Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 21/10/2020

21/10/2020 17:22

Phó Thủ tướng Thường trực dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Đà Nẵng

Ngày 21/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Tham dự Đại hội có nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo thành phố Đà Nẵng qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cơ bản nhất trí với Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng trình Đại hội khoá XXII.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá, xây dựng con người thành phố Đà Nẵng phát triển toàn diện được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo được quan tâm đầu tư; các chương trình thành phố “4 an”, “5 không”, “3 có” đậm tính nhân văn được triển khai hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 về đích trước 2 năm.

“Có thể khẳng định rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã tạo được những tiền đề rất vững chắc và quan trọng để Đà Nẵng bước vào một giai đoạn phát triển mới nhanh hơn, bền vững hơn, đồng thời đóng góp tích cực hơn vào phát triển chung của cả nước; góp phần làm giàu cho quê hương và đất nước ta có được những thành tựu to lớn như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay””, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà thành phố Đà Nẵng cần nhìn nhận, như: Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên một số mặt còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn yếu; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội còn chậm đổi mới nội dung, phương thức làm việc. Đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy chưa thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, dẫn đến những vi phạm, khuyết điểm, có yếu tố lợi ích nhóm và liên quan đến tội phạm đến mức phải kỷ luật Đảng, xử lý hành chính, một số trường hợp phải xử lý hình sự.

Chủ đề của Đại hội là “Xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết và các động lực tăng trưởng; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn, là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”, điều này thể hiện quyết tâm, khát vọng vươn lên phát triển phồn vinh và hạnh phúc của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Đồng thời cũng là định hướng để Đà Nẵng tiếp tục sáng tạo, đổi mới, tăng tốc quyết liệt phát triển mạnh mẽ, thực sự là điểm sáng, là một cực tăng trưởng của đất nước, là “nơi đáng sống” của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và của cả nước, điểm đến của du khách quốc tế.

Cơ bản thống nhất với các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp trong Báo cáo Chính trị của Đảng bộ Thành phố, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình gợi mở thêm một số vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận.

Một là, Đảng bộ Thành phố cần quán triệt và xác định công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong trong đổi mới là mục tiêu, nhiệm vụ then chốt. Kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu các tổ chức cơ sở đảng, thực sự thể hiện được vai trò nòng cốt, bản lĩnh trong lãnh đạo; phát huy dân chủ, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, đồng thuận trong xã hội; chú trọng công tác tư tưởng, chính trị, đạo đức; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.

Quan tâm xây dựng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đảm bảo tính kế thừa, không để hụt hẫng; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đảng bộ thành phố cần xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng và phòng chống các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, không để những sai phạm trong quá khứ làm suy giảm sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố, gây tâm lý co cụm, sợ sai, ngại va chạm, không dám làm. Mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần "thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa" như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị TW 6, Khóa XII…

Hai là, Đà Nẵng cần lập, triển khai, quản lý tốt quy hoạch thành phố có tầm nhìn rộng mở, phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đà Nẵng tiếp tục thực hiện 3 đột phát chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số là một giải pháp để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững bởi Đà Nẵng có thiên thời, địa lợi, nhân hoà cho phát triển lĩnh vực này, thực sự khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thành phố phải xung phong đi đầu trong phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển trong vùng. Để thực hiện mục tiêu đó, Đà Nẵng cần tăng cường ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới mạnh mẽ mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực thích đáng để đầu tư phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực quan trọng để phát triển thành phố thời gian tới; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.

Tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhiệm kỳ 2020-2025 mà Đại hội đề ra, nhất là thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng; tập trung xây dựng hạ tầng, phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số; đặt ra mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm mạnh về công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường đại học.... sánh ngang với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 20% GDP cả nước vào năm 2025 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, coi đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đà Nẵng cần liên kết phát triển với cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, trước hết là liên kết về giao thông đường bộ theo trục dọc nối với Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên về phía nam, với Thừa Thiên-Huế về phía bắc và trục ngang kết nối hệ thống cảng biển, sân bay với khu vực Tây Nguyên để phát huy vị trí cửa ngõ phía đông của Đà Nẵng mở rộng hợp tác với khu vực tiểu vùng sông Mekong, khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước.

Đà Nẵng cần phát huy tiềm năng, thế mạnh của riêng mình, nhanh chóng khôi phục du lịch an toàn - ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế đi đôi với tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng.

Tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đề xuất các cơ chế, chính sách xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực; đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hình thành cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế.

Triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thực chất, công khai, minh bạch; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, của doanh nghiệp; đánh giá đúng, kịp thời, có giải pháp nhanh chóng, hiệu quả đối với những ”điểm nghẽn” cản trở sự phát triển; tiếp tục giữ vững thứ hạng cao trong xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển và đầu tư trong nước, tập trung vào các dự án lớn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường phù hợp với quy hoạch ngành nghề thành phố, ưu tiên những ngành nghề như công nghệ thông tin, tài chính, chế biến chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế, logistics, năng lượng tái tạo, nhất là điện sinh khối ở đô thị đang phát triển nhanh như Đà Nẵng... phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22/01/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển, hướng đến 2 mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo, chú trọng xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá, phát triển mạnh đội tàu hiện đại đánh bắt xa bờ, bảo quản hải sản trên biển.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là cho các dự án có vốn đầu tư lớn, có khả năng hoàn thành sớm, tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế xã hội của thành phố năm 2020, 2021 và tạo đà cho các năm tiếp theo, góp phần cùng cả nước phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 2,5 đến 3% năm nay.

Ba là, dành nguồn lực thích đáng để đầu tư phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển. Coi trọng phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội phát sinh; mọi chủ trương, chính sách cần phải nhất quán và luôn đặt lợi ích người dân lên hàng đầu; đẩy mạnh thực thi có hiệu quả các chính sách đậm tính nhân văn, nhất là các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, xây dựng thành phố “đáng sống”, hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng.

Chú trọng đầu tư cho giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và y tế, không chỉ phục vụ cho thành phố mà phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe hàng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có thể liên kết với các doanh nghiệp lớn gắn nghiên cứu, đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, cần sớm đưa dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng vào hoạt động và nghiên cứu, đề xuất Trung ương thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng; nghiên cứu xây dựng Bệnh viện nhiệt đới; đầu tư mở rộng hệ thống y tế của thành phố; nâng cao năng lực kiểm soát, xét nghiệm, điều trị các loại dịch bệnh mới.

Bốn là, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm một cách toàn diện, liên tục và hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; nắm chắc tình hình, quản lý thật tốt địa bàn, xử lý rốt ráo khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, quản lý hoạt động của người nước ngoài, các hoạt động kinh doanh mua bán bất động sản có yếu tố nước ngoài phát hiện xử lý các vấn đề nhạy cảm kịp thời, không để bị động, bất ngờ, không để phát sinh điểm nóng.

Năm là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo không gian kinh tế thống nhất, bổ trợ lẫn nhau để thúc đẩy phát triển Vùng. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Chủ động phối hợp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trên lĩnh vực đất đai. Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực đề xuất với Trung ương có cơ chế đặc thù để phát triển “Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, trong đó Đà Nẵng là hạt nhân của chuỗi đô thị và là cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Sáu là, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền; công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí khát vọng vươn lên trong Đảng bộ và Nhân dân, nhằm động viên tối đa mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về ứng phó thiên tai tại miền Trung

Ngày 21/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐ PCTT) chủ trì Hội nghị chỉ đạo ứng phó với bão và mưa, lũ các tỉnh miền Trung.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Dù đã có dự báo sớm và cả hệ thống vào cuộc rất quyết liệt nhưng với những diễn biến bất thường của bão, lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua gây thiệt hại nặng nề nhất trong 5 năm trở lại đây.

Khi kiểm tra vùng thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất ở miền Trung, Phó Thủ tướng nhận thấy vẫn còn nhiều hộ dân rất khó khăn, nhất là về lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

"Tôi đề nghị tập trung cứu trợ người dân, đặc biệt là ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Khẩn trương cứu trợ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con. Bão số 8 đang vào và dự kiến vùng ảnh hưởng rất rộng vì thế công tác cứu trợ phải khẩn trương hơn nữa. Cần nhất bây giờ là chất đốt để nấu nướng, vì điện lưới nhiều nơi đang mất", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Từ thực tế chuyến công tác ngày hôm qua (20/10), tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều đoàn cứu trợ mới chỉ vào khu vực thuận lợi về giao thông, còn nhiều chỗ khó khăn hàng cứu trợ chưa đến được với người dân. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục cử đoàn vào các tỉnh miền Trung nắm sát nhu cầu cần hỗ trợ của bà con. "Ngoài lương thực cần chú ý hỗ trợ các loại thực phẩm, rau xanh... đảm bảo đủ dinh dưỡng, sức khỏe cho người dân", Phó Thủ tướng lưu ý.

Hàng hóa cứu trợ cần tập trung giao về đầu mối các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan chuyên trách mới nắm được chính xác danh sách, từ đó hàng cứu trợ mới đến đúng các hoàn cảnh cần hỗ trợ.

Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị chuyên trách của Bộ Quốc phòng tính toán phương án sử dụng trực thăng để đẩy nhanh tốc độ cứu trợ người dân vùng lũ.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng có liên quan cùng địa phương phải vào dồn tổng lực vào cuộc hướng dẫn ngư dân trên biển và ven biển phải kịp thời vào nơi tránh trú, bảo đảm an toàn cho những người dân nuôi trồng thủy sản trên biển, khách du lịch…

Việc đảm bảo an toàn trên đất liền cần tiếp tục được thực hiện kịp thời, các địa phương có phương án sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm như nước ngập sâu, chảy xiết, gần các công trình không an toàn…

Giám sát việc vận động quyên góp, xử lý nghiêm trường hợp trục lợi

Những ngày qua, mưa lũ đặc biệt lớn đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản của nhân dân và nhà nước tại các tỉnh miền Trung. Phát huy truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách”, nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm đã quan tâm sẻ chia, hỗ trợ đồng bào vùng bị thiên tai.

Để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ.

Kiên quyết không để dịch bệnh COVID-19 lây lan, bùng phát trở lại

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 chiều ngày 19/10/2020.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao cố gắng của các bộ, ngành, địa phương nhất là các ngành y tế, quân đội, công an và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Cả nước đã có gần 50 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng.

Nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, nhất là trong bối cảnh mùa đông đang cận kề, dịch bệnh tại nhiều nước đang bùng phát trở lại. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, mọi người dân không được chủ quan trong mọi trường hợp, phải nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại ở nước ta nhất là tại trường học, bệnh viện, các đô thị lớn…, tiếp tục quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh Việt Nam, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện hiệu quả các giải pháp. Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt thông điệp 5K, trước hết là đeo khẩu trang, khử khuẩn tay; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Quản lý tốt các cơ sở cách ly, người nhập cảnh cách ly nhất là tại các cơ sở lưu trú có thu phí. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở cách ly, việc giám sát y tế đủ 14 ngày đối với người nhập cảnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Người đứng đầu các địa phương, cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về việc quản lý các cơ sở cách ly và giám sát y tế sau cách ly.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận người lao động là người nhập cảnh trái phép.

Yêu cầu người nhập cảnh ngắn ngày hạn chế tham gia sử dụng các dịch vụ karaoke,  bar, vũ trường.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại các bệnh viện

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế, hoàn chỉnh và công khai quy trình phòng, chống dịch đối với nhập cảnh Việt Nam.

Bên cạnh đó, đề xuất các mô hình quản lý người nhập cảnh, bảo đảm linh hoạt, an toàn về y tế. Có cơ chế định kỳ giám sát COVID-19 bằng việc xét nghiệm cho người dân làm việc tại các cửa khẩu, hải quan, khu vực sân bay có tiếp xúc với người nước ngoài nhập cảnh.

Tiếp tục mở rộng triển khai khám bệnh từ xa; nâng cao năng lực cán bộ y tế toàn tuyến, chú trọng y tế dự phòng: hoàn thiện phác đồ điều trị, hợp tác nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh COVID-19; nâng cao năng lực xét nghiệm nhanh phù hợp với khả năng, xét nghiệm trên diện rộng, truy vết các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh.

Chỉ đạo bảo đảm đủ cơ số dự trữ các vật tư, trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch tại các bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật của địa phương; tiếp tục lưu ý xử lý các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao (như dịch tả) xảy ra sau lũ lụt ở một số địa phương.

Chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, từ cấp tỉnh đến cấp xã phải chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc bệnh COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có phương án thần tốc thực hiện việc khoanh vùng, truy vết khi xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo việc thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: Từng cơ quan, đơn vị như bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, các nơi thường xuyên có hoạt động tập trung đông người (như siêu thị, chợ, nhà ga, sân bay…) phải có phương án phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu, tự trang bị các phương tiện, vật tư phòng, chống dịch cần thiết, thường xuyên tự chấm điểm, đánh giá mức độ an toàn của cơ quan, đơn vị, cơ sở. Các bệnh viện phải có phương án chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan. Mọi trường hợp có biểu hiện ho, sốt phải được kiểm tra kịp thời.

Các địa phương tiếp tục lựa chọn các cơ sở cách ly dân sự có thu phí. Bộ Quốc phòng tiếp tục chuẩn bị tốt, sẵn sàng các cơ sở cách ly tập trung, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn phòng, chống dịch của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế

Các bộ, cơ quan liên quan rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao như: Xử lý nhanh thủ tục đón chuyên gia, nhà đầu tư nhập cảnh; hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin phòng dịch; lập hệ thống tổng đài tự động đa ngôn ngữ hướng dẫn phòng, chống dịch; lập danh sách người Việt bị kẹt ở các nước và phương án đón về nước; nghiên cứu thuốc, vắc xin, phác đồ điều trị. Chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm việc mua sắm thiết bị sinh phẩm phòng, chống dịch theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải phối hợp có quy trình rõ ràng, thống nhất thuận lợi trong việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế, báo cáo các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam xem xét, quyết định. Chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Tiếp tục truyền thông mạnh mẽ nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh trong nhân dân. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, quần chúng phải vào cuộc vận động hội viên, đoàn viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ trước khi khai mạc Kỳ họp Quốc hội việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp với thủ tục đơn giản, thuận lợi hơn nữa./.

 

 

Top