Hà Nội

Người yêu đất mẹ

(Chinhphu.vn) – Đã nghỉ hưu gần 5 năm, nhưng khi chúng tôi hỏi ông về quá trình xây dựng chính sách “Chi trả dịch vụ môi trường rừng” đã triển khai trong thực tiễn và đem lại lợi ích hàng nghìn tỷ đồng, mắt ông lại sáng lên.

02/04/2015 10:16

Ông Phú và đoàn công tác đi thực tế kiểm tra chuyển mục đích sử dụng rừng trồng 100 ngàn ha cao su tại Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Tuấn Phú, nguyên Vụ trưởng thuộc Vụ Kinh tế ngành đã nghỉ hưu theo quy định từ năm 2010, nhưng hiện ông vẫn tiếp tục tham gia làm cố vấn cho Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD ở Việt Nam do Ngân hàng thế giới tài trợ cho Việt Nam. Công việc hiện tại của ông vẫn gắn kết chặt chẽ với công việc trước đây khi ông đang công tác tại VPCP.

.

Vì một chính sách chưa có tiền lệ

.

Thời còn công tác trong VPCP, ông Phú là một trong những người người tiên phong nghiên cứu, tiếp cận và xây dựng chính sách “Chi trả dịch vụ môi trường rừng” tại Việt Nam. Chính sách này được đề xuất dựa trên nguyên lý những người được hưởng thụ lợi ích từ môi trường rừng sẽ phải có trách nhiệm chi trả tiền cho người lao động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, tạo ra các giá trị sử dụng từ môi trường rừng cung ứng dịch vụ cho xã hội.

.

Cụ thể, Thủ tướng đã quyết định mức chi trả 20đ/KWh điện thương phẩm đối với thủy điện, 40đ/m3 nước thương phẩm đối với nước sạch và từ 0.5% đến 2% doanh thu du lịch trên địa bàn khu tự nhiên đó.

.

Các hộ nông dân được giao khoán bảo vệ rừng đầu nguồn ổn định lâu dài là những người đóng vai trò cung ứng dịch vụ. Còn, các công ty thủy điện, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, các sản phẩm du lịch, những người được hưởng lợi từ các dịch vụ môi trường rừng sẽ là người chi trả tiền dịch vụ.

.

Chính sách này bắt đầu có hiệu lực từ năm 2011, đến nay mỗi năm đã thu được từ 1.000 đến 1.300 tỷ đồng cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Quỹ đã chi trả cho những người dân tham gia nuôi trồng và bảo vệ rừng một cách hữu ích, góp phần ngăn chặn nạn chặt phá rừng tự nhiên.

.

Nội dung chính sách tốt đẹp là vậy, nhưng thực sự để cho ra đời chính sách, ông Phú và các đồng nghiệp đã phải đầu tư nhiều công sức và thời gian để bảo vệ quan điểm của mình. Bởi, chưa từng có trong tiền lệ việc thu phí đối với những dịch vụ hưởng thụ kiểu toàn dân như thế này. Đặc biệt, những người càng hưởng thụ dịch vụ này cao lại là những người có điều kiện. Trong khi việc chi trả lại cho những người nông dân đầy khó khăn ở vùng sâu, vùng xa...

.

Nhưng quan điểm tham mưu xây dựng chính sách của ông là vậy. Ông nhớ lại vào năm 2007 khi đọc báo hay tin về việc khởi công xây dựng nhà máy sản xuất giấy và bột giấy công suất 1 triệu tấn bột và giấy/năm tại một tỉnh ở ĐBSCL, 100% vốn nước ngoài, ông đã rất sốt ruột và cho rằng đây là một mối họa khôn lường đối với môi trường sinh thái của đồng bằng sông cửu long, là kho tài nguyên lương thực, thực phẩm hàng đầu nuôi sống đất nước.

.

Ông Phú lập tức tiến hành nghiên cứu và đưa ra tờ trình nêu rõ các yếu tố kỹ thuật cần thiết, nếu không đáp ứng thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng ngay dự án này.

.

Nghiên cứu của ông chỉ rõ, với công suất của nhà máy này thì đòi hỏi vùng nguyên liệu phải gần bằng tổng diện tích đất lâm nghiệp của vùng ĐBSCL, điều này không khả thi nên việc nhập nguyên liệu là chắc chắn.

.

Hơn nữa, theo công suất thiết kế giai đoạn 1 của nhà máy là 1 triệu tấn bột và giấy/năm thì sẽ thải ra 34,2 triệu m3 nước hòa với 28,500 tấn xút trực tiếp đổ ra vùng Tây Sông Hậu – Vùng trũng nhất của ĐBSCL thì việc ô nhiễm môi trường toàn vựa lương thực (lúa, tôm, cá, rau , củ...) này cũng là việc nhãn tiền.

.

Dự án này đã không thực hiện được. Vùng đất vàng ĐBSCL thoát cơn bức tử trong gang tấc.

.

Ông Phú bên 1 gốc cây gỗ Cẩm lai quý hiếm của rừng tự nhiên vừa bị đốn chặt trong đợt kiểm tra tình trạng chặt phá rừng trái phép.

.

Lương tâm và trách nhiệm

.

Khi được hỏi những điều ông tâm niệm khi làm tham mưu, ông Nguyễn Tuấn Phú trả lời: Tôi nghĩ là cần hiểu sâu vấn đề và phải có lương tâm trách nhiệm.

.

Hiểu sâu vấn đề tựa như việc ta phải có cái nhìn đại cục, bao quát, sâu rộng lĩnh vực cần phải tham mưu. Tiếp đó là lương tâm, trách nhiệm của người làm tham mưu. Nếu không hiểu rõ vấn đề thì cũng khó có thể tham mưu đúng, tham mưu trúng được. Nhưng cũng giống như câu chuyện về việc quyết liệt cho dừng dự án nhà máy giấy tại ĐBSCL, dù có hiểu sâu vấn đề nhưng thiếu quyết tâm và lương tâm với tổ chức, với nhân dân thì việc “tặc lưỡi đưa chân” cũng có thể dẫn đến những kết cục mà cả cộng đồng phải gánh chịu. Dù, trong trường hợp đó chẳng ai quy kết cho người không trình ý kiến, không tham mưu cả.

.

Trong quãng thời gian 15 năm công tác tại VPCP, ông Phú 3 lần được trao tặng Huân chương Lao động (2 Huân chương Lao động hạng Nhì và 1 Huân chương Lao động hạng 3);  nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cua lãnh đạo VPCP và của các Bộ ngành trong khối nông nghiệp. Trong đó, ông đặc biệt xúc động nhớ lại tấm Huân chương Lao động hạng Nhì ông được khen thưởng đột xuất về thành tích tham mưu lên Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo xây dựng ban hành chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

.

Vào những ngày nắng đổ lửa tháng 5/2008, ông nhận nhiệm vụ cùng đoàn công tác của VPCP đi khảo sát thực trạng thực hiện chủ trương trồng mới 100 nghìn ha cao su đến năm 2010 trên địa bàn Tây Nguyên. Lúc này, cây cao su có giá trị kinh tế cao vượt bậc, thậm chí tính toán trên thời giá thị trường cao su có giá hơn cả gỗ của rừng tự nhiên.

.

Trước sự quyết tâm của nhiều bộ, ngành và địa phương, cây cao su trở thành cây xóa đói giảm nghèo, kỳ vọng sẽ đem lại sự đổi thay cho cao nguyên núi rừng này. Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho trồng cao su ở những nơi đất hoang, nghèo kiệt nhưng thực tế việc triển khai khi đoàn công tác của ông Phú băng rừng lội suối tìm đến những nơi được báo cáo là “đất rừng nghèo kiệt” thì việc triển khai đã khác xa với chủ trương chỉ đạo.

.

Tại Gia Lai và Đắk Lắk, đoàn công tác đã chứng kiến một thực tế là “đất trống” nhưng trong thực tế quy hoach cho trồng cao su lại toàn là đất rừng trung bình hoặc đất rừng tự nhiên có độ che phủ khép tàn dày; còn đất nghèo kiệt thì đất mỏng, toàn sỏi đá không trồng cao su được. Tệ hơn, loại đất có ghi là “đất mới xâm hại và khai thác bất hợp pháp” lại do những người từ thành phố hoặc từ các địa phương khác đến, bí mật đầu tư cho dân tại chỗ phá rừng trồng sắn, và các cây công nghiệp. Vào thời điểm đó, các địa phương chưa điều tra làm rõ để quản lý được toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp loại này.

.

Trước thực tế, dân đua nhau phá rừng giành đất trồng cao su, nhiều tỉnh chưa quan tâm đến giá trị về môi trường cũng như gắn chương trình với việc phát triển sinh kế tại chỗ cho người dân... đã khiến ông Phú quyết tâm lên tiếng về thực trạng này với lãnh đạo Chính phủ.

.

Cũng giống như ĐBSCL, Tây Nguyên đã giữ được đại ngàn. Những đóng góp của ông Phú các đồng nghiệp đã được Nhà nước ghi nhận bằng tấm Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2010.

.

Gặp ông lại ông sau 5 năm đã nghỉ hưu, thấy ông còn tất bật hơn với những chuyến công tác. Một số tổ chức, đơn vị đã mời ông làm chuyên gia tư vấn về chính sách. Họ biết được rằng ngoài việc nắm chắc lĩnh vực chuyên ngành, ông còn là một người làm việc tận tâm và có trách nhiệm.

.

Đỗ Hương

Top