Hà Nội

Hội nghị bàn về Hệ thống truyền hình điện tử đa phương tiện phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ

(Cổng TTĐT Chính phủ) - Giao ban truyền hình trực tuyến trên mạng tin học vừa giải quyết công việc nhanh, hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí, đó là điều mà các đại biểu là lãnh đạo các Bộ, lãnh đạo một số đơn vị tin học, công nghệ thông tin đều nhất trí tại hội nghị cho ý kiến lần cuối về Đề án xây dựng Hệ thống truyền hình điện tử đa phương tiện giữa trụ sở Chính phủ với các Bộ, địa phương do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 4/7, tại Hà Nội.

04/07/2008 15:40

Cuộc giao ban trực tuyến của Thủ tướng với các Bộ, ngành và 8 tỉnh, thành ở cả 3 miền đất nước ngày 27/4/2008 đã chặn đứng cơn sốt ảo giá gạo - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Một Đề án hiệu quả

Nhằm nâng cao hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo hạn chế tổ chức hội họp tập trung toàn quốc theo cách truyền thống mà tăng cường họp, hội nghị thông qua hình thức truyền hình trực tuyến từ xa, bằng cách tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Giải pháp trên nhằm tiết kiệm chi phí hội họp, tránh tiêu tốn thời gian trong quá trình đi lại nên rất có ý nghĩa trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tiết kiệm tối đa chi phí hội họp, nhằm kiềm chế lạm phát.

Hệ thống truyền hình điện tử đa phương tiện giữa trụ sở Chính phủ với các Bộ, địa phương dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, do Trung tâm Tin học VPCP chủ trì, phối hợp với Cục Bưu điện Trung ương và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo ra xung lực thúc đẩy nền hành chính điện tử của nước nhà phát triển.

Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Quốc Toản: Hệ thống có thể đáp ứng về kỹ thuật cho bất kỳ cuộc họp nào của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

TS. Nguyễn Công Hóa, Phó Tổng Biên tập Cổng TTĐT Chính phủ, đồng thời là Giám đốc Trung tâm tin học VPCP - đơn vị chủ trì xây dựng Hệ thống cho biết: Qua hơn 10 tháng thử nghiệm (từ tháng 8/2007 đến 5/2008) với hàng loạt các cuộc truyền hình trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, mà nổi bật nhất là cuộc giao ban truyền hình trực tuyến của Thủ tướng với các Bộ, ngành và 8 tỉnh, thành ở cả 3 miền đất nước ngày 27/4 - cuộc họp chặn đứng ngay cơn sốt ảo giá gạo - đã khẳng định hiệu quả của Hệ thống trong phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Từ thực tế hoạt động thử nghiệm đó, ngay từ tháng 11/2007, VPCP đã đưa Hệ thống vào hoạt động phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng với hơn 10 cuộc họp trực tuyến thẳng tới trụ sở UBND các tỉnh, Bộ, ngành thực hiện thành công.

Hầu hết các đại biểu khẳng định: Giao ban truyền hình trực tuyến trên mạng tin học bảo đảm giải quyết công việc nhanh, hiệu quả, tiết kiệm chi phí - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Quốc Toản nhận xét: Về mặt kỹ thuật, Hệ thống có thể đáp ứng cho bất kỳ cuộc họp nào của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương cũng như phục vụ tốt cho hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao ban hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Chuẩn bị kỹ lưỡng việc triển khai đầu tư Hệ thống

TS. Nguyễn Công Hóa cho biết, kể từ khi xây dựng, thử nghiệm đến nay, Hệ thống hoạt động chủ yếu trên cơ sở những thiết bị, máy móc sẵn có và dựa trên hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng truyền số liệu chuyên dùng của Viettel, VNT... mà chưa phải đầu tư, cho nên đã tiết kiệm tối đa chi phí.

TS. Nguyễn Công Hóa: Kể từ khi xây dựng, thử nghiệm đến nay, Hệ thống hoạt động chủ yếu trên cơ sở những thiết bị, máy móc sẵn có - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Quốc Toản cho biết, hội nghị này nhằm mục đích làm rõ hơn một số vấn đề về nhu cầu phát triển từng giai đoạn trước khi trình Thủ tướng với tinh thần hiệu quả, tiết kiệm.

Hệ thống sẽ được đầu tư theo phân cấp. Theo đó, VPCP sẽ triển khai đầu tư nút trung tâm tại 6 điểm (5 phòng họp tại trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và 1 điểm tại Cổng TTĐT Chính phủ). Các Bộ, địa phương đầu tư thiết bị tùy theo khả năng để tích hợp và bảo đảm sẵn sàng kết nối với Hệ thống khi Thủ tướng, các Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai giao ban trực tuyến. Kết quả của hội nghị sẽ được tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho đầu tư triển khai Hệ thống truyền hình điện tử đa phương tiện giữa trụ sở Chính phủ với các Bộ, địa phương.

Ý kiến một số đại biểu:

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng: Hệ thống làm giảm các cuộc họp mang tính toàn quốc, đồng thời nâng cao hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng: Với tính hiệu quả của Hệ thống, thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai áp dụng hệ thống truyền hình trực tuyến đa phương tiện, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hình thức này. Đối với các hội nghị toàn quốc, nên thực hiện ở một số điểm đầu cầu truyền hình trực tuyến nhất định để tăng tính hiệu quả.

Thiếu tướng Lê Văn Lợi, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Công an: "Tôi hoàn toàn ủng hộ Đề án này; riêng chi phí đi lại, ăn ở, mỗi hội nghị toàn quốc với khoảng 200 đại biểu cũng tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng và tiết kiệm rất nhiều thời gian".

Văn Hiến - Nguyễn Hoàng

Top