Hà Nội

Kinh tế xã hội chuyển biến tích cực và đúng hướng

(Chinhphu.vn) - Chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm, những mục tiêu lớn về cơ bản là đạt được với những chuyển biến tích cực và vững chắc về vĩ mô. Video clip

03/07/2012 20:01

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2012, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và xác định vẫn tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Có điều kiện tốt để thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, tình hình kinh tế xã hội đang đi đúng hướng thể hiện rõ nhất qua việc lạm phát được kiềm chế. Tại kỳ họp tháng 9/2011, Chính phủ đã đặt quyết tâm kiềm chế lạm phát và đề ra, thực hiện  những giải pháp căn bản kiềm chế lạm phát có hiệu quả.

Bộ trưởng khẳng định “việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số là hoàn toàn trong tầm tay”.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, các chỉ tiêu khác về xuất khẩu, cán cân thanh toán ngoại tệ, dự trữ ngoại hối, đặc biệt là tỷ giá đều được giữ đúng theo định hướng đề ra và đem lại lòng tin vào sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Kết qủa này được các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quốc tế nhìn nhận.

Từ sau tháng 3/2012, tình hình phát triển công nghiệp, dịch vụ có hướng tốt lên; tăng trưởng quý II cao hơn quý I.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% từ nay đến cuối năm, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, cần phải nỗ lực lớn với quyết tâm và tự tin để thực hiện. Các chỉ số vĩ mô đạt được đã tạo ra điều kiện tốt để thúc đẩy sản xuất kinh doanh tốt hơn vào 6 tháng cuối năm mà không lo ngại lạm phát quay trở lại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Chính phủ chưa hài lòng về kết quả đã đạt được và nhìn thẳng vào khó khăn của nền kinh tế trước mắt cũng như trung hạn.

Cụ thể, sản xuất kinh doanh có tăng trưởng nhưng thấp dần so với những năm trước. Theo Bộ trưởng, những năm trước đây, chúng ta tập trung phát triển sản xuất nhưng đến nay, các yếu tố tăng trưởng về bề rộng đã đến ngưỡng, chúng ta phải chuyển trọng tâm sang phát triển theo chiều sâu, tái cơ cấu kinh tế và việc chuyển hướng này cần có thời gian.

Một khó  khăn khác là doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, một số sản phẩm tồn kho cao. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tập trung để có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, lãi suất huy động những tháng gần đây đã hạ liên tục, nhưng vẫn có doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo hệ thống ngân hàng có giải pháp giải quyết nợ đọng  để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn với lãi suất thấp hơn, đặc biệt là những ngành nghề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới…

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị một cách căn bản hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng năng suất trên cơ sở đổi mới công nghệ, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh. Bộ trưởng nhấn mạnh Nhà nước sẽ có biện pháp để thúc đẩy, hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam: Các chỉ số vĩ mô đạt được đã tạo ra điều kiện tốt để thúc đẩy sản xuất kinh doanh tốt hơn vào 6 tháng cuối năm mà không ảnh hưởng đến lạm phát. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giá phải tuân thủ quy luật thị trường

Về việc tăng giá điện từ ngày 1/7, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, một trong những vấn đề đặt ra trong quá trình tái cơ cấu là tuân thủ các quy luật của thị trường, mà một dẫn chứng là giá điện hiện vẫn dưới giá thành, dẫn đến một số hệ lụy.  Do đó, cần phải có lộ trình điều chỉnh giá điện.

Mặt khác, trong khi thực hiện lộ trình, Chính phủ yêu cầu ngành điện phải đảm bảo công khai minh bạch (giá thành, lỗ lãi, lý do tăng, giảm) và thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, khi điều chỉnh tăng phải tính toán đảm bảo an sinh xã hội, có giải pháp để không làm ảnh hưởng tới người nghèo, những đối tượng khó khăn. Dựa trên nguyên tắc này, vừa qua, ngành điện đã điều chỉnh tăng giá.

Bộ  trưởng nhấn mạnh, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương và ngành điện rút kinh nghiệm, khi tăng giá những mặt hàng mà ảnh hưởng đến kinh tế xã hội phải tuyên truyền để nhân dân và doanh nghiệp hiểu rõ. Chính phủ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nhân dân, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp và nhân dân nhìn vào mục tiêu lớn để cùng nhau nỗ lực tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất.

Bộ trưởng cho biết, tới đây, xăng dầu cũng tiến tới giá thị trường để phát triển phù hợp với quy luật, theo đúng định hướng.

Quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước

Trả lời báo chí về việc sửa đổi Nghị định 132/2005/NĐ-CP về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, đây là việc cần thiết, quan trọng trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ nhất, việc sửa đổi lần này có nhiều điểm mới, trong đó, các doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Đây là những ngành nghề mà Nhà nước xác định phải nắm giữ để nền kinh tế đất nước phát triển bền vững, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Các tập đoàn, tổng công ty phải tiến hành thoái vốn đầu tư ở những lĩnh vực ngoài ngành nghề kinh doanh như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản.  

Thứ hai, lần sửa đổi này sẽ quy định rõ trách nhiệm chủ sở hữu về vốn, bảo toàn vốn, phát triển vốn của hội đồng quản trị doanh nghiệp, của Bộ Tài chính và của Bộ quản lý chuyên ngành. Đặc biệt, quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành trong công tác định hướng, chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như trong công tác tham gia vào các khâu theo quy định của Đảng về bổ nhiệm cán bộ.

Mai Chi

Top