Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 28/11

28/11/2020 20:29

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự Đại hội Hội Luật quốc tế Việt Nam

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Hội Luật quốc tế Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương và đông đảo hội viên.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình bày tỏ vui mừng đến dự Đại hội Nhiệm kỳ II, Hội Luật quốc tế Việt Nam - sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của cộng đồng các học giả, các nhà quản lý và thực hành pháp luật quốc tế, cũng như những người quan tâm đến môn khoa học pháp lý chuyên ngành này của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Sau 30 năm đổi mới, nhất là sự mở cửa và tham gia vào sân chơi quốc tế của đất nước cùng với việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, đất nước ta ngày càng phát triển, có độ mở lớn, tham gia vào nhiều định chế quốc tế, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, uy tín, vị thế quốc tế của đất nước không ngừng được nâng lên. Theo đó, chúng ta cùng thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế trong hội nhập quốc tế. Vì vậy, sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng đông đảo của giới nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế Việt Nam nói riêng và của đất nước nói chung, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Do đó, việc thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam tuy muộn nhưng đã cho thấy sự bắt nhịp với xu hướng phát triển của các hội luật quốc tế của nhiều nước, khu vực trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, tiếng nói khoa học - pháp lý của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học pháp lý quốc tế nói chung vì mục tiêu hòa bình, công lý, hữu nghị và phát triển của đất nước và cộng đồng quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, tình hình thế giới có nhiều thay đổi khó lường, căng thẳng địa - chính trị, tranh chấp thương mại, đầu tư... ngày càng tăng lên, cùng với sự phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, nhưng với những thành viên nhiệt huyết, sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội Luật quốc tế Việt Nam - một Hội non trẻ mới được thành lập gần 5 năm - đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực.

Hội đã hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và lĩnh vực hoạt động của mình; đã khẳng định và nâng cao uy tín, vị thế của Hội trong các vấn đề pháp lý quốc tế. Đã quy tụ, tập hợp được đông đảo các học giả, các nhà quản lý và thực hành pháp luật quốc tế, phát huy thế mạnh chuyên môn của các hội viên, bước đầu xây dựng quan điểm của các học giả Việt Nam về vấn đề Biển Đông, an ninh phi truyền thống, tranh chấp kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế... qua đó, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước ủng hộ lập trường chính nghĩa của chúng ta.

Hội đã góp phần quan trọng vào việc phát triển khoa học pháp lý quốc tế tại Việt Nam thông qua việc xuất bản ấn phẩm đầu tiên của Hội về “Luật quốc tế và những vấn đề thực tại Việt Nam”. Hội cũng đã đưa được nhiều hoạt động nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế về Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó đáng lưu ý là thành viên Hội đã được lựa chọn để tham gia vào các cơ quan nghiên cứu pháp luật quốc tế và tài phán quốc tế của Liên Hợp Quốc.

Thông qua hoạt động nghiên cứu, tọa đàm, đặc biệt trong việc tổ chức nhiều vòng thi phiên tòa giả định về đầu tư, kinh doanh quốc tế, Luật Biển, Luật Nhân đạo quốc tế, trong các năm 2018, 2019, 2020 với nhiều giải thưởng quốc tế, Hội không chỉ giúp các thế hệ sinh viên trẻ Việt Nam có cơ hội cọ xát, nâng cao kỹ năng tranh tụng tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế, mà còn là bước góp phần bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ luật gia, luật sư quốc tế của Việt Nam am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, cũng như khả năng làm việc trong môi trường quốc tế cho giai đoạn hội nhập quốc tế sắp tới, trong đó có các thành viên của Hội được cử làm Trọng tài viên Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA).

Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ: Thế giới đang phải đối diện với những thách thức khó lường, đại dịch COVID-19 đã làm cho những thách thức này trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn, trong khi đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi phương thức sản xuất của thế giới, đồng thời tạo ra những nguồn tài nguyên mới (tài nguyên số, của cải số) trong một thế giới ngày càng phẳng hơn. Đất nước nào tận dụng được cơ hội sẽ vượt lên, vươn lên. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, ổn định giữa các quốc gia đang chịu tác động mạnh mẽ trước những thách thức to lớn đó, luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu ngày càng đóng vai trò quan trọng và trở thành yếu tố then chốt trong hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia, cũng như duy trì trật tự trong quan hệ quốc tế.

Nhân dịp Đại hội lần thứ II của Hội Luật quốc tế Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình mong muốn Hội Luật quốc tế Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích và lĩnh vực hoạt động của mình, đóng góp thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước, bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như hòa mình vào sự phát triển chung của cộng đồng pháp luật quốc tế.

Phó Thủ tướng đề nghị Hội cần làm tốt một số nhiệm vụ, trước hết là tuyên truyền, phổ biến lan tỏa ý thức và hiểu biết về pháp luật quốc tế trong các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và tích cực tham gia xây dựng quan điểm của Việt Nam tại các thiết chế pháp lý quốc tế thông qua những hội viên và các hoạt động khoa học của Hội.

Tăng cường tham gia sâu hơn vào các hoạt động xây dựng chính sách, đường lối phát triển của đất nước để đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và xu hướng phát triển của nền pháp lý quốc tế.

Hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình trong các vấn đề quốc tế, nhất là tại các cơ quan tài phán quốc tế.

“Nước ta đang hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều điều ước, cam kết quốc tế, rất cần những tổ chức quốc tế như là Hội Luật quốc tế Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi của đất nước. Nếu chúng ta có những chuyên gia giỏi tham gia vào các tổ chức quốc tế sẽ phát huy tốt, vừa nâng cao vừa bảo vệ quyền, lợi ích đất nước. Đồng thời, làm tốt công tác tư vấn cho Chính phủ trong hội nhập quốc tế, xây dựng các khung khổ pháp lý, tham gia tư vấn cho Chính phủ trong giải quyết vấn đề tranh chấp quốc tế”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ tin tưởng, với đội ngũ chuyên gia ngày nay đã trải qua thời gian dài cọ xát, được đào tạo ở trong nước và nước ngoài, hoạt động trong các tổ chức, nâng cao trình độ tham gia vào các hoạt động quốc tế, nâng cao trình độ cọ xát với thực tiễn, tự nghiên cứu, rèn luyện, phấn đấu trau dồi kiến thức, kỹ năng, chúng ta sẽ có đội ngũ chuyên gia giỏi đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thông qua hoạt động luật quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đất nước, của công dân Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị du lịch toàn quốc

Ngày 28/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch dự Hội nghị du lịch toàn quốc 2020 được tổ chức tại Quảng Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành du lịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về lượng và chất, kể từ hội nghị du lịch toàn quốc lần đầu tiên vào tháng 8/2016 cũng tại Quảng Nam.

Từng khâu trong du lịch như xúc tiến, quảng bá, thủ tục xuất nhập cảnh, hàng không, giao thông, cơ sở hạ tầng, sản phẩm, nhân lực du lịch, môi trường văn hoá xã hội, thái độ của người dân… rõ ràng có bước tiến rất lớn. Điều đặc biệt ấn tượng là sự tăng trưởng mạnh mẽ năng lực của ngành du lịch, xét về yếu tố hạ tầng và sản phẩm, khi hàng loạt DN, tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào du lịch. Từ các khách sạn, khu vui chơi, dịch vụ du lịch lớn đến nay ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những tổ hợp, khu phức hợp về du lịch có quy mô, đẳng cấp quốc tế.

Để làm được điều này, cùng với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, vai trò của các DN trong thời gian vừa qua có tính quyết định. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự tham gia của người dân từ việc tạo kiều kiện cho xây dựng các công trình phục vụ du lịch đến phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là thái độ thân thiện, cởi mở, mến khách, góp những nụ cười cho du lịch Việt Nam.

Phó Thủ tướng gửi lời cám ơn trân trọng đến mọi người dân, cộng đồng DN, sự nỗ lực của chính quyền các địa phương các cấp đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, đưa ngành du lịch Việt Nam hoàn thành và vượt cơ bản tất cả các mục tiêu đặt ra trong cả nhiệm kỳ vừa qua.

Mặc dù chất lượng, hiệu quả du lịch được nâng lên một bước lớn, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng những kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Những số liệu thống kê về du lịch mới tập trung vào số lượt khách, doanh thu… thể hiện thực tế  ngành du lịch chưa đi sâu vào đánh giá, lượng hoá tiêu chí chất lượng cho dù đã có những tiến bộ nhất định trong việc tăng thời gian lưu trú, chi tiêu cho du khách.

Ngành du lịch tiếp tục phải nhận thức những bất cập vẫn tồn tại về môi trường văn hoá, xã hội, những nỗi sợ của du khách như văn hoá giao thông, môi trường điểm đến, vệ sinh an toàn thực phẩm… để chú ý khắc phục.

Thời gian qua ngành du lịch, các địa phương, DN đã có những tiến bộ trong thực hiện chuyển đổi số nhưng Phó Thủ tướng đánh giá việc triển khai vẫn còn chậm, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn bởi du lịch là ngành cần thiết và có điều kiện chuyển đổi số rất nhanh.

Nhiều dịch vụ du lịch dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ở Việt Nam đa phần đang do các DN nước ngoài đầu tư, phát triển. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, DN du lịch cần tham gia tích cực vào các chương trình tạo ra những nền tảng số dùng chung cho ngành du lịch và toàn xã hội.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ trước đây Bộ VHTT&DL, các địa phương không nắm được đầy đủ tất cả các cơ sở khách sạn, lưu trú trên cả nước, chưa kể là các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí… cho du khách. Đến nay, để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã lập được danh sách hơn 80.000 khách sạn, cơ sở lưu trú trên toàn quốc. Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch, các địa phương phải chỉ đạo những cơ sở này khẩn trương cập nhật thông tin thành một cơ sở dữ liệu chung. Các di sản văn hoá, thắng cảnh du lịch, cổ vật, hiện vật trong bảo tàng… cũng phải được số hoá trở thành nguồn tài nguyên chung phục vụ phát triển du lịch.

Dựa trên các nền tảng số, du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu trước khi có quyết định đặt phòng, đăng ký tour không chỉ với các DN du lịch lớn mà nhà hàng, cơ sở lưu trú nhỏ, từng sản phẩm, dịch vụ du lịch… Làm sao để người dân chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử…

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu ba vấn đề mà ngành du lịch cần tập trung đẩy mạnh.

 

Thứ nhất là phải đảm bảo chất lượng du lịch ở tất cả các phân khúc. Thực tế cho thấy những cơ sở kinh doanh lớn, cao cấp rất chú ý đến chất lượng nhưng chất lượng những cơ sở ở phân khúc thấp hơn lại không được nâng lên, thậm chí có ý kiến nhận định là đi xuống.

Thứ hai là yêu cầu tái cơ cấu thị trường khách du lịch nước ngoài, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhằm khắc phục tình trạng bị động, thiếu định hướng trong phát triển thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các DN du lịch cần quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, “làm sao để người Việt Nam được trải nghiệm những sản phẩm du lịch cao cấp mà trước đây thường dành cho khách nước ngoài”.

Thứ ba, phát triển du lịch trước hết phải đảm bảo an toàn. Phó Thủ tướng nhắc lại bài học Đà Nẵng và cho rằng “trong lúc này, với thị trường trong nước, các DN du lịch cố gắng cùng nhau vượt qua, đồng thời tự làm mới mình, khắc phục những bất cập, hạn chế vốn đã được nhận diện nhưng chưa có thời gian, điều kiện thực hiện”.

Đánh giá cao sáng kiến liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với các vùng trong cả nước, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương cần chú ý hơn nữa đến khắc phục bất cập, hạn chế trong phối hợp, kết hợp phát triển du lịch, không chỉ giữa địa phương với nhau mà còn giữa các ngành, các DN, giữa cơ quan nhà nước với DN, cơ quan nhà nước với cộng đồng…

“Nếu kết nối, phối hợp tốt, chúng ta có thể làm được những việc tưởng chừng không làm được và nhiều nước tưởng rằng rất khó, mà thời gian phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua là một ví dụ”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị những người làm du lịch cả nước nắm chặt tay nhau cùng hành động vì sự phát triển của du lịch Việt Nam./.

Top