Hà Nội

Hơn 3 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ Tư pháp, ước tính có khoảng hơn 3 triệu lượt ý kiến tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

22/09/2015 18:34

Ngày 22/9, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị khu vực phía Bắc góp ý dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng chủ trì hội nghị.

 

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ, thời gian qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều hoạt động lấy ý kiến nhân dân với nhiều hình thức đa dạng và ở nhiều cấp độ khác nhau, phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tiếp cận và góp ý vào dự thảo Bộ luật.

.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, qua tổng hợp báo cáo và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến thì ước tính có khoảng hơn 3 triệu lượt ý kiến tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật.

 

 Phó Chủ nhiệm VPCP Kiều Đình Thụ phát biểu tại Hội nghị

Nhìn chung, các ý kiến đánh giá dự thảo Bộ luật cơ bản đã thể chế hóa được những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về xây dựng, hoàn thiện pháp luật hình sự, cải cách tư pháp; phù hợp với Hiến pháp năm 2013; giải quyết được một số vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự, bổ sung những vấn đề mới phát sinh; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; có tính khái quát cao, bảo đảm tính minh bạch, khả thi và tính dự báo, có thể xử lý được tội phạm nảy sinh trong tình hình mới.

.

Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật vẫn còn một số quy định có nội dung chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Việc bổ sung quy định về một số loại tội phạm mới có điểm chưa phù hợp, chưa thực sự chặt chẽ. Vẫn còn nhiều khung khoản có quy định các tình tiết mang tính chất định tính cũng như quy định khoảng cách khung hình phạt quá lớn, nên chưa được khắc phục một cách cơ bản vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn hiện nay.

.

Trao đổi thẳng thắn

.

Điều hành việc lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ đề nghị các đại biểu trao đổi thẳng thắn trên tinh thần khách quan, dân chủ.

.

Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng dự thảo Báo cáo của Chính phủ được xây dựng khoa học dù có điều chỉnh so với đề cương, thể hiện sự nghiêm túc, tính toàn diện trong tổng hợp ý kiến nhân dân. “Có tổng quan, có trọng tâm, đồng thời cũng có “gút” lại từng vấn đề nổi cộm mới phát sinh sau khi lấy ý kiến nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt nhận định về dự thảo Báo cáo.

.

Cũng theo ông Lê Văn Hoạt, dự thảo Báo cáo cần trình bày cụ thể hơn về tỷ lệ các ý kiến khác nhau. Ví dụ tại Hà Nội, tỷ lệ đồng tình/không đồng tình của các địa phương về các phương án về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên gần như là 50/50, chênh lệch không đáng kể.

 

 Đại diện Liên đoàn Luật sư VN phát biểu

Góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo của Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng dự thảo Báo cáo cần giải thích cụ thể hơn về nhiều vấn đề. Đây cũng là quan điểm chung của nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo. Ví dụ, về việc xử lý hình sự với pháp nhân, có không ít ý kiến phản đối, nhưng theo Liên đoàn Luật sư, nhiều hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đều có cam kết nội dung này. Hoặc việc thay thế tội cố ý làm trái bằng các tội danh cụ thể khác trong từng lĩnh vực, cần gỉai thích rõ hơn kẻo dễ dẫn đến việc hiểu rằng sẽ “bỏ sót” các hành vi phạm tội này.

.

Đại diện tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Báo cáo bổ sung thêm phần đánh giá về sự phù hợp của dự thảo Bộ luật Hình sự với hệ thống pháp luật nói chung. Theo đại biểu này, có những điểm trong dự thảo Bộ luật chưa phù hợp với pháp luật hành chính, đặc biệt là nội dung về trách nhiệm hình sự với pháp nhân hay hình phạt tiền trong một số trường hợp.

.

Ngoài ra, từ thực tiễn công tác, các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho ý kiến vào từng quy định của dự thảo Bộ luật. Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội đề nghị, nếu cho phép chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù, dự thảo Luật cần quy định rõ bao nhiêu tiền thì chuyển thành một tháng tù. “Vì theo Hiến pháp, quyền của công dân chỉ có thể bị hạn chế bằng luật, nên việc này phải được quy định trong ngay Bộ luật Hình sự, không thể hướng dẫn bởi văn bản khác”, ông Sơn nói.

.

Cần giải thích rõ hơn tư tưởng xây dựng Luật

.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, dự thảo Báo cáo cần tập hợp đầy đủ, khách quan ý kiến của nhân dân. Đồng thời, cần nêu rõ hơn ý kiến của cơ quan soạn thảo, của Chính phủ về các vấn đề.

.

Phó Chủ nhiệm lấy ví dụ, tại sao đã có xử lý hành chính với pháp nhân rồi nay lại đề xuất xử lý hình sự với pháp nhân? Có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc xử lý hình sự pháp nhân với lý do có thể ảnh hưởng đến người lao động, nhưng việc xử lý hành chính bằng biện pháp giải thể pháp nhân cũng ảnh hưởng đến người lao động. Mặc dù xử lý hình sự theo quy trình tố tụng sẽ chậm hơn so với xử lý hành chính, nhưng lại hạn chế được việc xử lý oan do quy trình chặt chẽ.

.

Hoặc mặc dù đa số ý kiến đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, song theo dự thảo Báo cáo, Chính phủ đề nghị tiếp thu ý kiến giữ lại hình phạt tử hình với tội này nhưng cần quy định chặt chẽ điều kiện áp dụng.

.

“Ý kiến của Chính phủ không mang tính áp đặt, nhưng phải giải thích rõ để người dân và các đại biểu Quốc hội có thông tin đầy đủ về tư tưởng xây dựng luật của Chính phủ”, Phó Chủ nhiệm nói.

.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, cho đến chiều 21/9, Bộ mới nhận được báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của 18 bộ ngành, cơ quan Trung ương, 39 tỉnh thành, 20 cơ quan, tổ chức và 15 cá nhân. Bộ trưởng yêu cầu các bộ ngành, địa phương và cơ quan sớm gửi báo cáo về vấn đề này để Bộ tổng hợp, bảo đảm đầy đủ, khách quan, trung thực, chính xác ý kiến nhân dân, càng tỉ mỉ càng tốt.

.

Được biết, sau hội nghị này, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị khu vực phía Nam góp ý vào dự thảo Báo cáo của Chính phủ. Dự kiến đầu tháng 10, Chính phủ sẽ xem xét và thông qua Báo cáo để trình Quốc hội.

Ý kiến của nhân dân về 8 vấn đề lớn

.

Dự thảo Báo cáo cũng nêu rõ ý kiến của nhân dân về 8 vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến.

.

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Bộ luật về việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật Hình sự và cho rằng đây là một trong các nội dung mang tính đột phá, thể hiện sự đổi mới nhận thức trong việc sửa đổi Bộ luật lần này. Việc bổ sung này vào thời điểm hiện nay là cần thiết và đúng lúc.

.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, đa số ý kiến đồng tình với phương án 1, theo đó người chưa thành niên chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội danh cụ thể. Đa số ý kiến cũng cho rằng việc bổ sung quy định về biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng với người chưa thành niên phạm tội như trong dự thảo Bộ luật là cần thiết, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự.

.

Đa số ý kiến cũng tán thành với phương án bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh cũng như hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; tán thành với quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình vì một số tội (sản xuất, buôn bán thuốc giả; tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ) nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Đa số ý kiến cũng đồng tình với quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm; quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên.

.

Đa số ý kiến tán thành việc bổ sung cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù có thời hạn.

.

Về hình phạt trục xuất, đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, theo đó hình phạt trục xuất có thể áp dụng vừa là hình phạt chính, có thể là hình phạt bổ sung.

.

Cũng nhận được đa số ý kiến đồng tình là các nội dung: Thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế; bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng; bãi bỏ một số tội phạm như tảo hôn, kinh doanh trái phép và bổ sung một số tội danh mới.

.

Tuy nhiên, theo dự thảo Báo cáo, mỗi vấn đề trọng tâm lấy ý kiến luôn có các loại ý kiến khác nhau, các ý kiến rất đa dạng, nhiều chiều. Chẳng hạn, với quy định không thi hành án tử hình với một số trường hợp, có ý kiến cho rằng điều này ở khía cạnh nào đó sẽ dễ dẫn đến cách hiểu là “dùng tiền để thoát án tử hình”.

.

Không chỉ đưa ra quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình, các ý kiến đóng góp của nhân dân còn đưa ra các kiến nghị với từng vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, đa số đồng tình với phương án bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, đồng thời đề nghị nếu có quy định hình phạt chung thân không giảm án thì nên rà soát thì bỏ thêm hình phạt tử hình với một số tội phạm nữa.

.
 
Bài và ảnh: Thành Đạt
.
Top