Hà Nội

Nhãn mác hàng hóa nhập khẩu: Gỡ khó cho doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nhãn mác hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam vừa phải bảo đảm quản lý nhà nước, vừa bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng và không làm phức tạp dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp (DN), cần tạo điều kiện cho DN phát triển.

17/07/2020 14:55

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP tại buổi làm việc về xử lý kiến nghị của EuroCham về nhãn mác hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam - Ảnh: Gia Huy 

Sáng 17/7, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì họp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương; Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về việc xử lý kiến nghị của EuroCham về nhãn mác hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam.

.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, cuộc họp nhằm làm việc với các Bộ liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước đó, EuroCham có văn bản gửi VPCP với nội dung thực hiện theo công văn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý hàng hóa nhập khẩu vi phạm về ghi nhãn và kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, cơ quan hải quan yêu cầu DN nhập khẩu hàng hóa phải ghi đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP trên nhãn gốc hàng hóa ngay tại thời điểm thông quan và xử phạt các trường hợp nhãn gốc không thể hiện đầy đủ thông tin bắt buộc.

.

Tuy nhiên khoản 4 Điều 9 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc". Như vậy, tại thời điểm thông quan, hàng hóa nhập khẩu chưa cần phải có đầy đủ thông tin bắt buộc trên nhãn gốc, đồng thời cho phép DN nhập khẩu bổ sung nhãn phụ bằng tiếng Việt trước đi đưa hàng hóa ra lưu thông tại thị trường.

.

EuroCham kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cần áp dụng thống nhất quy định về ghi nhãn tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, không yêu cầu thể hiện thông tin bắt buộc bằng tiếng Việt trên nhãn gốc hàng hóa nhập khẩu và không xử phạt DN nhập khẩu tại thời điểm thông quan; điều chỉnh quy định tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, theo đó không xử phạt DN khi nhãn gốc hàng hóa nhập khẩu không có thông tin bắt buộc bằng tiếng Việt tại thời điểm thông quan.

.

Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý kiến nghị của EuroCham, đồng thời có công văn hướng dẫn Cục Hải quan các địa phương thực hiện như sau: "Trường hợp trên nhãn gốc không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, các cơ quan hải quan không xử phạt”..

.

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, EuroCham đối với các nội dung liên quan nhãn mác hàng hóa, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật hiện hành và chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia; khẩn trương rà soát việc xử phạt hàng hóa nhập khẩu chưa có nhãn phụ bằng tiếng Việt của ngành hải quan từ thời điểm Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa có hiệu lực đến nay, đề xuất biện pháp khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

.

Tại cuộc họp, đại diện EuroCham bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao tinh thần cải cách của Chính phủ và các Bộ liên quan. Đại diện EuroCham cũng cho biết, sau buổi đối thoại của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ với EuroCham vào ngày 30/6, cộng đồng doanh nghiệp thuộc EuroCham đánh giá cao tinh thần đối thoại cởi mở của Chính phủ Việt Nam.

.

EuroCham luôn mong muốn hỗ trợ để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế, vì vậy các DN thuộc EuroCham mong muốn đưa ra góp ý để vừa phù hợp thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với người tiêu dùng và thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

.

Đại diện EuroCham cho biết DN hoàn toàn ủng hộ về quản lý nhãn mác hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, những thông tin cần có để doanh nghiệp hoàn toàn tuân thủ, tuy nhiên EuroCham mong muốn làm rõ và kiến nghị khi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam trên nhãn gốc chưa đủ thông tin thì chưa xử phạt ngay mà để bổ sung nhãn phụ.

.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu ý kiến của Bộ Tư Pháp, Bộ Công Thương và các Bộ liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần ban hành 1 văn bản mới thì phải hủy 2 văn bản cũ. Tiếp thu ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Tài chính về nhãn gốc, nhãn phụ theo tinh thần không làm phức tạp để làm khó cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, vừa bảo đảm cho người tiêu dùng và tạo điều kiện cho DN phát triển.

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đề nghị các Bộ tăng cường phối hợp, có cơ chế trao đổi thông tin, liên thông dữ liệu từ khâu nhập khẩu tới lưu thông trên thị trường nhằm tăng cường cơ chế hậu kiểm bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho DN nhập khẩu, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó cần rà soát kỹ các quy định thủ tục chưa hợp lý, kiên quyết cắt giảm điều kiện, giấy phép con, kiểm tra chuyên ngành không cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

.

Bộ trưởng cũng cho biết VPCP sẽ tổng hợp ý kiến các Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau buổi làm việc.

.

Gia Huy

Top