Hà Nội

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8

(Chinhphu.vn) – Ngày 01/9, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên với sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành để làm rõ nhiều vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.

01/09/2015 19:54

 

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2015. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên trân trọng chúc mừng tất cả các phóng viên tham dự buổi họp báo nhân dịp Quốc khánh 2/9, có ngày nghỉ lễ vui tươi, hạnh phúc, ý nghĩa.

Thay mặt cho toàn thể cán bộ công chức, viên chức VPCP, đồng chí Nguyễn Văn Nên gửi lời cám ơn các phóng viên, cơ quan báo chí trong suốt thời gian qua đã hỗ trợ chia sẻ với VPCP, nhân dịp 70 năm ngày truyền thống VPCP (28/8/1945-28/8/2015); và mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của các phóng viên, cơ quan báo chí.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên đã thông báo vắn tắt về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra trong hai ngày 31/8 và 1/9 tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

 

Theo đó, Chính phủ đã giải quyết nhiều nội dung, trong đó có tình hình KTXH trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2015, bàn về dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2016, đồng thời cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

 

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã cho ý kiến về Luật Báo chí sửa đổi và Luật về hội, Luật Quy hoạch. Các cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, chính sửa theo các ý kiến thành viên Chính phủ, tập hợp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tháng 10 sẽ trình Quốc hội theo quy định..

 

Người phát ngôn Chính phủ đã dành thời gian trả lời nhiều câu hỏi được báo chí và dư luận xã hội quan tâm.

 

PV Mạnh Quân (báo Thanh Niên): Tại phiên họp này Chính phủ có bàn về tái cơ cấu DNNN trong 8 tháng đầu năm. Được biết trong 8 tháng, tiến độ cổ phần hóa, sắp xếp DNNN khá chậm. Đến nay chỉ còn 4 tháng của năm 2015, việc cổ phần hóa lượng doanh nghiệp còn lại khá lớn, liệu năm nay có đạt mục tiêu như kế hoạch đặt ra không?

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Chính phủ lần này có nghe tình hình cổ phần hóa 8 tháng và qua báo cáo, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa DNNN đánh giá rằng các cơ quan, địa phương đã tích cực thực hiện kế hoạch đề ra và đem lại một số kết quả, có khẩn trương hơn, một số ngành có tích cực hơn, kết quả cụ thể hơn. Nhưng so với mục tiêu thì còn chậm và từ nay đến cuối năm 2015, nếu tôi nhớ không lầm thì có 289 doanh nghiệp có thể hoàn thành, còn lại 89 doanh nghiệp hoặc lý do này hoặc lý do khác chưa hoàn thành.

 

Chính phủ sau khi bàn đã thống nhất với quan điểm của Ban Chỉ đạo. Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, theo dõi, giám sát, chỉ đạo những đơn vị chưa làm được, đánh giá cho được nguyên nhân chủ quan, khách quan, nếu do chủ quan thì xử lý nghiêm. Khả năng là khó hoàn thành con số đề ra. Nhưng có thể nói con số lúc đầu đề ra là con số phấn đấu. Với quyết tâm chính trị cao và với tác động của tình hình kinh tế thế giới, khu vực, không phải chúng ta cổ phần hóa với bất cứ giá nào, mà phải hết sức bình tĩnh, có bước đi thích hợp và hạn chế, khắc phục tối đa những sơ suất có thể khi cổ phần hóa, nhất là thất thoát tài sản Nhà nước. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo nghiêm túc xem xét lại 89 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, khó hoàn thành để xem nguyên nhân, có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy thời gian tới và xử lý nghiêm những trường hợp do nguyên nhân chủ quan hoặc cố tình không hoàn thành.

 

PV báo Pháp luật HCM: Về việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, đã có những đánh giá nền kinh tế Trung Quốc suy giảm. Những chỉ số sản xuất của Trung Quốc như báo chí đưa thấp nhất trong vòng 3 năm còn chỉ số mua bán của Việt Nam cũng thấp nhất trong 10 tháng. Vừa rồi Chính phủ họp có bàn chi tiết hơn về việc đánh giá khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam cũng như việc điều chỉnh mục tiêu của chúng ta trong việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong năm nay không?

 

Bộ Tài Chính đã trả lời kiểm toán Nhà nước có báo cáo Chính phủ về kiến nghị xử lý thuế với Sabeco. Đại diện Bộ Tài Chính có thể thông tin thêm cho báo chí không vì đây là vấn đề không chỉ doanh nghiệp trong lĩnh vực rượu-bia-thuốc lá mà người dân cũng rất quan tâm?

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Câu hỏi của bạn rất hay nhưng khó trả lời bởi hiện nay để đánh giá một nền kinh tế như Trung Quốc không đơn giản. Ngay đầu năm, khi làm kế hoạch năm, chúng ta đã lường trước những biến động có thể xảy ra, nhất là những nước ở khu vực gần chúng ta, trong đó có Trung Quốc nhưng cũng chưa lường trước được tình hình trong thời gian rất ngắn đồng nhân dân tệ bị phá giá như thế này.

 

Hay như giá dầu, ngay từ đầu năm, các kịch bản của chúng ta về giá dầu khi báo cáo Quốc hội là 100 USD/thùng nhưng không bao giờ tính đến việc giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng như thế này.

 

Để đánh giá một nền kinh tế lớn như Trung Quốc hiện nay, Người phát ngôn Chính phủ không thể nói được mà chỉ những chuyên gia, những người chuyên theo dõi lĩnh vực này mới có thể phát ngôn dưới góc độ chuyên gia.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành có những cuộc họp chuyên đề để bàn về vấn đề này và Thủ tướng chỉ đạo rằng, chúng ta phải dự tính trước, nắm sát tình hình biến động thế giới, tình hình biến động khu vực, đặc biệt là tình hình Trung Quốc để chúng ta đưa ra những kịch bản có thể tiên liệu khả năng xấu để tính toán. Đến giờ này, Chính phủ đánh giá, cơ bản với những thông tin có được, chúng ta thống nhất rằng chúng ta không điều chỉnh mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra và cố gắng thực hiện bằng được. Nếu tình hình không có gì xấu hơn thì 13/14 mục tiêu sẽ đạt kế hoạch trong năm nay, dự kiến tăng trưởng vẫn trên 6%. Đó là ý kiến các bộ, ngành chức năng tham mưu và Chính phủ thống nhất đánh giá như vậy.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Đối với kiến nghị của Kiểm toán NN về truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt với Sabeco, hiện nay Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế căn cứ vào các quy định để rà soát và có trả lời cho DN. Chúng tôi sẽ thông tin công khai đến quý báo khi có văn bản trả lời chính thức.

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo Chính phủ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

PV Văn Thành (báo Tuổi trẻ TPCHM): Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng và phương án xử lý cụ thể đối với vấn đề lương hưu thấp của người nghỉ hưu?

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng tiền lương Quốc gia, gồm 15 thành viên là đại diện của người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ; và đại diện Chính phủ là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Hằng năm, Hội đồng tiền lương Quốc gia tính toán, thương lượng và thống nhất mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Qua 2 năm thực hiện cho thấy, để đạt được sự thống nhất tương đối về mức lương tối thiểu khuyến nghị Chính phủ thì Hội đồng tiền lương Quốc gia thường phải thương lượng nhiều lần (năm 2014 là 3 lần) và trong từng lần mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện nên kết quả thường có sự chênh lệch.

 

Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa đồng thuận về mức lương tối thiểu. Theo quy định, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng một lần nữa. Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ.

 

Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.

 

PV Vũ Hạnh (Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV): Qua báo chí, Chính phủ nhìn nhận thế nào về kỳ thi quốc gia? Những vướng mắc các phụ huynh thí sinh gặp phải vừa qua gặp thì Chính phủ khắc phục thế nào?

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: Những ngày qua, các phương tiện đại chúng đã phản ánh nhiều tiếng nói từ người dân về kỳ thi quốc gia. Chính phủ đã họp và đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay. 


Chính phủ đánh giá cao nỗ lực cố gắng quyết tâm đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương về giáo dục. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua có nhiều kết quả đáng được ghi nhận, khắc phục được nhiều vấn đề tồn tại từ trước, hạn chế được chi phí xã hội đáng kể, giảm bớt các phiền hà.

 

Tuy nhiên, trong khâu sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng đã bộc lộ một số bất cập do lỗi kỹ thuật liên quan đến quy trình đăng ký và thay đổi nguyện vọng, thời gian xét tuyển.

 

Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về những hạn chế, bất cập của tuyển sinh đại học đợt 1 và kịp thời điều chỉnh trong tuyển sinh đợt 2, cụ thể thí sinh sẽ không điều chỉnh nguyện vọng đăng ký và thời gian đăng ký cũng sẽ ngắn lại. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tổng kết, đánh giá toàn diện về việc tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

PV Hoàng Thùy (báo điện tử Vnexpress): Sáng hôm qua, một thí sinh thi vào trường Đại học Y-Dược Cần Thơ đã cầm tấm biển ghi là thi 26,5 điểm nhưng vẫn không được đi học và xin hãy giúp đỡ bạn ấy. Bộ trưởng GD&ĐT đã có ý kiến với ĐH Y-Dược Cần Thơ và nhận bạn này vào học. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến vấn đề là bạn ấy thi với tư cách là thí sinh được Sở Y tế Bình Thuận cử đi, nhưng sau đó Sở lại bảo bạn ấy không phải là viên chức, nên không được nhập học dù bạn ấy là thí sinh đạt điểm cao nhất. Tôi muốn hỏi quan điểm của Chính phủ về việc này như thế nào?

 

Trong năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Vậy những đổi mới trong năm học 2015-2016 là gì? Tiếp theo là những hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được khắc phục như thế nào?

 

Kinh phí tổ chức thực hiện hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 2/9 như thế nào?

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Về một trường hợp rất cụ thể của một bạn nào đó ở Cần Thơ. Chỉ nghe như thế mà nêu quan điểm thì quả là khó nên tôi xin phép không có ý kiến về vấn đề này bởi vì không nắm được cụ thể.

 

Còn về kinh phí cho ngày đại lễ, đến giờ này, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với ngày Tết Độc lập là phải tổ chức trang trọng, ý nghĩa, thực chất và hết sức tiết kiệm. Hiện nay đang quá trình tổ chức, nhiều ngành tham gia, nhiều lực lượng tham gia cho nên chưa có tổng kết. Khi tổng kết xong, chúng tôi sẽ có thông tin đến các bạn theo quy định.

 

Còn nội dung về khắc phục hạn chế của kỳ thi này, hiện nay Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sau khi đợt 2 này, sau khi kết thúc việc xét tuyển sẽ có tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, thì báo cáo sẽ cụ thể hơn. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

PV Văn Hùng (báo Nông nghiệp Việt Nam): Xin được hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP câu hỏi làm thế nào để chúng ta chấm dứt tình trạng "trên bảo dưới không nghe"? Bằng chứng là Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đã rất nhiều lần có văn bản chỉ đạo chấm dứt tình trạng lạm thu đối với nhân dân. Nhưng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn xuất hiện tình trạng lạm thu trong nhân dân một cách tràn lan, vô lý. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo chấn chỉnh nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục đang tái diễn. Thứ hai, xin phép được hỏi Thứ trưởng Bộ Tài chính là Bộ Tài chính với chức năng nhiệm vụ được giao sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ như thế nào trong vấn đề chấn chỉnh và chấm dứt tình trạng lạm thu trong nhân dân?

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Về câu hỏi này, sáng nay trong giao ban báo chí đã thông báo về tình hình này. Xin mời Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết ý kiến về vấn đề này.

 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Việc lạm thu trong nhân dân, sau khi báo Nông nghiệp Việt Nam nêu vụ việc ở Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho kiểm tra và xử lý, trong đó có nêu rõ 5 vấn đề và yêu cầu các huyện nơi thực hiện lạm thu trong nhân dân hoàn trả lại các nguồn thu không đúng quy định, pháp luật.

 

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Sáng nay trong giao ban báo chí, chúng tôi đã thông tin vấn đề này đến tất cả các cơ quan báo chí.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Về vấn đề lạm thu trong nhân dân, câu hỏi của báo chí là Bộ Tài chính có tham mưu gì để chấm dứt tình trạng lạm thu trong nhân dân.

Các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN đều được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, gồm các luật, pháp lệnh, nghị định và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

 

Các khoản thu phải nằm trong quy định của pháp luật, được quy định ở luật, pháp lệnh, nghị định thì mới được phép thu. Còn tổ chức, cá nhân nào thu ngoài quy định của pháp luật, đặt ra khoản thu thì đó là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ phải hoàn trả lại cho người nộp.

 

Các luật thuế, phí và lệ phí sẽ được rà soát. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết theo định kỳ, Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung kịp thời để công khai, minh bạch, rõ ràng để tổ chức và cá nhân biết và thực hiện.

 

Đối với khoản thuế, phí, lệ phí, hiện nay, trong chương trình kỳ họp tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã trình ra Quốc hội Luật Phí, lệ phí thay thế cho Pháp lệnh về phí và lệ phí và sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2015.

 

Tinh thần của Luật này là rà soát để bãi bỏ những khoản phí, lệ phí không hợp lý, không hợp lệ, chuyển các khoản mang tính chất giá sang cơ chế giá theo quy định của pháp luật về giá. Còn các khoản nào theo đúng tính chất của phí, lệ phí thì quy định rõ ràng trong Luật. Lần này, danh mục phí, lệ phí đưa vào dự thảo luật, công khai minh bạch cũng như sẽ quy định mức thu phí để các tổ chức, cá nhân thực hiện.

 

Đồng thời với quy định pháp luật và triển khai thực thi pháp luật như vậy, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát để thực hiện bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm minh, tránh lạm thu và thu không đúng quy định của pháp luật.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

PV báo CAND: Về kiến nghị giảm thuế nhập khẩu dầu diesel của Dung Quấtđược biết từ tháng 5 đến nay, họ đã có 10 văn bản kiến nghị. Xin cho biết hướng giải quyết như thế nào? Có giảm thuế cho họ không?Nếu giảm thì sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách như thế nào khi trong năm 2016 thuế nhập khẩu trong ASEAN sẽ về 0?
L
iên quan đến ưu đãi các nhà máy sản xuất ô tô thì Toyota đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990, họ cam kết t lệ nội địa hóa khá cao. Vào phiên họp Quốc hội tháng 6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có nói là do WTO và các FTA mà Việt Nam ký kết không còn điều khoản đảm bảo t lệ nội địa hóa nữa nên bỗng dưng các DN nước ngoài đầu tư vào mình đã nhận ưu đãi rồi và không phải làm gì để nội địa hóa cả. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có nói Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ tìm cách khuyến khích, kêu gọi DN nước ngoài tăng t lệ nội địa hóaXin hỏi phương án của hai bộ như thế nào?

 

Thứ trưởng  Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Về kiến nghị giảm thuế nhập khẩu của Dung Quất, Bộ Tài chính đã nhận được. Khi giá xăng dầu trên thế giới giảm và khi thực hiện các hiệp định thuế, đặc biệt là các hiệp định FTA và ATIGA, tức là hiệp định thuế áp dụng đối với các nước thành viên ASEAN, Việt Nam phải thực hiện cam kết và giảm thuế. Khi đó, chúng tôi cũng nhận được kiến nghị đối với Dung Quất đề nghị tiếp tục giảm thuế nhập khẩu. Trước đây báo chí đã nêu là đối với Dung Quất, nếu Bộ Tài chính không giảm thuế thì thậm chí Dung Quất có thể phải đình sản xuất và không sản xuất được. Bộ Tài chính đã giải thích trên báo chí và trả lời rất rõ ràng, đã tiếp thu các kiến nghị cũng như văn bản kiến nghị của Dung Quất. Bộ Tài chính đã xem xét và giảm thuế phù hợp; cho đến nay mức thuế NK hiện hành cũng đã được giảm. Chúng tôi cũng đã nhận được văn bản của Tập đoàn Dầu khí, văn bản của Dung Quất và đã có văn bản trả lời là trước mắt thuế NK đối với xăng và dầu diesel giữ như hiện hành để tiếp tục theo dõi. Nếu có tác động bất lợi tới Nhà máy Dung Quất và nếu thuế NK hiện hành tạo ra việc khách hàng sẽ chuyển sang mua xăng dầu nhập khẩu mà không mua xăng dầu của Dung Quất nữa thì Bộ Tài chính sẽ cùng với Bộ Công Thương theo dõi diễn biến. Còn hiện nay chúng tôi thấy với mức thuế NK như hiện hành, vẫn đảm bảo được sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Như chúng ta đã biết một DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trước hết phải chịu điều chỉnh của Luật Đầu tư nước ngoài, liên quan đến Bộ KH&ĐT, còn các quy định về thuế cũng như  về tài chính liên quan đến Bộ Tài chính. Về phía Bộ Công Thương hiện nay là đầu mối của Chính phủ về các hoạt động sản xuất kinh doanh trong công nghiệp, thương mại cũng như việc đàm phán với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt các vấn đề liên quan đến các hiệp định thương mại tự do FTA. Quan điểm của chúng tôi là những gì chúng ta đã cam kết thì chúng ta phải tôn trọng. Ngược lại những gì các DN cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã cam kết với chúng ta thì chúng ta cũng yêu cầu  họ phải tuân thủ những cam kết đó.

 

Vấn đề cụ thể như phóng viên đã nêu, chúng ta cũng đã có trao đổi, làm việc với các bộ, ngành liên quan, trực tiếp cụ thể là Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Tôi nghĩ rằng có những vấn đề cần phải có sự bàn luận, tham mưu cho các cấp để có thể có trả lời sớm nhất, đảm bảo cam kết của các bên, cũng như để cho các DN tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

 
Nhóm PV

 

Top