Hà Nội

Lạm phát trong tầm kiểm soát

(Chinhphu.vn) - Chiều 3/3, chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2010, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không nên quá lo lắng về vấn đề tăng giá của hai tháng đầu năm, chúng ta đủ khả năng để kiểm soát lạm phát và không để lạm phát tăng cao trở lại.

03/03/2010 21:39

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh Chinhphu.vn

Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ vừa diễn ra trong hai ngày 2-3/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kinh tế xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2010 tăng trưởng ổn định, trong đó công nghiệp tăng trưởng khá, tính chung hai tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6%; nông nghiệp gặp nhiều thuận lợi; dịch vụ cũng là lĩnh vực tăng trưởng khá, nhất là viễn thông và du lịch.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2010 tăng 1,96% so với tháng 1/2010, do chịu sự ảnh hưởng của đợt tăng giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc, không nên quá lo lắng về vấn đề tăng giá trong hai tháng đầu năm. “Chúng ta đủ khả năng để kiểm soát lạm phát”, ông nói. Song cũng không được coi thường và không để lạm phát cao quay trở lại. Chính phủ tiếp tục có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, kiểm soát triển khai đầu tư, nếu dự án nào kém hiệu quả thì phải kiên quyết cắt bỏ.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Lê Đức Thúy cho biết thêm, Chính phủ cũng đang tập trung đánh giá và phân tích những vấn đề liên quan đến lạm phát – bao gồm nguyên nhân và giải pháp, không để lạm phát cao quay trở lại.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia có báo cáo chuyên đề về vấn đề này. Theo ông Lê Đức Thúy, nếu nhìn vào con số thì vấn đề không có gì đột biến. Tính từ năm 2003, lạm phát cả năm là 3%; 2004 -9,5%; 2005 -8,4%; 2006 -6,6%; 2007 -12,6%; 2008 -19,89%; 2009 -6,32%; 2010- hai tháng đầu năm là 3,35%. Do đó, chưa có gì phải quá lo lắng về mức tăng giá của hai tháng đầu năm, cũng như lo ngại lạm phát tăng cao quay trở lại.

Ông Thúy cho rằng, xu hướng giá cả tháng 3/2010 cũng có khả năng tăng cao hơn bình thường so với các năm trước trong bối cảnh chúng ta vừa điều chỉnh tăng giá xăng, giá điện, 2 lần điều chỉnh tỷ giá.

Ông Thúy cho biết, việc tăng giá than chỉ áp dụng cho sản xuất điện và chưa mở rộng sang những lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN cho phép các ngân hàng được cho vay với lãi suất thỏa thuận đối với các hoạt động kinh doanh có hiệu quả chứ không bó hẹp trong cho vay trung và dài hạn. Từ đó tạo được trần lãi suất hợp lý trên thị trường. Tỷ giá hối đoái vừa qua cũng được điều chỉnh gần sát với thị trường và cần phải ổn định trong năm 2010 để tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Riêng đối với chính sách tiền tệ, theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, việc tăng 25% tổng phương tiện thanh toán là đủ rộng rãi và việc điều chỉnh chính sách tiền tệ phải được thực hiện ngay từ đầu năm.

Cũng tại buổi họp báo, trước sự quan tâm của công luận về việc một số địa phương cho doanh nghiệp nước ngoài thuê rừng để sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn pháp luật đã có quy định, vì vậy cần đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp.

Chính phủ vẫn chỉ đạo chặt chẽ các địa phương, trong việc ưu tiên giải quyết việc làm cho người dân, địa phương cần tính toán lợi ích giữa việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất với vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng và đời sống của người dân trên địa bàn.

Về giá than và giá điện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm 2010, giá điện sẽ không tăng nữa, giá bán than cho ngành điện đã điều chỉnh, cũng sẽ không tăng thêm nữa. Ngoài ra, Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu cũng như hoạt động của các ngân hàng ( về tỷ giá, lãi suất, kinh doanh vàng). Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong thời gian tới cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để tạo tâm lý ổn định cho người dân và doanh nghiệp tập trung phát triển sản xuất kinh doanh.

Kiều Liên

Top