Hà Nội

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2011

(Chinhphu.vn) – Chiều nay (1/9), ngay sau khi Chính phủ kết thúc 3 ngày họp thường kỳ tháng 8 từ 30/8-1/9, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2011. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp báo.

01/09/2011 20:11

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2011 - Ảnh Chinhphu.vn

Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời các vấn đề mà báo giới quan tâm.

Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XIII.

Không “cào bằng” trong cắt giảm đầu tư công

Thông báo về kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2011, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Vũ Đức Đam cho biết, tại phiên họp này, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm và thảo luận kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, đặc biệt là việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, 8 tháng đầu năm 2011, một số chỉ tiêu về tình hình KT – XH được bảo đảm như thu ngân sách nhà nước đạt khá với 450,69 nghìn tỷ đồng, bằng 62,1% dự toán; chi đầu tư phát triển lũy kế từ đầu năm đến 15/8, ước đạt 95.887 tỷ đồng, bằng 63,1% dự toán năm; kim ngạch xuất khẩu tiếp tục có tín hiệu đáng mừng, tính chung 8 tháng ước đạt trên 60,8 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch mà Quốc hội đề ra; mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay và đạt dưới 1%...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam: Không có chuyện "cào bằng" trong cắt giảm đầu tư công - Ảnh Chinhphu.vn

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề yếu kém của nền kinh tế, nhất là vấn đề giá cả, lạm phát, nợ công, giá vàng và giao cho các bộ ngành bàn sâu về vấn đề lạm phát ngay trong tháng 9 tới đây.

Năm nay, cố gắng giữ lạm phát khoảng 18%, sang năm nỗ lực kéo giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn một con số.

Tăng trưởng GDP 8 tháng đạt 5,57%, phấn đấu từ nay đến cuối năm đạt 6% làm nền tảng để phấn đấu cho năm 2012 là 6,5%.

Điều đáng mừng và được nhân dân đánh giá cao là trong khó khăn của nền kinh tế nhiều chính sách về an sinh xã hội vẫn được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng tiếp tục được củng cố và giữ vững.

Liên quan đến Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm tới, Chính phủ quyết tâm bám sát các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng đề ra ở mức cao nhất.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung thảo luận về Quy chế làm việc của Chính phủ, sự phối hợp giữa các bộ ngành, chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến xử lý văn bản, giấy tờ của các bộ ngành.

Đối với đầu tư công theo Nghị quyết 11, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây không phải là cắt giảm vốn đầu tư mà sắp xếp lại nguồn vốn đầu tư sao cho thật hiệu quả và cần thiết, không phải là “cào bằng” cắt hết. Về chính sách tiền tệ, kiên quyết giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng không quá 20%, tổng phương tiện thanh toán không quá 16%. Quản lý chặt chẽ thị trường vàng và ngoại tệ. Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Một trong những vấn đề được Thủ tướng và các thành viên Chính phủ quan tâm là kiểm soát chặt chẽ tình trạng khai thác khoáng sản đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Chính phủ cho rằng cần tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản để đánh giá, chấn chỉnh lại hoạt động này.

Đề xuất phương án huy động vàng trong dân

Trả lời báo giới về những vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua như giá vàng tăng đột biến và hiện tượng đầu cơ, làm giá vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho hay, trước biến động của tình hình giá vàng những ngày qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có điều hành linh hoạt, kịp thời và báo cáo Thủ tướng về những giải pháp quản lý thị trường vàng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Đề xuất phương án huy động vàng trong dân - Ảnh Chinhphu.vn

Theo đó, ngay trong cơn sốt giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đã cho nhập vàng để ổn định thị trường và hạn chế đầu cơ, làm giá.

Đồng thời, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, trong cơn sốt giá vàng vừa qua có hiện tượng đầu cơ, làm giá. “Cứ khi nào giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 400.000đ/lượng là cơ hiện tượng đầu cơ, làm giá”, Thống đốc nói.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng Nghị định về quản lý, sản xuất, kinh doanh vàng để ổn định thị trường và đề xuất Chính phủ phương án huy động vàng trong dân, như vậy người dân yên tâm khi gửi vàng và Nhà nước cũng ổn định thị trường.  

Đối với dấu hiệu giảm lãi suất, Thống đốc Bình cho rằng, đây là đòi hỏi thiết thực của bản thân nội tại của nền kinh tế và của các ngân hàng.

Tại cuộc họp báo này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết những giải pháp về tài chính – ngân sách trong 4 tháng còn lại để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP.

Hòa nhịp tài chính và tiền tệ

Theo đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nêu lên 6 giải pháp chính như tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, phấn đấu tăng thu ít nhất 7-8% dự toán Quốc hội quyết định.

Giám sát chặt chẽ việc cắt giảm các khoản đầu tư công, kiên quyết thu hồi các khoản đầu tư tại các dự án vi phạm; ưu tiên các khoản tăng thu để trả nợ và giảm bớt chi ngân sách, phấn đấu mức bội chi ngân sách năm 2011 ở mức 4,9% (trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5,3%).

Kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát với việc sử dụng đồng bộ chức năng của Bộ Tài chính, phối hợp với Bộ Công Thương các cấp chính quyền địa phương kiểm tra việc chấp hành giá cả; cập nhật và theo dõi thường xuyên diễn biến giá cả thị trường trong nước và thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: Sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong điều hành chính sách tài chính - tiền tệ - Ảnh Chinhphu.vn

Bộ Tài chính tích cực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội qua việc chi trả kịp thời kinh phí, trợ cấp cho người nghèo, khó khăn và dành một phần vượt thu cho các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.

Đề cao tinh thần trách nhiệm công chức, công vụ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Bộ. “Đặc biệt nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị trong ngành và việc phối hợp chặt chẽ đồng bộ, thường xuyên với chính sách tiền tệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký triển khai hiệu quả quy chế phối hợp giữa hai ngành”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin báo chí để thông tin kịp thời, đầy đủ, xác thực về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Về việc Chính phủ bảo lãnh cho một số dự án xi măng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là nhóm dự án đặc biệt nên Chính phủ bảo lãnh, trường hợp các doanh nghiêp chưa trả được, Chính phủ sẽ ứng trước để trả nợ. Hiện tại chưa có doanh nghiệp nào vượt quá mức 3 kỳ mà chưa trả được nợ.

Mặt khác, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ rà soát lại quy hoạch phát triển ngành xi măng và tạm ngừng bảo lãnh cho các dự án xi măng.

Đối với truy thu thuế nợ của Honda và một số doanh nghiệp khác đối với việc nhập khẩu các linh kiện ôtô mà dư luận đang quan tâm, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết một số linh kiện của các doanh nghiệp không đáp ứng mức độ rời rạc của linh kiện theo quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa và các văn bản khác.

Bộ Tài chính đã thành lập tổ liên ngành xử lý vấn đề này và đề xuất những giải pháp giải quyết. Đến nay, chưa có doanh nghiệp nào bị truy thu thuế cả.

Lê Sơn

Ảnh: Nhật Bắc

Top