Hà Nội

Nguyên Bộ trưởng Y tế: Ngành Y tế đã nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ VPCP

(Chinhphu.vn) - Nhớ về quãng thời gian đương chức, bà Trần Thị Trung Chiến, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và khóa IX - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế (nhiệm kỳ 2002-2012) chia sẻ, đây là quãng thời gian nhiều kỷ niệm đem lại cho bà nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích từ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các cán bộ VPCP.

08/06/2015 08:36

 

 Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến. Ảnh: Lan Anh

Trong suốt quá trình đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Trần Thị Trung Chiến nhận xét, trong việc thực thi nhiệm vụ của ngành, ngành y tế đã nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ phía VPCP, các chuyên viên, cán bộ VPCP đã phối hợp, hỗ trợ rất nhiệt tình với tinh thần trách nhiệm cao.

.

Đánh giá cao sự chuyên nghiệp của chuyên viên VPCP

.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, VPCP là cơ quan đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối, gắn kết các bộ ngành, lĩnh vực để giúp lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

.

Bà Trần Thị Trung Chiến nhận xét, cán bộ chuyên viên VPCP rất chuyên nghiệp, từ khả năng tổng hợp, đánh giá, tham mưu, đặc biệt luôn làm việc với sự tâm huyết và lòng nhiệt thành cao. Quan hệ giữa Bộ Y tế dưới thời bà làm Bộ trưởng với VPCP trực tiếp là Vụ Khoa giáo – Văn xã rất gắn bó mật thiết và hiệu quả.

.

Công việc đầu tiên bà Trần Thị Trung Chiến nghĩ tới khi là Bộ trưởng Bộ Y tế là giải quyết chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo. Ngành y tế đã phối hợp với các Vụ, liên quan thuộc VPCP và các cơ quan liên ngành để xây dựng nghị định.

.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, để cho ra đời một chính sách không phải là điều đơn giản. “Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và sự tâm huyết, các cán bộ, chuyên viên Vụ Khoa giáo – Văn xã đã nỗ lực phối hợp, hỗ trợ, giúp chúng tôi xin chủ trương, xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo. Chỉ sau 3 tháng trình lên Thủ tướng Chính phủ, dự thảo chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo đã được ra đời”.

.

Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo ban hành đã được nhân dân rất ủng hộ, tán thành và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về sự quan tâm cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo. “Đây có công lao rất lớn của các cán bộ, chuyên viên VPCP trong công tác phối hợp để có thể sớm cho ra đời chính sách này”, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

.

Một kỷ niệm để lại nhiều cảm xúc với nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế là khi ngành y tế phải nỗ lực phối hợp với các chuyên gia, cán bộ VPCP và các cơ quan liên ngành đối phó với dịch SARS. Đây là loại virus có độc tính rất cao, lan rộng rất nhanh. SARS đã được ghi nhận ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 8.422 người mắc, trong đó có 916 người chết (tỷ lệ tử vong là 10,87%), gây thiệt hại nghiêm trọng tới du lịch, kinh tế, chính trị và xã hội của nhiều nước. Kinh tế thế giới ước tính bị thiệt hại tới 150 tỷ USD, trong đó riêng các nước Ðông Á và Ðông Nam Á thiệt hại tới 28,4 tỷ USD. Tại Việt Nam, đã phát hiện 63 người mắc bệnh SARS, trong đó 5 người chết vì loại virus nguy hiểm này.

.

Ngày 23/2/2003, khi thương nhân người Mỹ gốc Hoa từ Hồng Kông đến Việt Nam và nhập bệnh viện Việt- Pháp đã trở thành bệnh nhân SARS đầu tiên tại Việt Nam. Ngay sau đó, với tư cách là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Đặc nhiệm phòng chống dịch khẩn cấp. Sau đó được kiện toàn thành Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch SARS do Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo bao gồm đại diện lãnh đạo của các cơ quan liên ngành và một số chuyên gia, cán bộ thuộc VPCP.

.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Tôi đã rất cảm kích, bởi khi đó Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã rất sát sao, không quản ngại ngày đêm, khẩn trương và chỉ đạo kịp thời để đối phó với dịch SARS. Mỗi khi có những cuộc họp khẩn cấp thì các Vụ, Cục liên quan của VPCP tích cực tham gia, nhưng đặc biệt làm việc sát nhất là các chuyên viên của các Vụ: Khoa giáo – Văn xã, Tổng hợp, Kinh tế ngành và Hợp tác Quốc tế. Họ đã ngày đêm túc trực, phối hợp để ra những quyết sách, kịp thời khống chế loại dịch đang lây lan mạnh mẽ và gây tử vong cao”.

.

Khi đó hệ thống y tế của Việt Nam có phần yếu kém so với các nước phát triển trên thế giới về trang thiết bị, nguồn lực nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo rất sát sao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và sự hợp tác liên ngành của các bộ, chỉ sau 45 ngày Việt Nam đã khống chế thành công dịch SARS, không xuất hiện bệnh nhân mắc SARS mới. Đến ngày 28/4/2003, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới khống chế được hoàn toàn dịch SARS.

.

Sau khi khống chế thành công dịch SARS, hội nghị khẩn cấp về phòng, chống dịch bệnh của khu vực châu Á ở BangKok (Thái Lan) với sự tham dự của các Tổng thống, Thủ tướng của các nước thuộc khu vực châu Á. Thủ tướng Phan Văn Khải đã dẫn đoàn công tác sang tham dự. Tại hội nghị này, báo cáo của Việt Nam đã được đánh giá cao nhất về những kinh nghiệm khống chế đại dịch, được các lãnh đạo, nhà khoa học quốc tế hoan nghênh, ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc khống chế dịch SARS - căn bệnh làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của toàn cầu lúc bấy giờ.

.

Sau đó, tại Đại hội đồng Y tế Thế giới được tổ chức ở Thụy Sỹ, Việt Nam cũng là nước điển hình báo cáo về kết quả khống chế thành công dịch SARS. “Một vinh dự rất đáng tự hào, đó là việc Ban tổ chức đã phá bỏ tiền lệ phiên dịch 5 thứ tiếng. Họ đưa thêm đường dây phiên dịch tiếng Việt do chính một đồng chí là thành viên của Tiểu ban Tuyên truyền thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch SARS Việt Nam làm phiên dịch để có thể chia sẻ chi tiết, cụ thể và rõ ràng nhất về quá trình đối phó và kết quả đạt được. Việc khống chế thành công dịch SARS đã để lại dấu ấn lớn đối với ngành y tế trên thế giới”, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nhớ lại.

.

Cần hết sức tránh quan liêu

.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác tham mưu với tư cách là thành viên của Chính phủ, bà Trần Thị Trung Chiến cho biết, khi tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần phải xem xét ngành đang phụ trách có “bức xúc” gì nhất, cần phải biết lắng nghe, chắt lọc những ý kiến giá trị, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khoa học, để có thể trình, đề xuất lên Chính phủ những giải pháp, phương án có tính khả thi cao, sát với thực tế. Đặc biệt, bản thân không nên nóng vội, chủ quan, tránh quan liêu để có thể tạo sự đồng thuận nhằm đưa ra những sáng kiến ở tầm vĩ mô.

.

“Nếu chúng ta đòi hỏi quá mà không có tính khả thi thì không được, hoặc khiêm nhường quá thì khi ra một hành lang pháp lý, thông tư, chính sách, nghị định… sẽ không đạt được yêu cầu. Cho nên cần phải bỏ công sức, trách nhiệm và thật sát sao với công việc, thì khi ban hành ra hành lang pháp lý, nó sẽ có tính khả thi cao, thiết thực và dễ đi vào cuộc sống hơn”, bà Chiến chia sẻ.

.

Bên cạnh đó, cần phải sát với dân, tiếp cận trao đổi thẳng thắn với người dân. Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, mỗi giai đoạn, thời gian có những cách tiếp cận khác nhau. Hiện nay, trong thời kỳ hội nhập, công nghệ thông tin phát triển mạnh, Chính phủ có rất nhiều cải tiến, vận hành khoa học, linh hoạt, tiện lợi để có thể đáp ứng được nguyện vọng yêu cầu của nhân dân, nhằm xây dựng phát triển đất nước.

.

“Điển hình, chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện là một sáng kiến để lắng nghe ý kiến của người dân, dân họ muốn gì, điều hành của Chính phủ đã phù hợp chưa, những văn bản pháp quy có thích hợp không. Đây là cách để phản ảnh, lấy thông tin ngược lại của người dân, giúp giải quyết nhanh chóng, thỏa mãn yêu cầu nguyện vọng của người dân hiện nay. Như vậy, Chính phủ đã thể hiện không quan liêu mà rất gần gũi với nhân dân”, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến chia sẻ nhận xét của bà với phóng viên Báo điện tử Chính phủ./.

.

Lan Anh

.

Top