Hà Nội

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020

(Chinhphu.vn) - Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 diễn ra tại Hà Nội vào chiều 2/10, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày.

02/10/2020 18:01

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và cơ quan liên quan cùng đông đảo phóng viên các cơ quan truyền thông, báo chí.

.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngày hôm nay 2/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9/2020. Chính phủ đánh giá, kinh tế tháng 9 có rất nhiều điểm sáng, một là công tác chống dịch đã qua 30 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, chúng ta đã khống chế thành công 2 đợt dịch. Nông nghiệp nhiều khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm nay; công nghiệp tăng 2,69%; xuất khẩu đạt kỷ lục tuy không cao như năm ngoái và trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta vẫn xuất siêu tới 17 tỷ USD. Chúng ta cũng đồng loạt khởi công 3 dự án lớn thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông và giúp giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ cao nhất so với các năm từ 2016 tới nay; phấn đấu khởi công 5 dự án PPP thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam ngay trong tháng 10. Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và đợt 2 thành công. Đối ngoại, an ninh-quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.

.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 rất quan trọng, nhìn lại 3/4 chặng đường của năm 2020 và trên cơ sở đó đánh giá sơ bộ kết quả đạt được của năm 2020 và xây dựng kế hoạch phát triển KTXH cho năm 2021. Vì vậy, Chính phủ dành thời lượng thích đáng để đánh giá tình hình KTXH 9 tháng năm 2020; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01, 02; tình hình phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho 3 tháng cuối năm để phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020.

.

Về việc thực hiện mục tiêu kép thời gian qua, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung đánh giá tình hình: Với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch COVID-19, với phương thức, cách làm mới, nhờ đó, trong 30 ngày qua, không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Đến nay, dịch bệnh đã một lần nữa được kiểm soát. Đồng thời, chúng ta tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống cho nhân dân; tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Có thể nói, mục tiêu kép đã được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt.

.

Tình hình KTXH ngày càng tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm, duy trì được tăng trưởng, đặc biệt là trong quý III khi cả nước căng mình chống dịch COVID-19, nhưng tăng trưởng GDP khởi sắc hơn với mức tăng 2,62%; 9 tháng tăng 2,12%, tạo tiền đề để có thể đạt mức tăng trưởng dương trong cả năm, đây là cố gắng cực kỳ lớn của chúng ta trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy. Thực tế nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V. Việt Nam là nước tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Các ngành quan trọng như công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng có xu hướng phục hồi mạnh mẽ. Chứng khoán khởi sắc trở lại.

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những điểm sáng nổi bật

.

Thứ nhất, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ giá hối đoái, lãi suất cho vay ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Trong 9 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành để kích thích kinh tế.

.

Thứ hai, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 tăng khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực Nhà nước tăng 21,5% (9 tháng tăng 13,4% so với cùng kỳ). Thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù gặp khó khăn, đã đạt trên 21 tỷ USD.

.

Thứ ba, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương là một điểm sáng trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9/2020 tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%. Có 30 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019, chỉ có 26 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hơn 1 tỷ USD); 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu giảm 0,8%, chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%. Xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD. Điểm ấn tượng là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, nhanh hơn FDI; nông nghiệp phấn đấu vượt mức xuất khẩu 41 tỷ USD.

.

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; với nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu dồi dào, là cơ sở tiền đề quan trọng để thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Người nông dân “được mùa, được giá”. Năng suất lúa tăng 0,9 tạ/ha. Sản lượng thu hoạch nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp tăng mạnh (điều tăng 17,8%; vải tăng 15%; nhãn tăng 12,4%; thanh long tăng 8,4%...).

.

Sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ tăng 2,69%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020.

.

Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố đã mở cửa trở lại. Các hoạt động kích cầu tiêu dùng, du lịch đang được triển khai quyết liệt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ 0,7%.

.

Hoạt động của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với khoảng 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

.

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam (do Nikkei đánh giá) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN và so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam.

.

Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm. Trong 9 tháng, số hộ thiếu đói giảm mạnh, cả nước có 16.500 lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66.500 lượt nhân khẩu, giảm 75,5% về số lượt hộ và giảm 75,6% về số lượt nhân khẩu so với cùng kỳ. Tình hình lao động, việc làm trong quý III có dấu hiệu phục hồi. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc tăng 1,5 triệu người so với quý II. Tổ chức thành công đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic đạt kết quả cao.

.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực; hình ảnh, uy tín của Việt Nam được nâng cao. Tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan.

.

Những nỗ lực và kết quả đó đã tạo thêm niềm tin của nhân dân, củng cố sự vững mạnh của hệ thống chính trị, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, là nhân tố tích cực bảo đảm sự thành công trong đại hội của nhiều tỉnh, hướng tới Đại hội XIII của Đảng.

.

Về tình hình thời gian tới, đánh giá về Việt Nam, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn (ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,1%, S&P dự báo Việt Nam tăng trưởng 11,2% trong năm 2021).

.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như các rủi ro bên ngoài khi dịch bệnh chưa thuyên giảm ở nhiều nước. Một số tổ chức quốc tế cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn, trong khi khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài chính.

.

Còn một số thách thức từ nội tại như ngành công nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn và phục hồi chậm. Về phía cầu, tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng năm trước, thể hiện người dân còn khó khăn và cũng đã thay đổi hành vi tiêu dùng.

.

Về triển khai các nhiệm vụ thời gian tới, tại cuộc họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại; yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là hai thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là nhập cảnh trái phép. Về việc mở lại 7 đường bay quốc tế, đây là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lọt vào cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư.

.

Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề về cách ly ở khách sạn khi có nhiều ý kiến khác nhau như trường hợp thay đổi chi phí cách ly ở khách sạn mà báo chí phản ánh vừa qua, gây bức xúc cho người dân.

.

Thủ tướng yêu cầu, đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5 đến 3% trong năm. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng.

.

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo mọi điều kiện để có thể tăng trưởng tín dụng. Thủ tướng nhắc lại quan điểm mở cửa nhưng phải có sự kiểm soát.

.

Bộ VHTT&DL cần xem xét chủ đề du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trong 3 tháng cuối năm. Thủ tướng vừa ký quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam", yêu cầu các bộ, các ngành, các địa phương ưu tiên quan tâm đến công tác đào tạo lao động để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

.

Đối với từng vấn đề tồn tại, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhanh chóng khắc phục, không để chậm trễ, làm ảnh hưởng đến việc tăng tốc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020.

.

Nhóm PV
Top