Hà Nội

Luật Thủ tục hành chính: Khâu đột phá về cải cách thủ tục hành chính

(Website Chính phủ) - Theo chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ, Dự án Luật Thủ tục hành chính (TTHC) dự kiến trình Chính phủ trong quý I năm nay. Mới đây Dự thảo Luật lần thứ 8 đã được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng. Dự án Luật TTHC nếu được thông qua sẽ là một khâu đột phá về TTHC. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Website Chính phủ về vấn đề này.

24/03/2008 09:45

Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết quan điểm xây dựng Dự án Luật TTHC?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc: Trong quá trình xây dựng Dự án Luật TTHC, Ban soạn thảo đã thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo về cải cách TTHC của Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành TW Đảng khóa X, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010. Cải cách hành chính (CCHC) mà trong đó cải cách TTHC được xác định là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN phải nhằm hướng tới xây dựng một nền hành chính trong sạch, minh bạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, trong đó công tác cải cách thể chế và TTHC rất cần được quan tâm.

Thực tế cho thấy, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác cải cách TTHC thông qua hoạt động rà soát để loại bỏ những quy định thủ tục bất cập, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ nhiều năm nay nhưng do nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, thiếu cách làm cụ thể, thiết thực, căn bản và toàn diện nên kết quả đạt được mới ở mức độ nhất định.

C ông tác cải cách TTHC mới đạt dược kết quả khiêm tốn như vậy có phải là do chưa có sự thống nhất trong cách làm cũng như nhận thức về ý nghĩa vai trò của cải cách TTHC?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc: Có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về cách làm và nhận thức. Do chưa có cách hiểu chung thống nhất cũng như chưa xác định rõ được các nguyên tắc của TTHC nên TTHC được các Bộ, ngành và địa phương quy định và thực hiện không thống nhất, đồng bộ, thậm chí có nơi còn tùy tiện, thiếu sự kiểm soát và gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Khi giải quyết công việc còn mang nhiều dấu ấn của cơ chế quản lý cũ, nặng về xin - cho. Trong nhiều trường hợp, TTHC còn gây phiền hà, phức tạp, chồng chéo, trùng lắp cho đối tượng thực hiện. Ngoài ra, chúng ta chưa có một cơ quan chuyên trách độc lập để kiểm soát TTHC. Các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực sự chú trọng tới công tác rà soát, thống kê, tập hợp. Trong phạm vi toàn quốc chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, mặc dù cách làm này thực tế đã có ở nhiều nước khác trên thế giới. Vì thế, khi xây dựng Dự án Luật này, Ban soạn thảo phải nghiên cứu các vấn đề nêu trên để Dự án Luật phải tạo ra được các nguyên tắc, cơ sở pháp lý có giá trị cao, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng quy định những chuẩn mực nhằm nâng cao chất lượng TTHC, bảo đảm việc công khai minh bạch và kiểm soát chặt chẽ TTHC.

Tính tới thời điểm này, chúng ta chưa thống kê được các TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Về vấn đề này, ý kiến của Bộ trưởng như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc: Đúng như vậy. Trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương cũng như toàn quốc hiện nay, chúng ta chưa có số liệu thống kê đầy đủ có bao nhiêu TTHC cụ thể liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, trong đó có việc thành lập Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ. Trong các nhiệm vụ được giao, Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về TTHC đăng tải công khai trên Internet.

Dự thảo Luật có một quy định đáng lưu ý là những cơ quan, tổ chức trực tiếp giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp thì không được quy định về TTHC. Bộ trưởng có ý kiến gì về quy định này ?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc: Để tránh tình trạng cơ quan vừa trực tiếp giải quyết TTHC vừa ban hành các quy định về TTHC theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi và để bảo đảm tính khách quan khi thực hiện các TTHC thì quy định này rất cần thiết và phù hợp với các quy định khác trong Dự thảo Luật liên quan đến thẩm quyền quyết định TTHC và hình thức của TTHC. Quy định này bảo đảm tính khách quan, minh bạch của TTHC và sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Khi đưa ra lấy ý kiến, nhiều nội dung của Dự thảo Luật đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân và doanh nghiệp, trong đó có việc đề xuất thành lập một tổ chức độc lập chuyên trách về công tác TTHC trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Thưa Bộ trưởng, đây có phải là đổi mới căn bản cách làm để công cuộc cải cách TTHC thực sự có hiệu quả?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc: Việc thành lập một tổ chức độc lập chuyên trách về công tác cải cách TTHC là rất cần thiết ở thời điểm hiện nay. Tổ chức này có chức năng điều phối, kiểm soát việc quy định, đăng ký, thực hiện và rà soát, đánh giá TTHC. Tinh thần này cũng đã được cụ thể hóa trong Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010. Theo đó, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ được thành lập để thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể như rà soát, thống kê TTHC; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bãi bỏ các TTHC; hướng dẫn việc thực hiện TTHC theo quy định...

Qua thực tiễn cải cách TTHC ở trong nước những năm qua và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy việc thành lập Cơ quan kiểm soát TTHC độc lập sẽ góp phần bảo đảm sự thành công và bền vững của cải cách TTHC. Mô hình này thực tế đã được thực hiện ở nhiều quốc gia mà đã thực hiện thành công công cuộc cải cách thể chế và TTHC như Hàn Quốc, Croatia, Ai cập, Mê xi cô…

Trong quá trình soạn thảo cũng có ý kiến cho rằng nên đặt cơ quan kiểm soát TTHC dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư pháp hoặc Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, nếu đặt cơ quan này trong cơ cấu tổ chức của một bộ thì sẽ không bảo đảm tính khách quan cũng như hiệu lực, hiệu quả hoạt động, ảnh hưởng tới sự thành công và tính bền vững của cải cách TTHC. Vì vậy, ý tưởng có một tổ chức độc lập trực thuộc Thủ tướng Chính phủ vẫn là một sáng kiến hay, nhưng vẫn cần có trao đổi, nghiên cứu để làm sáng tỏ thêm.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

Giang Oanh (thực hiện)

Top