Hà Nội

Nhớ về vị Bộ trưởng đẩy lùi “giặc đói”

(Chinhphu.vn) – Suốt 15 năm trực tiếp gắn bó với ngành Nông nghiệp, trong đó có 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Ngô Tấn Nhơn đã để lại những dấu ấn lớn trong việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

12/09/2014 16:11

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Quang Thắng trao tặng cuốn Lịch sử Văn phòng Chính phủ cho đại diện Gia đình đồng chí Ngô Tấn Nhơn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương.

Cố Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn (15/9/1914-15/9/2014) còn là một trong những vị Bộ trưởng đầu tiên của cả hai Bộ: Canh nông và Kinh tế của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong quá trình làm việc (từ năm 1961 – 1978), đồng chí Ngô Tấn Nhơn từng giữ trọng trách là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo của Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ), Ủy viên thường vụ Đảng ủy Văn phòng Phủ Thủ tướng và là Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất đất nước trực thuộc Chính phủ.

Lấy nông nghiệp để phát triển kinh tế quốc dân

Một trong những đóng góp hết sức quan trọng của cố Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn là đề ra chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn những năm đầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, với phương châm: “Lấy cải tạo nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp làm cơ sở để phát triển toàn diện nền kinh tế quốc dân”.

Phương châm đó đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngành NNPTNT trong những năm gần đây đã và đang khẳng định vai trò to lớn trong nền kinh tế đất nước.

Sau thảm họa “giặc đói” hoành hành năm 1945, vị cố Bộ trưởng này đã đưa ra một kế hoạch sản xuất tự cấp, tự túc trong kháng chiến từ tháng 10/1946 đến tháng 3/1947. Trong lúc thực hiện kế hoạch này, ông đã được Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh làm đặc phái viên của Chính phủ cùng với Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ phải lo đủ lương thực và tài chính – “Huyết mạch” này phải được nối từ Bắc vào Nam.

Trong khi thực hiện kế hoạch này, ông là trưởng đoàn đầu tiên đi bộ suốt ba tháng để mở con đường huyết mạch kinh tế dọc dãy Trường Sơn để đưa đồng giấy bạc Bác Hồ vào in tại Nam Bộ. Ông đã đi bộ ba lần trên con đường này từ chiến khu Đồng Tháp Mười đến chiến khu Việt Bắc để họp Chính phủ trong thời gian kháng chiến chống Pháp 9 năm.

Ông đã đề ra đường lối và chỉ đạo thực hiện thành công một mô hình phát triển kinh tế mà mũi chủ đạo là nông nghiệp và tài chính tại căn cứ địa Đồng Tháp Mười rộng 600 nghìn ha.

Đưa kinh tế đi lên từ làm ăn tập thể

Trong bình diện kinh tế, ông đã biết coi trọng phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm, khôi phục và phát triển một số ngành công nghiệp và thủ công nghiệp để chấm dứt nạn đói và nạn thất nghiệp. Song song với việc cho phép phát triển công thương nghiệp tư bản tư doanh, ông rất chú trọng phát triển mạnh mẽ kinh tế quốc doanh và hợp tác xã.

Trong nông nghiệp, để khắc phục tình trạng độc canh, mất cân đối giữa các ngành, vị cựu Bộ trưởng Bộ Canh nông đã đề ra phương châm phát triển nông nghiệp toàn diện, lấy lương thực làm trung tâm, đồng thời phát triển chăn nuôi, nghề cá, nghề rừng, nghề phụ nông thôn. Ông đã có chủ trương kết hợp hợp tác hóa nông nghiệp với phát triển sản xuất nông nghiệp, lấy việc đưa nông dân lao động vào con đường làm ăn tập thể, tổ chức lại lực lượng lao động ở nông thôn để làm cơ sở cho việc phát triển.

Kết quả phát triển nông nghiệp thời gian đó đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, tình trạng mất cân đối trong nông nghiệp giảm dần. Sản xuất lương thực phát triển mạnh, song song với việc phát triển nhanh vùng trồng cây công nghiệp và chăn nuôi đã làm cho nông nghiệp giảm hẳn tình trạng độc canh…

Ghi nhận công lao của ông Ngô Tấn Nhơn, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác cho ông.

Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn (15/9/1914-15/9/2014), đồng chí Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thay mặt lãnh đạo đơn vị, tặng gia đình ông Ngô Tấn Nhơn cuốn Lịch sử Văn phòng Chính phủ (Giai đoạn 1945 – 2005). Trong cuốn Lịch sử này có ghi lại dấu ấn, thời gian đồng chí Ngô Tấn Nhơn làm việc tại Văn phòng Chính phủ.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Quang Thắng nhấn mạnh: “Đồng chí Ngô Tấn Nhơn luôn dành được những tình cảm sâu đậm, sự tôn trọng, quý mến của rất nhiều đồng chí, đồng nghiệp; là tấm gương về nhân cách của người đứng đầu, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung; luôn có tinh thần cởi mở, chân thành, trung thực, thẳng thắn để gắn kết và tập hợp được sức mạnh tập thể. Văn phòng Chính phủ luôn tự hào với truyền thống do các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tiền bối xây đắp nên, trong đó có đồng chí Ngô Tấn Nhơn. Đó là những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng: Chí công vô tư, tất cả vì dân, thực sự là công bộc của dân”.

Đỗ Hương

Top