ta biết, đã có lần chúng ta tăng cước 3G theo đúng quy định của pháp luật, tức là chúng ta không bán dưới giá thành. Hiện nay tất cả các cước phí của chúng ta đều đang bán dưới giá thành. Chắc chắn Việt Nam là một trong những nước có cước 3G rẻ nhất. Chúng ta đầu tư rất nhiều hạ tầng nhưng chưa tăng giá cước. Rõ ràng việc tăng giá là cần thiết để đầu tư chất lượng hạ tầng tốt hơn. Nếu tăng giá do cạnh tranh không lành mạnh, tăng giá không đúng quy định của pháp luật thì rõ ràng là tăng giá bất hợp lý. Còn nếu tăng giá theo đúng quy định của pháp luật và tăng giá để góp phần đầu tư chất lượng tốt hơn là cần thiết và chúng ta cũng nên ủng hộ, tuyên truyền cho người dân, giải thích cho người dân thấy rằng việc tăng giá là cần thiết, bảo đảm cho người cung cấp dịch vụ có lãi và dùng lãi đó quay trở lại đầu tư cho hạ tầng.

.

Hiện nay chúng ta có khoảng 140 triệu thuê bao, trong đó có 10 triệu thuê bao cố định, 130 thuê bao di động. Chính vì vậy, vừa rồi có khảo sát mẫu để đánh giá chung, số người được khảo sát là rất nhỏ so với tổng số, nên kết quả sẽ không được chính xác. Tuy nhiên, việc tăng giá 3G này theo đúng quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là không bán dưới giá thành. Hiện nay, thị phần của Viettel là khoảng 50%, thị phần của Vinaphone khoảng 21%, Mobiphone khoảng 18% và các nhà mạng khác nữa, tức là có sự cạnh tranh rất gay gắt. Chính vì cạnh tranh gay gắt nên các nhà mạng bán giá thấp, nên Chính phủ đã yêu cầu tăng giá, không bán dưới giá thành, xu hướng là chúng ta bán bằng giá thành để doanh nghiệp có tiền đầu tư. Vì sao thời gian qua doanh nghiệp vẫn có lãi, vì chúng ta vẫn sử dụng trên nền 2G, bây giờ phải mở rộng đầu tư hơn nữa, phải tăng giá để lấy thu bù chi. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa để làm sao có tăng giá nhưng tăng giá đúng quy định của pháp luật.

.

PV Hải Vân (Tạp chí Năng lượng): Giải pháp khắc phục sự cố ảnh hưởng đến môi trường ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã được Phó Thủ tướng chỉ đạo và được Bộ Công Thương, EVN xử lý. Xin Bộ Công Thương và EVN cho biết giải pháp trước mắt là di dời nhưng về lâu dài sẽ xử lý như thế nào? Được biết hiện nay vấn đề than xỉ vẫn là vấn đề nan giải của các nhà máy, ở phía Bắc chỉ có Nhà máy nhiệt điện Phả Lại là bán được than xỉ còn các nhà máy khác hầu như không bán được. Vấn đề này có được đưa ra để giải quyết trong thời gian tới hay không? Vụ việc mất phóng xạ tại nhà máy thép Pomina 3, tại sao đến bây giờ chúng ta mới nói đến chế tài xử lý với phóng xạ? Các cơ quan quản lý nói gì về vấn đề này?

.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Vụ việc liên quan đến môi trường trong việc xây dựng của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nhân dân trong khu vực. Nguyên nhân xuất phát có trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như BQL dự án nhà máy. Nguyên nhân lớn nhất là do không thực hiện đúng thiết kế kĩ thuật về khâu xử lý môi trường, có sự sai phạm và thay đổi so với thiết kế ban đầu, do đó dẫn đến việc vận chuyển xỉ than gây ô nhiễm trên địa bàn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ngay sau khi sự việc xảy ra Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã có chỉ đạo ngay lập tức cho EVN để xử lý vấn đề. Trước mắt phải khắc phục ngay bằng các biện pháp, cụ: Thứ nhất là phải quây, che khu chứa xỉ để tránh không có phát tán ảnh hưởng ra môi trường; thứ hai là tưới nước đảm bảo không phát tán bụi của xỉ than; thứ ba là dừng lại không cho vận chuyển và đổ xỉ than ra bãi đó nữa và tập kết ở các bãi bên trong nhà máy. Đồng thời, nhà máy đã thực hiện và đến 30/5 sẽ hoàn thành xây dựng đường vận chuyển riêng trong nhà máy, không sử dụng đường dân sinh và những đường trong hệ thống bên ngoài. Trước mắt đã cho gia cố lại hệ thống đường, rải đá dọc đường đảm bảo không có bụi và đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

.

Chúng tôi cũng được biết rằng ngày hôm qua đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã đến kiểm tra trực tiếp nhà máy và xác nhận về các biện pháp của BQL nhà máy và EVN. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Chính phủ, chỉ đạo EVN kiểm tra lại quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nhà máy, đặc biệt liên quan đến thiết kế phần xử lý môi trường, xem xét đánh giá và làm rõ trách nhiệm, có biện pháp kỉ luật với các cá nhân tương xứng hành vi vi phạm. Đồng thời cũng có biện pháp đánh giá lại, tổ chức thực hiện theo đúng thiết kế ban đầu, đảm bảo về môi trường cho nhà máy. Bên cạnh đó cần rút kinh nghiệm chung của các dự án khác thuộc phạm vi quản lý của EVN cũng như của Bộ Công Thương cũng như tất cả các dự án nói chung.

.

Liên quan đến phóng xạ bị thất lạc tại nhà máy thép, Bộ Công Thương không có chức năng quản lý trực tiếp trong phát phóng xạ. Tuy nhiên từ góc độ vụ việc xảy ra, rõ ràng trên thực tế trách nhiệm đầu tiên là của nhà máy, đơn vị có liên quan đến chất phóng xạ, đã không thực hiện nghiêm những quy định theo pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định chuyên ngành trong lĩnh vực đó. Cụ thể, nếu nói về những quy định pháp lý, đều đã có văn bản pháp lý quy định việc đăng ký cũng như kiểm tra, giám sát các thiết bị phóng xạ trong các khu công nghiệp cũng như các cơ sở về năng lượng và cơ sở của ngành công nghiệp thép. Tuy nhiên, có sự buông lỏng của các đơn vị quản lý cũng như của các cơ quan chức năng ở địa phương dù đã có sự phân cấp quản lý chi tiết và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta đã bị động trong thời gian vừa qua dẫn đến nguồn phóng xạ của thiết bị thất lạc, gây nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và  môi trường.

.

Về vấn đề này, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành xem xét trách nhiệm và xem xét điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung và đảm bảo hơn nữa quản lý của Nhà nước, đặc biệt với các loại trang thiết bị đặc thù này.

.

PV Ngọc Lan (Thời báo Kinh tế Sài Gòn): Đề nghị Ngân hàng Nhà nước nói cụ thể hơn về trường hợp mua lại Ngân hàng Ocean Bank với giá 0 đồng? Đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết cụ thể hơn về Đề án phát hành trái phiếu ra thị trường mà hôm nay trong phiên họp Chính phủ đã đề cập.

.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng:  NHNN đã có thông cáo báo chí về việc quyết định mua lại ngân hàng với giá 0 đồng.

.

Cụ thể, căn cứ quy định của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD), Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tuyên bố mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại OceanBank.

.

Thực tế, thời gian qua, OceanBank là ngân hàng yếu kém đã bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt cần tái cơ cấu. Vì quá trình hoạt động, có hiện tượng thất thoát vốn, khiến vốn thực có giảm thấp hơn vốn điều lệ. Tại Đại hội cổ đông, các cổ đông đã không nhất trí góp thêm vốn.

.

Do đó, NHNN đã mua Ocean Bank với giá 0 đồng trở thành chủ sở hữu ngân hàng này, qua đó chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu.

.

Để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ định Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tham gia quản trị, điều hành Ocean Bank. NHNN khẳng định toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Đại Dương sẽ được đảm bảo.

.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Hôm nay Bộ Tài chính xin ý kiến phát hành Trái phiếu ra thị trường quốc tế giai đoạn 2016-2020, với  mục tiêu đầu tiên là huy động vốn cho nền kinh tế để tái cơ cấu nợ. Thay các khoản vay với thời gian ngắn  lãi cao bằng khoản vay có lãi suất hợp lý với thời gian dài hơn, trên cơ sở hệ số tín nhiệm của Việt Nam cao hơn trước. Thứ hai, sẽ huy động vốn hợp lý, thời gian dài cho các dự án trọng điểm quốc gia, chuẩn bị cho mục tiêu  thay dần các nguồn vay ưu đãi ODA, vì khi ta bước sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp, thì phải tính đến thay nguồn vốn ODA bằng các nguồn vốn phù hợp hơn.

.

Vay nợ phải dựa trên nguyên tắc không vượt qua trần nợ công (65% GDP), đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế, không bị ràng buộc các điều kiện sử dụng, đồng thời đảm bảo nguyên tắc an toàn an ninh kinh tế, quản lý rủi ro các dự án trọng điểm.

.

Bộ Tài chính đã trình chủ trương, trên cơ sở đó, xây dựng đề án, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành , địa phương…, sau đó, sẽ phải trình Quốc hội thông qua mới có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Top