Hà Nội

Khi làm việc phải đề cao tinh thần phục vụ dân

(Chinhphu.vn) – Đó lời nhắn nhủ của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đối với lớp cán bộ, công chức trẻ tại Văn phòng Chính phủ.

08/04/2015 09:33

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: Lan Anh

.

Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống cơ quan Văn phòng Chính phủ, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã được nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ về những kỷ niệm cũng là những kinh nghiệm quý báu trong quá trình công tác gắn bó với Văn phòng Chính phủ.

.

Xử lý tình huống linh hoạt, nhạy bén về thời cơ

.

Thưa ông, nhớ lại quãng thời gian giữ cương vị Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế đối ngoại (từ tháng 8/2002 đến tháng 6/2006), ông có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm gì đáng nhớ nhất?

.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tuy tôi chỉ công tác và giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ một nhiệm kỳ, nhưng nhiệm kỳ này khá “sôi động” khi đất nước bước vào thế kỷ thứ 21. Đây cũng là thời kỳ đỉnh cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà chúng ta bắt đầu từ sau khi đổi mới.

.

Tôi có rất nhiều kỷ niệm trong suốt quá trình công tác, tuy nhiên những kỷ niệm sâu sắc nhất, cũng là những bài học kinh nghiệm đáng nhớ liên quan tới kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Chúng ta đã tiến hành đàm phán trước khi tôi làm Bộ trưởng Thương Mại vào năm 2000, nhưng đến khi tôi về làm Bộ trưởng thì Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ kết thúc đàm phán để có thể ký kết Hiệp định đó vì Hiệp định này vừa có ý nghĩa kinh tế rất lớn, đồng thời cũng có ý nghĩa chính trị quan trọng.

. 

Nói đến ý nghĩ kinh tế là vào thời điểm đó, Mỹ đang là thị trường lớn nhất thế giới, tất cả các nước ở khu vực Đông Á phát triển được là nhờ một trong những nhân tố có thị trường Mỹ. Đối với Việt Nam, muốn phát triển cũng cần có thị trường này.

. 

Nhân tố chính trị vì quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ lúc đó khá phức tạp, do đó việc mở ra quan hệ thương mại là bước tiến rất quan trọng giữa hai nước vốn là thù địch. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Do đó, Bộ Chính trị đã giao cho tôi hoàn thành kết thúc đàm phán.

Tháng 7/2000, tôi sang Mỹ để thực hiện nhiệm vụ. Phải nói để kết thúc cuộc đàm phán là vấn đề rất cam go. Đến khi thỏa thuận được thì phải chờ chỉ thị trong nước, trong khi đó khoảng cách địa lý, thời gian khác nhau nên khi gửi điện xin ý kiến về nước thì chưa thấy hồi âm. Tôi đã phải thức trắng đêm để đợi và phải gọi điện thoại về nước để xin ý kiến Thủ tướng.

.

Cuối cùng, được chấp nhận cho ký, nhưng khi chuẩn bị ký thì giấy để in Hiệp định của ta và Mỹ khác nhau, nên giấy ta mang sang không in được. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Bill Clinton hẹn gặp vào lúc 5h chiều mà lúc đó đã là 4h chiều.

Biết rằng không thể xử lý kịp, tôi đã thỏa thuận với người đại diện bên Mỹ là sẽ ký tờ giấy cuối cùng, còn Hiệp định để đánh máy sau. Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử ngoại giao quốc tế khi ký Hiệp định rất quan trọng nhưng lại chưa có văn bản. Trong trường hợp này, chúng ta cần phải xử lý linh hoạt vì thực tế nội dung đã được thống nhất trước đó.

. 

Đi liền với kỷ niệm đó là cảm xúc được là quan chức Nhà nước Việt Nam đầu tiên vào Phòng Bầu Dục Nhà Trắng gặp gỡ Tổng thống Bill Clinton trong dịp Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Việc này không những là niềm vinh dự của tôi mà còn có ý nghĩa kết thúc mối quan hệ xấu, mở ra một trang mới về mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

.

Kỷ niệm sâu sắc thứ 2 đó là kết thúc đàm phán về gia nhập WTO, tôi được Bộ Chính trị phân công là Bí Thư Trung ương Đảng và Chính phủ phân công với tư cách là Phó Thủ tướng để chỉ đạo quá trình đàm phán để kết thúc. Mặc dù tôi không trực tiếp đi đàm phán nhưng chịu trách nhiệm chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể.

.

Năm 2005, trong khi Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Mỹ, tôi dẫn đầu đoàn sang cố gắng kết thúc đàm phán. Tuy nhiên, sang đến nơi tôi cảm thấy chưa “chín muồi” nên chưa thể kết thúc được. Đến năm 2006, cảm thấy đây là thời cơ có thể kết thúc được, vì sau đó là Hội nghị APEC và Tổng thống George Bush sang thăm Việt Nam nên tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển dẫn đầu Đoàn sang đàm phán.

Đêm hôm đàm phán, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã gọi điện cho tôi giữa đêm để hỏi ý kiến. Vì Thủ tướng Phan Văn Khải đã giao cho tôi chịu trách nhiệm xử lý việc này nên tôi đã có ý kiến rõ ràng về các nội dung, quan điểm cần thống nhất để đi đến thỏa thuận.

Sau quá trình đàm phán gian nan, vất vả đó, Tổng thống Mỹ Bush đã chính thức sang thăm nước ta, tham dự hội nghị APEC và quyết định dành cho chúng ta chế độ thương mại thường xuyên, mở ra “bùng phát” về xuất khẩu đối với đất nước ta.

. 

Xin ông cho biết có thể lĩnh hội gì từ 2 tiến trình này?

.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Như đã cho biết ở trên, trong dòng chảy chung, tôi tự nhận thức rằng mình đã nhận thức và lĩnh hội được cần phải hội nhập, hình thành chính sách hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tôi cũng đã bỏ công sức đóng góp vào quá trình đàm phán, kí kết thỏa thuận quốc tế về hội nhập quốc tế.

.

Đồng thời, góp phần đào tạo lớp cán bộ mới cho quá trình hội nhập quốc tế. Tôi thấy lứa anh em với chúng tôi về BTA, AFTA, WTO bây giờ họ đều là cán bộ lãnh đạo, trưởng thành rất nhiều và được quốc tế đánh giá rất cao.

.

Theo tôi đóng góp không thì chưa đủ, mà quyết liệt mới là quan trọng. Tôi nghĩ mỗi người đều phải có trách nhiệm với đất nước chứ không phải kể cá nhân có công sức đóng góp gì. Trong tình hình đất nước hiện nay, nếu không tăng trách nhiệm lên thì cơ hội sẽ rất hạn chế mà những thách thức thì lại quá nhiều.

.

Đặc biệt, trong tình hình thương mại quốc tế hiện nay có nhiều khác biệt lớn, điều đầu tiên chúng ta cần nhận thức là kinh tế quốc tế đang thay đổi và có tầm cỡ như thế nào. Tôi thấy dư luận chung là chưa nhận thức được đầy đủ. Kinh tế mang tính chất bước ngoặt, đánh dấu một giai đoạn thời kỳ mới, thời đại mới của kinh tế, nếu chúng ta không nhận thức được tầm cỡ và chiều sâu của sự thay đổi này thì chúng ta sẽ không đối phó được mà sẽ lệch hướng phát triển và khi đó ai cũng có thể hình dung được hậu quả sẽ lớn thế nào.

.

Tôn trọng quy luật chung vận dụng vào hoàn cảnh riêng

.

Trong công tác nghiên cứu chiến lược đối ngoại, kinh tế quốc tế, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì trong quá trình công tác khi giữ trọng trách Phó Thủ tướng?

.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đất nước ta là một bộ phận của thế giới, vậy khi quyết sách thì chúng ta không thể không tính đến xu hướng của thế giới. Muốn biết xu hướng thế giới thì phải nghiên cứu rất cơ bản và sâu sắc. Tôi cũng là một cán bộ trong guồng máy chung của Đảng và Nhà nước. Với tư cách là cá nhân đã làm việc trong ngành ngoại giao rất lâu, tham gia Chính phủ và Ban Bí thư cũng là phụ trách công tác đối ngoại, tôi thấy công tác đối ngoại, chiến lược kinh tế đối ngoại là công việc của rất nhiều cơ quan, bộ phận.

Trong công tác kinh tế đối ngoại, cần nhận thức được thế giới là một tổng thể, chúng ta là một bộ phận nên sự phát triển trong nước gắn với xu hướng của cả thế giới. Nói thì rất đơn giản, nhưng để nhận thức được thì không đơn giản. Tất cả đòi hỏi phải có quá trình. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, chúng ta nên nhận thức rõ về sự gắn kết, sự phát triển của đất nước mình với thế giới.

. 

Trong khi đó, nếu muốn phát triển thì phải hội nhập với thế giới, phải tôn trọng những quy luật chung, vận dụng quy luật chung vào hoàn cảnh của mình để hiểu được quy luật chung của thế giới thì mới có thể hội nhập với thế giới. Để có gia nhập WTO, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và dần dần phát hiện ra quy luật chung đó và vận dụng vào các phương pháp đàm phán.

.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thức ra quá trình toàn cầu hóa là quá trình khách quan, không phải do ai dựng ra, đó là sự vận động khách quan của thế giới. Tham gia quá trình đó, người ta sẽ lợi dụng quá trình rồi có sự tranh chấp, đấu tranh, hợp tác, “cá lớn nuốt cá bé”… do đó, ta phải tranh thủ tận dụng, đối phó với những thách thức.

Tuy chúng ta nhìn ra thế giới, thế nhưng quyết định là của ta, có lợi dụng được cơ hội, đối phó được không là do nội lực của ta. Điều này đã trở thành quyết sách của Đảng để phát triển kinh tế đối ngoại. Hay xu hướng toàn cầu khu vực hóa, phát triển toàn cầu. Đối với ta, khu vực ASEAN, Đông Nam Á có ý nghĩa rất quan trọng, chúng ta phải hội nhập và coi đó là cái ưu tiên… Tất cả nhận thức như vậy là đóng góp rất lớn của các anh em làm đối ngoại trong hệ thống Đảng, Chính phủ và Nhà nước.

. 

Với tư cách là nhà đối ngoại, nghiên cứu lâu năm, tôi thấy thuận lợi đó là công cuộc đổi mới của chúng ta đã làm cho các ngành hiểu biết hơn về thế giới so với thời trước. Thời chúng ta bị bao vây, cô lập thì hiểu biết thế giới rất hạn hẹp. Đến khi chúng ta mở cửa rồi thì các ngành các cấp mới thu nhận được nhiều thông tin, giúp cho hiểu biết thế giới nhiều hơn.

.

Bên cạnh đó, sự đổi mới tư duy của Đảng và Đại hội VI đã “cởi trói” cho rất nhiều vấn đề mà trước kia đã gò bó chúng ta, khiến chúng ta không dám suy nghĩ, không dám tiếp cận. Chính sách đổi mới đã giải phóng tư tưởng cho các ngành, các cấp và cho các cán bộ nghiên cứu.

. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, khó khăn cho ta thấy thế giới là mênh mông mà diễn biến thì quá phức tạp, làm sao để có thể nhận thức, hiểu rõ nó là việc không đơn giản. Đây là cái khó, nhưng khó nhất vẫn là quân của ta thì đông, nhưng sức mạnh bị phân tán bởi không có điều phối chung. Tư duy không trở thành sức mạnh. Bản thân tôi khi làm trong Chính phủ và Ban Bí thư thì đã cố gắng kết nối lại để làm sao trận tuyến có bài có bản. Vì vậy, nếu không khắc phục được nhược điểm này thì rất khó để chúng ta có thể nhận biết được thế giới cho chuẩn xác.

.

Chuẩn bị bên trong phải ngang tầm với mở cửa ra bên ngoài

. 

Kinh tế đối ngoại trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và không ngừng phát triển, ông nhận định như thế nào về lĩnh vực kinh tế đối ngoại trong thời gian qua?

.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Là người có kinh nghiệm trong công tác đối ngoại cũng như công tác kinh tế đối ngoại nói riêng thì tôi thấy, tình hình tài chính, tiền tệ, kinh tế thế giới trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc đã làm tác động đến tất cả các quốc gia trong đó có ta. Trong hoàn cảnh thách thức như vậy, chúng ta không được “ngã tay chèo” mà phải kiên trì, “vững tay chèo” để tiếp tục hòa nhập với thế giới. Đồng thời, phải tìm ra những giải pháp ứng phó với những cái mới, theo hoàn cảnh thay đổi, đấy là quan điểm chủ chốt tôi cho rằng là rất đúng đắn.

.

Tôi thấy Chính phủ đang rất quan tâm, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu mặc dù trong những năm qua, từ năm 2008 đến nay, kinh tế nước ta có nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu luôn luôn tăng trưởng đáng kể. Bây giờ chúng ta đã chiếm vị trí cao, vượt rất xa. Nếu chỉ tính xuất khẩu thì giá trị xuất khẩu gần bằng giá trị GDP, nếu cộng cả giá trị nhập khẩu thì gần gấp đôi GDP. Điều đó chứng tỏ chính sách thúc đẩy xuất khẩu và kinh tế đối ngoại vẫn được đề cao. Từ đó, tạo công ăn việc làm, giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế xã hội của nước ta.

.

Bên cạnh đó, tôi thấy chúng ta vẫn đang kiên trì đổi mới môi trường đầu tư nước ngoài, tiếp tục tranh thủ được đầu tư nước ngoài vào nước ta. Tất nhiên tùy thuộc thời điểm, giai đoạn, kết quả không thuyên giảm, chỉ tăng chậm hay tăng cao, như vậy có nghĩa là đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp rất đáng kể.

.

Về ODA, chúng ta vẫn tiếp tục tranh thủ được mặc dù chúng ta đã đạt được là nước có thu nhập trung bình; theo quy định của thế giới thì nước đó có ODA giảm dần nhưng ta vẫn tranh thủ được.

.

Một điều quan trọng hơn, đó là xuất phát từ nhận thức về kinh tế đối ngoại Chính phủ tiếp tục mở ra rất nhiều cuộc đàm phán. Theo tôi biết là đã mở ra 5, 6 cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do như với Hàn Quốc, Liên Minh châu Âu, Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương… Như thế là Chính phủ vẫn luôn quyết tâm, góp phần cải thiện dần kinh tế nước ta.

.

Tuy nhiên, bên cạnh đó tôi có những băn khoăn. Hiện chúng ta đàm phán ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại song phương, đa phương. Đó là xu hướng mới, nhưng có tận dụng được xu hướng đó hay không thì nội lực là quyết định. Trong khi đó, tôi thấy việc chuẩn bị “bên trong” chưa xứng tầm với “mở cửa” ra bên ngoài. Cần tập trung phát triển, bồi dưỡng 2 đối tượng: các doanh nghiệp và nhà nước, các cơ quan, bộ ngành.

.

Kinh nghiệm gia nhập WTO cho chúng ta bài học, trong nước chưa chuẩn bị tốt thì rất khó có thể gia nhập được và sẽ nảy sinh những hệ lụy. Trong khi đó, tôi tiếp xúc rất nhiều doanh nghiệp và thấy hầu như họ chưa hiểu về những cái ta đã đàm phán, cam kết và họ chưa chuẩn bị sẵn sàng. Điều tra mới đây cho thấy, có đến 80% doanh nghiệp chưa tiếp cận, như vậy sẽ ứng phó, thách thức thế nào?

.

Đối với nhà nước, các cơ quan, bộ ngành thì chưa thấy điều chỉnh gì về cơ chế luật lệ cho sát với cam kết quốc tế. Khi gia nhập WTO thì việc làm này rất sôi động. Quốc hội thường xuyên thảo luận, bổ sung luật, nhưng lần này thấy im ắng. Tất nhiên, Chính phủ đã làm rất nhiều trong cải cách thể chế. Nhưng cần phải tìm ra lời giải các thể chế đó sẽ gắn kết như thế nào với quá trình hội nhập.

.

Một băn khoăn nữa là cơ cấu kinh tế nước ta vẫn còn lạc hậu quá, hiệu quả thấp, năng suất thấp. Trình độ như vậy thì chúng ta dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nghĩa là anh có thu nhập trung bình rồi nhưng trình độ phát triển vẫn thấp. Chính phủ đã có đề án tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng theo dõi thì ta thấy quá trình thực hiện còn chưa đủ mạnh. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì chúng ta vẫn có thể phát triển được xuất khẩu, đầu tư nhưng trình độ thì vẫn vậy, nền kinh tế nước ta sẽ khó đạt được chất lượng, không thay đổi được cơ bản.

.

Bên cạnh đó, tỷ trọng kinh tế đối ngoại nước ta ngày càng phình to ra. Tỷ trọng của các doanh nghiệp FDI chiếm đến 60 – 70%, trong công nghiệp chiếm đến 50%. Như vậy cần chuẩn bị bên trong để tận dụng được cơ hội đối phó với thách thức, bản thân nền cơ cấu kinh tế nước ta phải thay đổi rất cơ bản, mạnh mẽ thì mới có thể trở thành nước phát triển được.

.

Đối với các cán bộ, công chức, viên chức trẻ đang công tác tại VPCP hiện nay, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước là những điều vô cùng quý báu, là hành trang cho quá trình công tác sau này, ông có lời chia sẻ và nhắn nhủ gì cho lớp trẻ VPCP hiện nay?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tôi nghỉ hưu nhưng vẫn sinh hoạt Chi bộ trong VPCP. Tôi đã đề xuất với Chi bộ cần phải có những tham mưu, quan trọng là tham mưu gì, cần phải tìm mọi cách để hiểu được thế giới đang chuyển dịch như thế nào. Muốn như vậy, cần tự mình phải tìm hiểu, vươn lên học hỏi, nhưng quan trọng là khai thác những hiểu biết của các chuyên gia, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, nói chuyện để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề đang biến động của thế giới, những vấn đề về dầu lửa như thế nào. Vấn đề biển đông…rất nhiều vấn đề lớn đang xảy ra chúng ta cần phải biết đến.

.

Lớp cán bộ trẻ VPCP cần nhận thức rõ, làm việc không có nghĩa là anh phải “bưng bê” mà vấn đề chính là phải tham mưu, đề xuất được những chủ trương, chính sách, phải biết tổng hợp, sàng lọc tất cả các kiến nghị của các bộ ngành từ đó đưa ra những kiến nghị có tính tổng quát hơn. Muốn được như vậy, thì chúng phải tự nâng cao trình độ của bản thân.

.

VPCP là cơ quan tổng tham mưu, là “cổng lớn” của Chính phủ. Cổng này gây khó dễ thì sẽ dễ bị tắc nghẽn. Vì vậy, cần phải quán triệt các cá nhân khi làm việc phải đề cao tinh thần phục vụ dân, phục vụ các ngành, các địa phương và phải là đầy tớ của dân. Nếu không nhận thức được vấn đề này thì cải cách hành chính là vô nghĩa bởi có cải cách thể chế tới đâu thì khâu cuối cùng vẫn là con người. Con người mà không thay đổi thì cải cách thể chế sẽ không có nghĩa gì.

. 

Bên cạnh việc giải quyết vấn đề về nhận thức, để nâng cao khả năng tham mưu, lớp trẻ cần phải tự học, cả cuộc đời tôi là tự học. Không chỉ học ở trên lớp, học theo hệ thống, chúng ta cần phải tự học, tự tìm hiểu những ngọn nguồn của vấn đề, những xu thế và những ảnh hưởng của thế giới đối với chúng ta. Hiện lĩnh vực công nghệ thông tin đang phát triển mạnh, việc tìm kiếm thông tin, tài liệu trên mạng internet là rất dễ dàng, nhưng nhiều khi thông tin sơ sài, méo mó nên chúng ta cần phải biết chắt lọc. Đặc biệt là chúng ta nên nghiên cứu, đọc sách để có những căn cơ vì sách là những sản phẩm được chắt lọc của con người với những lập luận rất logic và chặt chẽ.

. 

Xin trân trọng cám ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

Top