Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 6/1/2019

06/01/2020 18:53

Phó Thủ tướng Thường trực làm việc tại Bộ Công Thương

Ngày 6/1, tại Bộ Công Thương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo chỉ rõ: Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh PCTN cần tiếp tục kiên trì, kiên quyết, trên tinh thần “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh PCTN, giữ vững niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế, chính sách về quản lý KT-XH trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, “tham nhũng vặt” đã và đang được chỉ đạo xử lý nghiêm, song chuyển biến còn chậm.

Riêng với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho rằng, đây là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phạm vi rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Sự phát triển của ngành công thương cũng chính là sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, lĩnh vực công thương đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã xảy ra không ít sự việc ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, uy tín của ngành công thương, nhất là tình trạng một số dự án lớn bị thua lỗ, kém hiệu quả, hoạt động quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

“Qua cuộc kiểm tra lần trước, Đoàn kiểm tra và Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã thống nhất nhận diện nhiều hạn chế, bất cập trong công tác PCTN của Bộ, phân tích rõ nguyên nhân. Theo đó, Đoàn kiểm tra đã có kiến nghị 10 điểm rất cụ thể đối với Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Thông qua việc kiểm tra lần này, Đoàn kiểm tra tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện, kết quả công tác PCTN, nhất là phát huy ưu điểm, phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân. Từ đó, có biện pháp chủ động chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN tại Bộ Công Thương nói riêng và cả nước nói chung.

 

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự chương trình Tết vì người nghèo

Chiều 6/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tham dự chương trình Tết vì người nghèo, Tết sum vầy tại tỉnh Tây Ninh.

Gửi lời thăm hỏi của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới các đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm tới người nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng dễ tổn thương trong xã hội và thực hiện chính sách nhân đạo, bảo đảm quyền lợi, chăm lo cho công nhân, người lao động.

Thông báo tới các công nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Phó Thủ tướng cho biết năm 2019 đất nước đã đạt được nhiều thành quả nổi bật về kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Trong thành công đó, có sự đóng góp to lớn của đội ngũ công nhân, người lao động trong các nhà xưởng, khu công nghiệp.

"Trong cuộc sống nhiều lo toan, nhất là lúc Tết đến Xuân về, tôi thấu hiểu có những trường hợp người công nhân, người lao động không chỉ tất tả, gom góp tiền lương gửi về gia đình mà còn lo lắng tới những chuyến xe để về quê", Phó Thủ tương Vương Đình Huệ bày tỏ và đánh giá cao ý nghĩa của Phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, Tết sum vầy của các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Mật trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hay các chương trình thiện nguyện của nhiều doanh nghiệp, cá nhân mỗi dịp Xuân về.

Không chỉ dành cho công nhân những món quà Tết, Chương trình còn là sự chia sẻ nghĩa tình của các cơ quan, các nhà tài trợ với gia đình chính sách, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Hiện tỉnh có hơn 9.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đa phần những nạn nhân này cần có sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền Tây Ninh trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là lời kêu gọi của Thủ tướng “Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau” khi Tây Ninh là một trong 5 tỉnh, thành phố có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất trong cả nước (sau Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai, TPHCM).

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, duy trì xây dựng nông thôn mới, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn.

Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền phải tổ chức tốt Tết Canh Tý, để mọi nhà đều có Tết, đều được chăm lo, nhất là những gia đình người có công với cách mạng và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

“Không khí đầm ấm của ngày Tết tràn ngập yêu thương ở đây hôm nay sẽ lan tỏa tới các gia đình, chúng ta sẽ cùng nhau đón một cái Tết vui vẻ, tràn ngập tình yêu thương và hạnh phúc”, Phó Thủ tướng tin tưởng chia sẻ.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự hội nghị triển khai nhiệm vụ của PVN

Chiều 6/1, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng Hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, năm 2019, trong kết quả chung của cả nước có sự đóng góp quan trọng của ngành dầu khí nói chung, Tập đoàn PVN nói riêng.

Tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với khát vọng và nhiệt huyết; với truyền thống đoàn kết vượt mọi khó khăn, thách thức, tập thể lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành dầu khí Việt Nam, Tập đoàn PVN đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

PVN và các đơn vị thành viên đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt ở các chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, chế biến dầu khí và các chỉ tiêu tài chính.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, ngành dầu khí, Tập đoàn PVN vẫn còn những khó khăn, thách thức, những mặt tồn tại, hạn chế thách thức rất lớn, đòi hỏi phải nỗ lực để khắc phục có hiệu quả.

"Đối với những khó khăn, vướng mắc, Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành và chia sẻ với ngành để có những giải pháp tháo gỡ, tìm hướng đi để phát triển", Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển đất nước trong thời gian tới đặt ra là phải phát triển nhanh và bền vững; cùng với đó phải tái cấu trúc lại nền kinh tế, trong đó có ngành dầu khí.

"Đối với ngành dầu khí, yêu cầu đặt ra là phải trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đồng thời xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.

Về phương hướng nhiệm vụ, Phó Thủ tướng đề nghị ngành dầu khí vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả các dự án, công trình dầu khí, phấn đấu kế hoạch năm 2020 phải thực hiện cao hơn kết quả đạt được trong năm 2019.

Ngành tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí để duy trì sản lượng và gia tăng trữ lượng dầu khí, phát triển mạnh ngành công nghiệp khí.

Phó Thủ tướng yêu cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm ngành dầu khí; các dự án khí Lô B, Cá voi xanh, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu, khí đốt và cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo đảm đáp ứng đủ điện cho nhu cầu của đất nước. Cơ bản hoàn thành giải quyết các dự án khó khăn ngành dầu khí, đưa vào vận hành các công trình Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1...

Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm và thực hiện các giải pháp đồng bộ, căn cơ.

"Trong đó, tập trung hoàn hiện Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam trên cơ sở tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực; tái cấu trúc về đầu tư, quản trị doanh nghiệp hiện đại, xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng,...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời gợi mở ngành cần tận dụng nguồn lực nội tại cũng như tăng cường thu hút nguồn vốn, hợp tác quốc tế; lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư bảo đảm về tiến độ, hiệu quả và nhất là phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Tập đoàn đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, cần có giải pháp ứng dụng cho phát triển bền vững ngành dầu khí, tạo sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Ngành chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khác trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, ngành dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, phát huy truyền thống vẻ vang của mình, tạo ra nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong hoạt động của ngành, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước./.

Top