Hà Nội

Nhận diện rõ những cơ hội, thách thức khi hội nhập quốc tế sâu rộng

(Chinhphu.vn) - Cần tăng cường hiểu biết của cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); từng người dân phải nhận thức rõ về tầm quan trọng chiến lược của hợp tác ASEAN; cùng nỗ lực hành động để tổ chức năm Chủ tịch ASEAN đạt kết quả toàn diện…

18/11/2019 17:02

 

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Hoàng Anh

Trong 2 ngày (18-19/11), tại Ninh Bình, Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo chuyên đề về Hội nhập quốc tế.

.

Tham dự Hội thảo có hơn 30 đại biểu là lãnh đạo, công chức làm công tác tham mưu, tổng hợp của các vụ, cục, đơn vị thuộc 4 Văn phòng Trung ương.

.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục cho biết, bối cảnh kinh tế thế giới đã và đang có những diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường như: Xu hướng toàn cầu hóa và liên kết, hội nhập tiếp tục bị thách thức nghiêm trọng hơn bởi chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan - dân túy; xung đột thương mại - địa chính trị trong đó có thương chiến Mỹ - Trung leo thang…

.

Trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất thường của diễn biến kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, cần có những quan tâm chỉ đạo từ Trung ương đến các cơ quan, địa phương liên quan, để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, nhất là với các đối tác lớn vừa chủ động vừa hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững.

.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục mong muốn thông qua Hội thảo với những bài trình bày quan trọng của đại diện lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao là những người có nhiều kinh nghiệm tham gia các đoàn đàm phán trong lĩnh vực hội nhập quốc tế sẽ giúp các cán bộ 4 Văn phòng Trung ương nhận diện rõ hơn tình hình, từ đó nâng cao công tác tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

 

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: Hoàng Anh

Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương

.

Trao đổi tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục đã điểm lại những thành quả của công tác hội nhập quốc tế. Một trong những kết quả của sự chỉ đạo tích cực của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế là trong năm 2019 Việt Nam đã ký với EU Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA. EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và có quy mô lớn nhất mà Việt Nam từng đàm phán ký kết. Nếu tận dụng tốt được những cơ hội từ EVFTA, Việt Nam có thể gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu vào thị trường lớn này.

.

Song EVFTA cũng mang lại nhiều thách thức, rủi ro cao, dễ dẫn đến phát sinh tranh chấp thương mại… mà Việt Nam cần chuẩn bị và giải quyết, bao gồm 3 vấn đề: Thứ nhất, khó khăn trong việc đảm bảo quy tắc xuất xứ của EVFTA. Thứ hai, khó khăn trong việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường từ EVFTA. Thứ ba, các quy định kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Bên cạnh những quy định về xuất xứ, lao động và môi trường, việc thâm nhập vào thị trường EU vẫn còn khó khăn từ các hàng rào phi thuế quan về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường EU.

.

Đối với Hiệp định CPTPP, theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục, sau 1 năm thực hiện, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được những ưu đãi từ CPTPP vẫn còn thấp; nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm hoặc chưa biết về CPTPP; doanh nghiệp chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ; tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nên chưa lường những yếu tố bất ổn do tăng trưởng bất thường của xuất khẩu, trong khi chưa quan tâm đến thúc đẩy xuất khẩu qua kênh CPTPP (các nước hai bờ vùng Thái Bình Dương).

.

“Rõ ràng, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương (tăng cường hiểu biết của cán bộ các bộ, ngành, địa phương về các cam kết CPTPP); tăng cường công tác tuyên truyền về CPTPP; tập trung xử lý các vướng mắc cản trở doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ của CPTPP”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục nhấn mạnh.

 

 TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng, Giám đốc Chương trình GIZ phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Hoàng Anh

Rà soát và tiến hành sửa đổi nhiều văn bản pháp luật

.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng, Giám đốc Chương trình GIZ đánh giá, trong nhiều năm qua, hội nhập dựa trên các quy định quốc tế được xem là con đường tốt nhất để tăng lên sự thịnh vượng trên thế giới. Sự phát triển của Việt Nam, sự nâng cao từng bước mức sống của người dân song song với một trong những quá trình hội nhập quốc tế đầy khát vọng nhất của Việt Nam là một minh chứng rõ ràng nhất về việc hội nhập quốc tế có thể mang đến thịnh vượng như thế nào.

.

Theo TS. Michael Krakowski, Chính phủ Việt Nam đã không những giảm tốc trên con đường hội nhập mà còn lựa chọn một chính sách hướng tới mở cửa, hội nhập và thương mại quốc tế. Việt Nam đã lựa chọn 2 tiến trình hội nhập quốc tế quan trọng hầu như cùng một khoảng thời gian đó là Hiệp định EUVFTA và CPTPP.

.

Những hiệp định này không chỉ tác động đến các quan hệ thương mại trực tiếp mà còn tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp của các quốc gia thành viên cũng như tác động đến các quy định pháp luật trên các lĩnh vực quan trọng như cạnh tranh, quan hệ lao động, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường. Do rất nhiều các quy định pháp luật bị tác động bởi các hiệp định này dẫn đến những thay đổi và điều chỉnh cần thiết trong hệ thống các văn bản pháp luật quốc gia.

.

Trong những năm qua, Việt Nam đã hiện đại hoá nhiều quy định để tương thích với sự phát triển của nền kinh tế, mong ước của người dân và sự thay đổi mô hình tăng trưởng. Trong thời gian tới, GIZ sẽ tiếp tục hỗ trợ VPCP và Chính phủ Việt Nam trong quá trình hiện đại hoá các quy định pháp luật bao gồm cả việc sửa đổi những văn bản pháp luật cần thiết để Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế sâu hơn thông qua những hiệp định thương mại thế hệ mới.

 

Đồng chí Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao trao đổi về quá trình chuẩn bị của Việt Nam để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 - Ảnh: Hoàng Anh

5 ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020

.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về chuyên đề tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong cam kết của ASEAN, quá trình chuẩn bị của Việt Nam để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

.

Sau 5 năm triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, Cộng đồng ASEAN tiếp tục gắn kết chặt chẽ, khẳng định vai trò trung tâm trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á, dự báo ASEAN có thể vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 với một cộng đồng chung 630 triệu người.

.

Uỷ ban Quốc gia ASEAN 2020 của Việt Nam được thành lập nhằm chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020. Đầu tháng 11 vừa qua, Việt Nam đã chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN với chủ đề của năm ASEAN 2020: “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

.

Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục, năm 2020, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà tổ chức các hội nghị cấp cao ASEAN, dự kiến bắt đầu từ tháng 4/2020 cho tới cuối năm. Việc tổ chức thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa quan trọng, là thời điểm để ASEAN đánh giá giữa kỳ, có quyết định những bước đi tiếp theo trên chặng đường về đích để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.

.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, điều quan trọng hàng đầu là các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, từng người dân phải cùng nhận thức rõ về tầm quan trọng chiến lược của hợp tác ASEAN; cùng nỗ lực hành động để tổ chức năm Chủ tịch ASEAN đạt kết quả toàn diện với 3 thành công lớn: thành công về nội dung; thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân và thành công về quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN phát triển và thịnh vượng.

.

Đại diện Bộ Ngoại Giao, đồng chí Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN cũng chỉ ra 5 ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, đó là: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; Nâng cao năng lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được đồng chí Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, trao đổi về việc tận dụng cơ hội và giảm thiểu bất lợi khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực và quá trình điều chỉnh pháp luật Việt Nam phù hợp với các cam kết của FTA thế hệ mới; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viên Ngoại giao) Trần Việt Thái trao đổi về việc xung đột thương mại Mỹ - Trung, những ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu và phát triển kinh tế của Việt Nam.

.

Hoàng Anh

Top