Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

23/06/2020 19:30

Phó Thủ tướng Thường trực tiếp Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn TTI

Chiều 23/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Techonic Industries (TTI).

TTI là một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng của thế giới về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu.

Phó Chủ tịch Tập đoàn TTI, ông Nate Easter cho biết, giai đoạn vừa qua, TTI có quá trình phát triển tốt và bền vững. Ước tính doanh thu của Tập đoàn trong năm 2020 là trên 9 tỷ USD. TTI hiện có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Mỹ, châu Âu và đang xúc tiến triển khai trung tâm R&D lớn nhất tại Việt Nam. Những sản phẩm thiết bị công cụ kết nối không dây của TTI chiếm 35% thị phần toàn cầu.

Năm 2018, TTI đã đầu tư vào tỉnh Bình Dương và tạo việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động địa phương. TTI chuẩn bị đầu tư thêm 650 triệu USD vào các nhà máy thiết bị điện không dây trong Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ hoàn tất xây dựng vào quý III/2021. Bên cạnh đó, TTI cũng triển khai dự án xây dựng trung tâm R&D với kế hoạch thu hút khoảng 2.000 kỹ sư và chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ chế tạo. Tập đoàn đã làm việc với các trường đại học để cung cấp thông tin cho sinh viên, tìm kiếm sinh viên giỏi, cử cán bộ chuyên làm việc với các trường đại học để tìm kiếm, đào tạo nhân lực cho TTI.

Với kế hoạch đầu tư dài hạn, TTI mong muốn đóng góp và đồng hành với sự phát triển công nghiệp, công nghệ cao của Việt Nam, trong đó có việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa. TTI kỳ vọng trong 2 năm tới, thu hút khoảng 180-200 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho TTI, với mục tiêu đạt khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm, tỷ lệ cung ứng nội địa lên đến 60% trong năm 2020 và 80% vào năm 2021.

Để sớm đưa các dự án đi vào hoạt động, Phó Chủ tịch điều hành TTI mong muốn Chính phủ hỗ trợ Tập đoàn trong việc chấp thuận, xúc tiến đầu tư tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho hưởng quy chế luồng xanh trong hoạt động xuất khẩu, chấp thuận cho các chuyên gia, kỹ sư tiên tiến nhập cảnh Việt Nam để hỗ trợ phát triển các dòng sản phẩm công nghệ hiện đại; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cung ứng để thúc đẩy quá trình nội địa hóa chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như hỗ trợ về tài chính, đất đai, nhà xưởng cho các nhà cung ứng nội địa để có thể đầu tư, xây dựng nhà máy gần TTI, thuận tiện cho việc vận chuyển, cung ứng các sản phẩm phụ trợ.

Đánh giá cao trình độ công nghệ và năng lực của TTI, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; đồng thời luôn quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Bày tỏ sự ủng hộ của Chính phủ đối với dự án của TTI, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết sẽ giao cho Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh xử lý các vấn đề liên quan đến dự án trong Khu công nghệ cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với ngành Hải quan xử lý vấn đề về thông quan hàng hóa qua luồng xanh.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều trường đại học, có thể đáp ứng được nguồn nhân lực cho dự án như Đại học Việt Đức, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số đại học khác có chuyên ngành đào tạo liên quan. Chính phủ cũng đã có chủ trương tiếp nhận các chuyên gia kỹ thuật, quản lý nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp để xem xét xử lý các đề xuất của doanh nghiệp.

Nhấn mạnh Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước trong việc phát triển chuỗi cung ứng, công nghiệp hỗ trợ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, đây cũng là chủ trương của Chính phủ Việt Nam. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn TTI với vị thế là một trong các doanh nghiệp lớn, dẫn đầu trong chuỗi cung ứng, tích cực phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương Việt nam trong việc xúc tiến, thu hút đầu tư, thương mại để ngày càng nhiều doanh nghiệp phụ trợ, cung ứng sản xuất đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh; đồng thời hỗ trợ, ủng hộ để các doanh nghiệp Việt Nam được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của TTI.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thêm các chính sách phù hợp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phó Thủ tướng cũng mong Tập đoàn có sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc cử tri

Ngày 23/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp xúc cử tri huyện Phú Bình, Thái Nguyên.

Phó Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Quốc hội đã thống nhất cao với Chính phủ tập trung ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho các dự án, chương trình lớn có tác động lan tỏa như một số dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, Quốc hội đã nhất trí thông qua việc chuyển đổi 3 trong 8 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư bằng nguồn ngân sách.

Việc chuyển đổi hình thức đầu tư là cần thiết và cấp bách nhằm sớm giải quyết nhu cầu giao thông lớn để kết nối với cửa ngõ các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả nước như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời các dự án thành phần này đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong khi khó huy động theo hình thức đối tác công tư như dự định ban đầu.

Đối với Chương trình mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay Chính phủ đã tập trung xây dựng chương trình trong 6 tháng với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 (2020 - 2025) trên 137.000 tỷ đồng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc vốn còn nhiều khó khăn.

Để huy động vốn cho chương trình, Chính phủ cũng phải tính cả đến giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế và vốn xã hội hóa với mục tiêu là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về tình hình kinh tế - xã hội, trong bối cảnh thế giới bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng cho biết, đất nước vẫn đạt được những kết quả tích cực, với mức tăng trưởng khoảng 3% trong 6 tháng đầu năm, trong khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm. Đại diện các tổ chức quốc tế trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tin tưởng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trên 4% trong năm nay.

Với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thậm chí ADB còn cho rằng đó là thành tựu vượt bậc của Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế đầu tiên trở lại trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh việc tập trung kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam cũng đã hỗ trợ kịp thời các nước láng giềng, thành viên ASEAN cũng như các đối tác khác, qua đó góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong lúc khó khăn, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Về đối ngoại, khi dịch COVID-19 mới bùng phát, trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ, Việt Nam đã đáp ứng tất cả các sáng kiến và đề nghị của các nước, vận dụng sáng tạo các luật lệ, thông lệ của HĐBA, thúc đẩy việc xây dựng đồng thuận để ra được các quyết định kịp thời. 

Đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐBA ngay tháng mở đầu năm kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương LHQ, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề ưu tiên trong tháng là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Sáng kiến được đưa ra nhằm góp phần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Đặc biệt, với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã sớm chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác để ứng phó với dịch bệnh.

Nổi bật là ngày 14/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN sau khi tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Hội đồng Điều phối ASEAN, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 20/2 và sáng 9/4 đã tổ chức 2 phiên họp để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các Đối tác để ứng phó dịch bệnh.

Mặt khác, các cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN 3) đã được khởi động. Ngày 20/2, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã ra Tuyên bố của Hội nghị về COVID-19.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ trì thành lập và triệu tập họp Nhóm công tác liên ngành thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE); đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 14/4, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN 3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh và là biện pháp cần thiết, được xem là cơ hội để ASEAN thể hiện những nỗ lực vượt ra ngoài dịch COVID-19.

Lãnh đạo và thành viên Chính phủ cũng đã có nhiều cuộc điện đàm với người đồng cấp các nước, đối tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19, thảo luận các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thương mại và bảo hộ công dân, thúc đẩy quan hệ song phương trong giai đoạn hậu COVID-19.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững

Chiều 23/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực bền bỉ, tư duy sáng tạo, tinh thần chủ động của VBCSD trong nhiều năm qua, đồng thời đề nghị Hội đồng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa những lợi thế đang có, tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp bền vững.

Theo Phó Thủ tướng, nhiều DN vẫn đang phát triển bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn, giảm khí thải, tham gia các hoạt động xã hội… nhưng chưa ý thức được trách nhiệm phải lan toả những điều tốt đẹp. Đây là công việc đòi hỏi phải rất kiên trì. Bởi ngoài những lo toan đời thường thì không ai không mong muốn hướng tới những điều tốt đẹp.

Tất cả mọi chính sách của Chính phủ đều hướng tới phát triển bền vững, để các DN phát triển bền vững. Từ những thành công trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua cho thấy chúng ta muốn vượt qua những thách thức lớn thì phải có sự chung sức, đồng lòng trong toàn xã hội. Đối với các DN phát triển bền vững cũng vậy, để lan toả những giá trị này thì quan trọng nhất là phải đồng lòng từ câu chuyện bảo vệ môi trường đến tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến con người.

Trong thời gian tới, để lan toả mạnh mẽ hơn các giá trị phát triển bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị VCCI xây dựng các bộ tiêu chí phát triển bền vững để tất cả 150.000 DN thành viên tự đánh giá chứ không nhất thiết phải tham gia vào VBCSD. Các giải thưởng, hoạt đọng tôn vinh DN cần được lồng ghép tiêu chí phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa của việc kết nối hỗ trợ, lan toả những giá trị phát triển bền vững nhiều nhất có thể chứ không nhất thiết cứ phải mở rộng mạng lưới. Muốn vậy, những giá trị, hoạt động phát triển bền vững phải dễ hiểu để mọi DN đều có thể tham gia, thực hiện.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết năm 2020 đánh dấu 10 năm hoạt động của VBCSD, với nhiều thành tựu nổi bật trong công tác thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp. Vừa qua, VBCSD đã tổ chức thành công kỳ họp Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2023.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2017-2020, Hội đồng đã đẩy mạnh hoạt động quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững và áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI); thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững thông qua các diễn đàn, hội nghị; triển khai mạnh mẽ các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, năng lượng bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới kinh doanh bền vững, v.v.

VBCSD cũng đã kiến nghị hàng loạt chính sách liên quan đến phát triển bền vững doanh nghiệp. Cùng với đó là nhiều chương trình, hoạt động trên bốn trụ cột cốt lõi của VBCSD bao gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức, nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế.

Vừa qua, VBCSD đã tổ chức thành công kỳ họp Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020 – 2023, đề ra một số mục tiêu cụ thể, tập trung nguồn lực thực hiện: Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn; Hỗ trợ các mô hình hợp tác công tư trong phát triển bền vững; Hoàn thiện tiêu chuẩn viết báo cáo bền vững của Việt Nam dựa trên Bộ chỉ số CSI; Kiến nghị chính sách giúp xây dựng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho kinh doanh bền vững.

Không chỉ thực hiện theo các chỉ số phát triển bền vững, nhiều DN lớn đã chú ý chia sẻ quan điểm, phương thức phát triển bền vững với các DN, khách hàng trong chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu thụ của DN./.

Top