Hà Nội

Nghiên cứu thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông trên Cổng DVC quốc gia

(Chinhphu.vn) - Với gần 4 triệu trường hợp vi phạm lập biên bản lĩnh vực đường bộ trong 1 năm, khi áp dụng hình thức trực tuyến tương ứng sẽ tiết kiệm ít nhất khoảng hơn 1.300 tỷ đồng/năm.

01/10/2019 14:57

Đôn đốc tiến độ xây dựng Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Triển khai những dịch vụ người dân cần nhất

 

 Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: Hoàng Anh

Sáng 1/10, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đến việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi giấy phép lái xe và thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ  công quốc gia.

.

Tiết kiệm ít nhất 1.300 tỷ đồng/năm

.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), thực hiện Đề án Cổng Dịch vụ  công quốc gia (Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ), VPCP đã phối hợp với một số bộ, ngành để nghiên cứu, tổ chức triển khai cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ  công quốc gia, trong đó có dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe và thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.

.

Ông Ngô Hải Phan cho biết, hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ hầu hết được thực hiện theo hình thức trực tiếp ở tất cả các công đoạn. Thậm chí, nếu bị xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt thì phải trải qua 5 bước, người bị xử phạt phải đi lại, liên hệ trực tiếp với các cơ quan liên quan ít nhất 3 lần, với khoảng thời gian từ 10-72 ngày kể từ sau khi nhận biên bản vi phạm mới có thể hoàn tất trách nhiệm và nhận lại giấy tờ hoặc phương tiện, tài sản bị tạm giữ.

.

Như vậy, người bị xử phạt sẽ mất nhiều thời gian, công sức để liên hệ, thực hiện trách nhiệm nộp phạt của mình, nhất là những người có nơi thường trú, tạm trú không cùng địa điểm với nơi ra quyết định xử phạt. Hơn nữa, việc tiếp xúc trực tiếp nhiều lần sẽ rất dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Hoàng Anh 

Để tạo thuận lợi cho người thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch, VPCP đề nghị áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.

.

Một trong những phương án được đề xuất là người bị xử phạt lựa chọn hình thức thực hiện nộp phạt sau khi có quyết định xử phạt (trong trường hợp này, người bị xử phạt sẽ bị tạm giữ giấy tờ hoặc phương tiện, tài sản).

.

Theo đó, căn cứ trên một số nội dung thông tin của biên bản (số biên bản, cơ quan xử phạt, nơi xử phạt), hệ thống cho phép người bị xử phạt tra cứu để được cung cấp thông tin về tên quyết định xử phạt, số tiền xử phạt, tài khoản kho bạc phải nộp để người bị xử phạt nộp phạt trực tuyến ngay trên hệ thống. Việc nhận lại giấy tờ bị tạm giữ có thể cho phép người bị xử phạt lựa chọn hình thức gửi qua đường bưu điện hoặc nhận trực tiếp hoặc ủy quyền. Đối với nhận lại phương tiện, tài sản bị tạm giữ cho phép lựa chọn hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền.

.

Nếu tính ở mức tối thiểu nhất, người bị xử phạt để thực hiện các công đoạn từ nhận quyết định xử phạt, đi nộp phạt đến nhận giấy tờ, phương tiện mất khoảng 1,5 ngày thì với gần 4 triệu trường hợp vi phạm lập biên bản lĩnh vực đường bộ trong 1 năm (theo báo cáo thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP), khi áp dụng hình thức trực tuyến tương ứng sẽ tiết kiệm ít nhất khoảng hơn 1.300 tỷ đồng/năm (= 1,5 ngày x 220.000 đồng/ngày x 4 triệu trường hợp - tính theo GDP bình quân đầu người) cho xã hội.

.

Bảo đảm công khai, minh bạch

.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an, Bộ GTVT, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Ban Cơ yếu Chính phủ, VNPT… đã nêu nhiều ý kiến góp ý cho việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi giấy phép lái xe và thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ  công quốc gia.

.

Đồng tình với chủ trương thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ  công quốc gia, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin là điều tất yếu mà nhiều nước đã thực hiện để tạo sự công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội trong quản lý nhà nước.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Hoàng Anh

Đối với việc cấp mới giấy phép lái xe, Bộ GTVT đang nghiên cứu để tổ chức triển khai thực hiện đưa dịch vụ này trên Cổng Dịch vụ  công quốc gia. Đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe, hiện nay đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang nâng cấp, dự kiến đến quý II/2020, sẽ triển khai thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để tạo điều kiện tối đa cho người dân.

.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, không chỉ thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà kể cả đường sắt, đường thủy, hàng không cũng cần được ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng bày tỏ băn khoăn về nguồn kinh phí, hành lang pháp lý….

.

Đại diện Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho biết, đây cũng là mong đợi của lực lượng cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, hiện nay còn có một số vướng mắc trong quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu dùng chung…

.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là sớm khai trương Cổng Dịch vụ  công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất, tạo sự công khai, minh bạch.

.

“Thủ tướng giao nhiệm vụ là cuối năm 2019 khai trương Cổng Dịch vụ  công quốc gia. Chúng ta cần mạnh dạn làm, vừa làm vừa điều chỉnh, hoàn thiện”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết thêm: “Trong khi chúng ta chưa có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước mắt có thể sử dụng các mã số như mã số BHXH, mã số thuế, số điện thoại di động… để xác thực định danh công dân. Trên Cổng Dịch vụ  công quốc gia, chúng ta chọn những vấn đề gì mà người dân và doanh nghiệp cần nhất thì sẽ làm trước. Chúng ta không làm đồng loạt nhưng làm một số dịch vụ mang tính trọng tâm, trọng điểm, để rút kinh nghiệm”.

.

Để triển khai thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ  công quốc gia, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, trước hết cần hoàn thiện thể chế, cần sửa đổi, bổ sung, ban hành Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ nào thì Bộ đó thực hiện ngay.

.

VPCP sẽ cùng các Bộ, ngành rà soát cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính cũng như vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện sẽ báo cáo Chính phủ để đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ. Những vấn đề liên quan đến luật sẽ báo cáo Quốc hội.

.

Đối với dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe, cần nghiên cứu, tổ chức thực hiện chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa ngành y tế, công an với ngành giao thông vận tải.

.

“An toàn dữ liệu và thông tin cá nhân là cực kỳ quan trọng, dịch vụ công mà để hở lọt thông tin cá nhân là không được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

.

Hoàng Anh

Top