Hà Nội

Năm 2015: Đáp ứng được 100% số người yêu cầu trợ giúp pháp lý

(Cổng TTĐT Chính phủ) - Bảo đảm trợ giúp pháp lý (TGPL) là chính sách xã hội, không vì mục đích lợi nhuận thể hiện trách nhiệm và bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đưa TGPL hướng về cơ sở, đặc biệt là vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, từng bước xã hội hóa trợ giúp pháp lý, dự báo được nhu cầu TGPL ngày càng cao của nhân dân.

24/06/2008 16:55

Cần đảm bảo nhu cầu TGPL ở những vùng sâu, xa, nhất là vùng có điều kiện kinh tế khó khăn

Đó là quan điểm của Đề án "Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để thực hiện Đề án, giai đoạn từ 2008-2010, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm, chú trọng thành lập Chi nhánh ở vùng xa trung tâm, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và các địa bàn được coi là điểm nóng về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo đảm đáp ứng từ 95% đến 98% nhu cầu TGPL của người được TGPL.

Trong năm 2008, hoàn thành việc kiện toàn tổ chức, bộ máy Trung tâm. Đồng thời củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên TGPL để có thể thu hút những người là cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp, bảo vệ pháp luật, luật sư tham gia. Phấn đấu đến năm 2010, mỗi Trung tâm có từ 150 cộng tác viên trở lên với 70% số cộng tác viên có trình độ từ đại học trở lên. Giai đoạn này cũng cần nâng cao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc đảm bảo nguồn lực cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác TGPL ở địa phương.

Giai đoạn 2011-2015, nâng cao năng lực của Trung tâm để có đủ khả năng tổ chức, huy động các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL. Đáp ứng 100% nhu cầu TGPL của nhân dân. Bảo đảm đến năm 2015, thực hiện trong thực tế quyền được lựa chọn người thực hiện TGPL, chú trọng phát triển nguồn nhân lực là nữ và dân tộc thiểu số.

Để hoàn thiện các nhiệm vụ trên, sẽ có 5 hoạt động chủ yếu, xuyên suốt trong quá trình thực hiện Đề án. Đồng thời, cũng có các giải pháp cụ thể về: Dự toán tài chính cho hoạt động và dự toán nguồn tài chính bảo đảm thực hiện Quy hoạch; hoàn thiện về chính sách, pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ; tăng cường mối quan hệ phối hợp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và các giải pháp về kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm hoạt động.

Mai Hương

(Nguồn: Quyết định số 792/QĐ-TTg

Top