Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 23/7

23/07/2020 20:36

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị sơ kết công tác các Ban Chỉ đạo 138 và 389

Ngày 23/7, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cơ bản đồng ý với các nội dung báo cáo của Bộ Công an, Bộ Tài chính, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề lớn.

Theo Phó Thủ tướng, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động rất bất lợi của đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, kinh tế không bị rơi vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng tuy thấp nhất trong nhiều năm nhưng là mức tăng thuộc nhóm cao nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Những thành tích nổi bật trên có sự  đóng góp quan trọng của BCĐ 138/CP, BCĐ 389 quốc gia và các lực lượng chức năng từ Trung ương đến cơ sở.

Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau.

Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138/CP, BCĐ 389 quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của BCĐ 138/CP và BCĐ 389 quốc gia. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, báo cáo kết quả lên Trưởng BCĐ 138/CP, BCĐ 389 quốc gia.

Hai là, các bộ, ngành thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực BCĐ và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm; các kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục sơ hở, yếu kém để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Ba là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức.

Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, bản lĩnh, có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bốn là, thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án. Đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma túy, tín dụng đen, xã hội đen, tội phạm vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, sản xuất, kinh doanh hàng giả... cần tổ chức điều tra triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Năm là, tiếp tục rà roát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng mạnh chế tài xử lý để răn đe, phòng ngừa vi phạm hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác. Mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Sáu là, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 44/TW-KL ngày 22/1/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

Bảy là, các bộ, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, đặc biệt là đối với các địa phương trọng điểm về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả chức trách của mình, nhất là các bộ, ngành có lực lượng chuyên trách trong công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như công an, biên phòng, hải quan, thuế, cảnh sát biển, quản lý thị trường.

 --------------------------

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài

Ngày 23/7, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, Việt Nam đang được xác định là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam để thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài mới phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, song cũng cần nhận diện rõ, xử lý các thách thức khách quan và chủ quan trong hợp tác đầu tư nước ngoài và cần có những hành động và giải pháp đột phá để kịp thời thu hút dòng vốn.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành thành viên Tổ công tác và các địa phương đã tích cực và chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp và trao đổi, phối hợp, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao, trong đó lưu ý việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài cần hướng tới có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Trong quá trình đó, cần đặc biệt lưu ý coi trọng phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác của Việt Nam, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Tổ công tác đã thống nhất kế hoạch triển khai trong các tháng cuối năm 2020, trong đó tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính: Xúc tiến đầu tư; tham mưu, đề xuất chính sách; và truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam./.

Top