Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 20/11

20/11/2019 18:12

Phó Thủ tướng Thường trực dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo tại Học viện Tòa án

Ngày 20/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự lễ mít tinh kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2019) tại Học viện Tòa án.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan.

Phát biểu tại buổi lễ, nhấn mạnh “tôn sư, trọng đạo” là giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam, nhân ngày 20/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chúc mừng, biểu dương tinh thần cố gắng, vươn lên của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, giảng viên cùng toàn thể các em học viên, sinh viên của Học viện Tòa án đã đoàn kết, vượt mọi khó khăn, chung sức chung lòng xây dựng Học viện Tòa án ngày càng trưởng thành và lớn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, trước yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo định hướng của Đảng, các quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, trong đó, Tòa án nhân dân là trung tâm của nền tư pháp, chất lượng đội ngũ nhân lực của các tòa án phải không ngừng được nâng cao về mọi mặt.

“Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, thẩm phán và các chức danh tòa án là hết sức cầp thiết, có tính chất quyết định đến kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp nói chung và chất lượng hoạt động xét xử nói riêng, mang tính chiến lược lâu dài trong sự nghiệp bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, cần xây dựng Học viện Tòa án trở thành một địa chỉ  đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý có uy tín trong cả nước, là cái nôi đào tạo nguồn cán bộ, thẩm phán có chất lượng cao, đáp ứng sự kỳ vọng, mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Để đạt được mục tiêu đó, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, phải phấn đấu xây dựng Học viện Tòa án thực sự trở thành một cơ sở đào tạo đại học-sau đại học danh giá, có uy tín trong nước và khu vực. Học viên, sinh viên sau khi tốt nghiệp Học viện phải là những người giỏi về lý luận, tinh thông về luật pháp, nhuần nhuyễn về kỹ năng thực hành, có kiến thức xã hội sâu rộng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, nêu cao tinh thần mà Bác Hồ đã dạy là: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Đồng thời, Học viện cần bám sát và triển khai các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình theo Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” cùng các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của hệ thống tòa án.

Song song với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tòa án, đào tạo cử nhân luật-chuyên ngành xét xử, tạo nguồn bổ sung vào đội ngũ cán bộ, cần phải xây dựng Học viện Tòa án trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học các chuyên ngành tòa án có chất lượng, có uy tín của đất nước và quốc tế; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, tổ chức nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn xét xử.

“Học viện cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng dạy-học tập-nghiên cứu khoa học với hoạt động xét xử, áp dụng pháp luật của các tòa án. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện phải góp phần tác động tích cực vào kết quả hoạt động xét xử của các tòa án trong thực tiễn”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Học viện phải coi trọng đồng thời việc trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ kết hợp với giáo dục phẩm chất đạo đức, rèn luyện bàn lĩnh chính trị của thẩm phán và các chức danh tòa án; giáo dục ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý, Học viện phải thực sự là một môi trường giáo dục lành mạnh, mỗi cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy phải thực sự là tấm gương cho học viên, sinh viên noi theo; xây dựng mối quan hệ thân thiện, gắn bó mật thiết, lành mạnh giữa thầy và trò, giữa nhà trường, tòa án và xã hội.

Học viện xây dựng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với từng giai đoạn; chú trọng tuyển chọn các đối tác trong nước và quốc tế. Nhất là những người có kinh nghiệm xét xử và thực tiễn quản lý, trong đó các thành viên Hội đồng Thẩm phán cao cấp, trung cấp có kinh nghiệm thực tiễn, trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng sư phạm… phải là nòng cốt cho đội ngũ giảng viên cơ hữu và kiêm chức của Học viện.

Đồng thời, khẩn trương chuẩn hóa các giáo trình, tài liệu, chương trình giảng dạy phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án kết hợp với xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên Học viện để họ yên tâm cống hiến.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Học viện tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ sở đào tạo pháp lý, đào tạo các chức danh tư pháp của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Thường xuyên trao đổi, cập nhật kinh nghiệm, kiến thức có chọn lọc về thành tựu đào tạo các ngạch thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, và đặc biệt là kinh nghiệm trong xử lý các tranh chấp có liên quan đến thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước hiện nay.

----------------------

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về kinh tế tập thể

Ngày 20/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể chủ trì cuộc họp về xây dựng Đề án tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các chủ trương, chính sách phát triển thành phần kinh tế này.

Trước đó vào tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm triển khai Nghị quyết số 13 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ.

Sau hội nghị này, Ban chỉ đạo tiếp tục chắt lọc các ý kiến phát biểu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện báo cáo tổng kết, trình Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị thảo luận, xem xét ban hành các chủ trương để phát triển KTTT trong giai đoạn tới.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu cho cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành phải xác định rõ thực trạng và yêu cầu phát triển KTTT trong giai đoạn hiện nay.

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù còn khó khăn nhưng đến nay KTTT đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài và có bước phát triển khởi sắc, nhất là trong 5 năm gần đây sau khi có Kết luận số 56 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 13. Khoảng 50% HTX phát triển hiệu quả, tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng nhận định chất lượng hoạt động của HTX còn nhiều tồn tại; sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với KTTT không đồng đều; quản lý nhà nước về KTTT còn yếu kém, chưa có hệ thống thông tin dữ liệu của lĩnh vực này…

“Có địa phương khó khăn nhưng KTTT, HTX, tổ hợp tác phát triển tốt như Hà Giang, Sơn La,… nhưng nhiều địa phương thì chưa quan tâm phát triển”, Phó Thủ tướng nói và chỉ ra để đánh giá hiệu quả của KTTT không chỉ tập trung vào số lượng HTX, quy mô tài sản, doanh thu mà phải tính tới sự đóng góp tổng thể về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự tại cơ sở, giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị đầu ra cho từng thành viên của KTTT theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 13.

Về vấn đề luật pháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ HTX và tổ hợp tác trong nông nghiệp là phổ biến và có đặc thù riêng vì gắn chặt chẽ với sử dụng đất đai và kinh tế hộ gia đình; đề nghị các bộ, ngành thảo luận xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc xây dựng luật riêng về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên cơ sở hệ thống pháp lý hiện nay.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đặt ra trường hợp doanh nghiệp “đội lốt” HTX để hoạt động và chính sách cho phép thành lập doanh nghiệp trong HTX nhưng qua thực tiễn, nhiều HTX lại đề nghị được chuyển đổi thành doanh nghiệp để các bộ, ngành cho ý kiến; việc xử lý triệt để các HTX không thể giải thể, chuyển đổi được vì vướng nợ khê đọng hay tỷ lệ cung ứng sản phẩm ra ngoài HTX khi đã cung cấp đầy đủ dịch vụ cho thành viên; xem xét việc uỷ thác chức năng kiểm toán HTX cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện để minh bạch tài chính của khối này...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị các bộ, ngành rà soát các quan điểm của Đảng về KTTT tại Nghị quyết số 13, bổ sung các ý nghĩa của KTTT về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, có tác động quan trọng tới các chính sách xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội...

 -------------------------

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo tại THPT Đinh Tiên Hoàng

Ngày 20/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, sáng 20/11 được tổ chức tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Là một trong những trường THPT dân lập đầu tiên ở Hà Nội, 30 năm qua trường Đinh Tiên Hoàng luôn kiên trì với mô hình: Không chọn lọc đầu vào nhưng phải bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, giúp đỡ những học sinh khó khăn về học tập và rèn luyện đạo đức.

Trường Đinh Tiên Hoàng ban đầu được thành lập (năm 1989) nhằm thu nhận những học sinh yếu kém về văn hoá đạo đức, vi phạm kỷ luật bị các trường khác từ chối không cho học, theo mô hình giáo dục đặc biệt.

Từ 136 học sinh trong năm học đầu tiên (1989-1990) đến nay trường Đinh Tiên Hoàng đã đón trên 10.000 học sinh. Những năm đầu tiên, lúc cao điểm nhất trường Đinh Tiên Hoàng có gần 90% học sinh có khó khăn về học tập, ý thức kỷ luật, 87% học sinh có khó khăn về quan hệ gia đình cần giúp đỡ.

Từ năm 2006, nhà trường chuyển sang mô hình giáo dục không chọn lọc đầu vào với quan điểm không chạy theo thành tích, hội nhập và đảm bảo công bằng quyền trẻ em.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng và đánh giá rất cao cách tiếp cận, nỗ lực, tâm huyết của các thầy cô giáo trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong suốt những năm qua. Mặc dù cơ sở vật chất còn rất nhiều khó khăn, nhưng điều đáng quý của ngôi trường này là đã “dám” mở vòng tay đón nhận tất cả các em học sinh, không phân biệt em đó trước đây học tập ở đâu, được nhận xét như thế nào. Đây là một trong những điều quan trọng hàng đầu của nền giáo dục nói chung, đặc biệt là giáo dục phổ thông.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc đầu tiên của giáo dục phổ thông là phải bình đẳng cho tất cả mọi người, mọi học sinh. Nhà nước bằng cơ chế chính sách, đầu tư để có đủ trường lớp và các cơ chế cần thiết để mọi trẻ em còn trong độ tuổi đi học đều được đến trường và học 2 buổi/ngày.

“Ở miền núi, chúng ta có mô hình bán trú, nội trú, điểm trường ở miền núi, vùng khó khăn nhưng ở vùng đô thị cũng có những nhu cầu đặc biệt như rất nhiều cháu học sinh nếu không có những trường phổ thông như trường Đinh Tiên Hoàng thì tương lai sẽ rất khác”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, trong xã hội còn rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh, cá tính rất đặc biệt, kể cả những em bị tự kỷ, trầm cảm. Nếu mỗi phụ huynh nghĩ rằng chỉ lựa chọn những học sinh tốt nhất để con em mình được học trong tập thể tốt nhất, mỗi giáo viên lựa chọn những học sinh tốt nhất vào để dạy, có thành tích cao nhất, “nhàn” nhất, vậy những em có có hoàn cảnh thiệt thòi, tính cách rất đặc biệt sẽ học ở đâu? Mô hình trường Đinh Tiên Hoàng là một minh chứng sống động cho thấy nếu có tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo thì chúng ta sẽ làm được những điều mà bình thường cảm thấy rất khó khăn.

“Đổi mới giáo dục là một quá trình có những bước đi cụ thể, khẩn trương nhưng cũng phải chắc chắn. Nhưng những gì đã phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại của thế giới mà chúng ta có thể làm được thì phải cố gắng. Đây là cái đích mà ngành giáo dục phải hướng đến”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trong điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đầu vào học sinh như hiện tại, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự kiên trì thực hiện phương châm chú trọng dạy người rồi đến dạy chữ của đội ngũ giáo viên trường Đinh Tiên Hoàng những năm qua. Phó Thủ tướng chia sẻ: Dạy con cháu tiếp nhận kiến thức là cần thiết. Dạy con cháu biết vâng lời là rất cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải khơi dậy những điều tốt đẹp, giá trị tốt đẹp trong từng học sinh. Điều đó không chỉ giúp các cháu tiếp thu kiến thức tốt hơn mà còn rèn luyện các kỹ năng cần thiết như làm việc theo nhóm, tự tin trình bày ý kiến, kể cả khác biệt, phản biện, ý thức trách nhiệm với cộng đồng… Những năm gần đây Chính phủ, các nghị quyết của Đảng, Bộ GD&ĐT đều nhấn mạnh yêu cầu dạy người.

“Một vấn đề vô cùng quan trọng trong dạy người là tấm gương của các thầy cô giáo và sự vào cuộc chung tay của cha mẹ, gia đình, xã hội. Tấm gương của các thầy cô giáo là cách cảm hoá tốt nhất để học sinh noi theo. Thầy cô gương mẫu trong hành xử, ứng xử, đồng thời cũng gương mẫu trong tự học”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ và mong đội ngũ giáo viên trường Đinh Tiên Hoàng tiếp tục làm tốt điều này, từ đó nhân rộng ra cả hệ thống giáo dục. Làm sao mỗi ngôi trường giáo dục phải đi đầu khơi dậy điều tốt đẹp trong từng người, từng học sinh, thể hiện những giá trị tốt đẹp nhất được tôn vinh, lan toả ra toàn xã hội.

Đề cập đến tự chủ, dân chủ trong trường phổ thông, Phó Thủ tướng nêu thực tế hiện nay, cơ bản các trường phổ thông đang được coi là một thiết chế của chính quyền, tới mức một viên gạch hỏng cũng đợi tiền từ chính quyền để sửa, trong khi về bản chất đây là thiết chế công cộng, cần sự chung sức, vun đắp của cộng đồng, trực tiếp nhất là học sinh và phụ huynh. Trong trường, thì không ít nơi các thầy cô giáo không phát huy hết quyền làm chủ của mình, phần lớn theo sự điều hành, mệnh lệnh hành chính từ ban giám hiệu, hiệu trưởng.Vì vậy, kinh nghiệm xây dựng, phát huy tinh thần tự chủ, dân chủ trong trường Đinh Tiên Hoàng là những kinh nghiệm rất tốt cho các trường phổ thông khác tham khảo, học hỏi.

“Nhà trường không chỉ giúp hàng chục nghìn học sinh mà quan trọng là các thầy cô giáo kiên trì, dũng cảm đi theo mô hình hoàn toàn phù hợp với xu thế của thế giới và được khẳng định qua Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây là một điển hình để các trường khác tham khảo. Mong rằng TP. Hà Nội, Bộ GD&ĐT có kế hoạch, bước đi cần thiết thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục khẩn trương, chắc chắn, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại của thế giới”, Phó Thủ tướng nói./.

Top