Hà Nội

Lời nhắn nhủ của nguyên Phó Thủ tướng

(Chinhphu.vn) - Cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ phải luôn rèn luyện nắm bắt tình hình thực tiễn để tham mưu đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề mới nảy sinh.

19/05/2015 11:28

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu. Ảnh: Lan Anh

Đó là lời nhắn nhủ của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu đối với lớp cán bộ, công chức trẻ tại Văn phòng Chính phủ.

.

Từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) phụ trách mảng Nông - Lâm - Ngư nghiệp từ tháng 2/1987 đến tháng 5/1988, ông Nguyễn Ngọc Trìu đã đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt ông chính là một trong những người đi đầu trong việc thúc đẩy khoán sản phẩm trong nông nghiệp.

.

Đề cao tinh thần trách nhiệm trong công việc

.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về những kinh nghiệm đáng quý khi giữ cương vị Phó Thủ tướng phụ trách mảng Nông - Lâm - Ngư nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trìu cho biết, trước đây, tuy điều kiện làm việc không được tốt như bây giờ, nhưng mọi công việc đều “đâu vào đấy”, các văn bản được xử lý, tuân thủ theo quy trình và quản lý rất chặt chẽ nên đã không bỏ sót bất kỳ công việc nào. Các cán bộ, chuyên viên Văn phòng Chính phủ luôn làm việc theo quy trình nên không xảy ra tình trạng “chồng chéo”, đặc biệt chú trọng phát huy tính tập trung, chủ động, khai thác thế mạnh và đề cao ý thức trách nhiệm trong công việc. Nguyên Phó Thủ tướng cho rằng đây chính là điểm tích cực các cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ cần tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu, công tác tham mưu, giúp việc của Văn phòng Chính phủ rất quan trọng trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian giữ cương vị Phó Thủ tướng, ông đã được các cán bộ, chuyên viên Văn phòng Chính phủ hỗ trợ, góp phần mang lại kết quả tích cực trong công việc, đặc biệt là công tác tham mưu của các cán bộ, chuyên viên Vụ Nông – Lâm – Ngư nghiệp thời kỳ đó và công tác hậu cần của các cán bộ Vụ Hành chính khi đó trong những chuyến đi công tác, thực tế.

.

Khi làm Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Ngọc Trìu thường xuyên đi thực tế xuống các làng, xã để nắm bắt tình hình. Đối với ông, khi làm việc cần phải đề cao tinh thần trách nhiệm, không được xa rời thực tế, phải sống gần dân, “bình thường hóa” các mối quan hệ để có thể tìm hướng đi mới cùng với người nông dân, đặc biệt là phải luôn đặt lợi ích của người lao động, người dân lên hàng đầu.

.

Thời điểm giữ cương vị Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Ngọc Trìu phải giải quyết những bất cập về việc quản lý, phân chia đất lâm nghiệp, nông trường, quốc phòng và dân sinh. Trước khi giữ cương vị này, ông đã thấy việc giao lại đất cho dân là rất cần thiết.

.

Để người dân có thể đạt hiệu quả cao trong sản xuất, ông đề cao việc khoán sản phẩm, giao khoán ruộng đất cho nông dân, hợp tác xã chỉ lo một số khâu, sau đó người nông dân làm xong thì đóng thuế cho nhà nước, như vậy thì nhà nước và người nông dân đều có lợi, người nông dân được cải thiện đời sống, bảo đảm chất lượng cuộc sống.

.

Sau này khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục lặn lội đi tìm những điều mới lạ trong khoa học và cả trong chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

.

“Tránh xa rời thực tế”

.

Đến tháng 9/1992, để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc kiểm tra, giải quyết căn cơ các quan hệ về đất đai do các cơ quan Nhà nước quản lý, Thủ tướng Chính phủ đã cử ông Nguyễn Ngọc Trìu làm Đặc phái viên phụ trách miền Tây và Tây Nam bộ.

.

Chia sẻ về thời gian làm Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, ông Trìu cho biết, là người gắn bó lâu năm với ruộng vườn, nên ông tâm niệm cần phải “tránh việc xa rời thực tế” để tận mắt chứng kiến, lắng nghe chia sẻ, tâm tư nguyện vọng của người dân thì mới có thể biết người dân cần gì và muốn gì. Do đó, ông thường xuyên đi thực tế tại các tỉnh, thành ông được phân công phụ trách. Cùng với các cán bộ Văn phòng Chính phủ, ông không quản ngại khó khăn, leo đèo, lội suối đến với các bà con dân tộc, vùng sâu vùng xa.

.

Luôn tận tâm, nhiệt huyết với những trọng trách do Đảng và Nhà nước giao phó, nhắc đến ông Nguyễn Ngọc Trìu là nhắc đến thành tích quê hương 5 tấn Thái Bình, khoán hộ nông nghiệp, mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng (VAC), du lịch sinh thái… Nhắc đến quê hương 5 tấn Thái Bình, khởi nguồn của phong trào “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”, ông Nguyễn Ngọc Trìu nhớ lại: “Để tăng năng suất lúa, Thái Bình tiến hành cải tạo đồng ruộng, làm thủy lợi, phân bón và thay đổi giống lúa. Vụ lúa xuân khởi đầu từ Thái Bình trở thành vụ lúa xuân chính vụ và nhân rộng toàn miền Bắc. Để cải tạo đất nhiễm mặn chua phèn, chúng tôi phải vào Ninh Bình, ra Hải Phòng xin tổ chức công trường khai thác đá chở về nung vôi. Lúc bấy giờ, phân hóa học rất ít, nhằm tiết kiệm phân hóa học, Thái Bình đã dùng đất ruộng phơi ải, đập nhuyễn ra, trộn với phân đạm, phân lân, ka-li thành một chất dẻo, rồi viên thành từng viên đút vào gốc khóm lúa”.

.

Nhờ có các giải pháp tổng hợp trên mà năng suất lúa của Thái Bình đã tăng dần từ 2,5 tấn/ha tăng lên 3 tấn, 4 tấn rồi 5 tấn/ha. Giữa hai cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt nhất, Thái Bình đã đạt năng suất bình quân 6 tấn rồi 7 tấn/ha vào các năm 1972, 1974. Chỉ tính từ 1965 đến 1974, Thái Bình đã huy động cho Nhà nước hơn một triệu tấn lương thực, hàng chục vạn tấn thịt lợn, cá, muối… góp phần cùng với cả miền Bắc chi viện, tiếp sức cho tiền tuyến lớn miền Nam.

.

Cả đời đau đáu vì nông nghiệp nước nhà, và có nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.

.

Lan Anh (thực hiện)

Top