Hà Nội

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2010

(Chinhphu.vn) – Tại Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững.

06/11/2010 16:46

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2010 - Ảnh Chinhphu.vn

Chiều 6/10, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2010, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo với báo chí nội dung Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2010 ngày 6/10, trong đó nhấn mạnh  đến tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, giải pháp chỉ đạo điều hành những tháng cuối năm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững như thu ngân sách vượt kế hoạch, đảm bảo chi, tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu; các cán cân thanh toán tổng thể, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xây dựng cơ bản đều đảm bảo tốt.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2010 ước đạt 6,25 tỷ USD. Đến hết tháng 10/2010, ước tính có 14 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10/2010 ước đạt trên 72 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2009. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2010 ước đạt trên 1.280 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2009.

Đặc biệt Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ tính kịp thời và quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ khắc phục hậu quả lũ lụt tại Bắc và Nam Trung Bộ vừa qua. 

Với phương châm không để người dân nào bị đói, Chính phủ đã hỗ trợ kịp thời về vật chất, trong đó có 2 đợt hỗ trợ miền Trung 770 tỷ đồng và 14.000 tấn gạo. Chính phủ cũng  đã quyết định hỗ trợ đợt 3, tạm ứng 110 tỷ đồng, 3.500 tấn gạo hỗ trợ 3 tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ gần đây.

Một trong những vấn đề nổi cộm trong tháng 9, 10 là giá cả. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhiệm vụ hàng đầu từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung kiềm chế lạm phát, quyết liệt kiểm soát, bình ổn giá; chính quyền các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết.

Thông tin thêm cho báo chí về tình hình hiện nay của Vinashin, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay 8 cán bộ, lãnh đạo của Vinashin đã bị bắt giam.

Chúng ta đã bình tĩnh xử lý, để không vì sự việc này mà phủ nhận thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trong những năm qua; phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; làm giảm lòng tin đối với Đảng, Nhà nước.

Chính phủ đã có đề án tái cơ cấu Vinashin theo hướng tập trung vào lĩnh vực chính là đóng tàu và sửa chữa tàu biển, đào tạo công nhân cũng như những dịch vụ liên quan đến đóng và sửa chữa tàu biển.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin là Phó Thủ tướng Thường trực  Nguyễn Sinh Hùng cùng một số ngành chức năng, Vinashin bước đầu đã củng cố bộ máy tổ chức để khôi phục hoạt động. Vừa qua Vinashin đã bán được một số tàu, có những tàu lớn thu về trên 150 triệu USD. Từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giao những con tàu hiện đại trị giá trên 100 triệu USD.

Vinashin hiện có hàng nghìn công nhân kỹ thuật cao. Đến thời điểm này, vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, việc làm vẫn cơ bản ổn định.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, sự điều hành của Chính phủ và Ban Chỉ đạo trong thời gian tới vấn đề Vinashin tiếp tục được xử lý từng bước để Tập đoàn này đi vào hoạt động hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng. 

Kiều Liên

Top