Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 17/6/2020

17/06/2020 20:59

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trao giải báo chí về an toàn giao thông

Chiều ngày 17/6, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tổ chức trao Giải báo chí về an toàn giao thông năm 2019.

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu tại Lễ trao giải thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia bày tỏ vui mừng đến trao giải và gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các nhà báo nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Giải thưởng do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức của toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền chấp hành pháp luật về giao thông. Đồng thời, ghi nhận, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các cơ quan báo chí và người làm báo đã tích cực viết bài về lĩnh vực này.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhiều vấn đề báo chí đặt ra đã được các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận nhanh chóng, lấy làm cơ sở để điều hành chính sách và ban hành các chỉ đạo kịp thời. Nhiều tác phẩm báo chí đã tìm tòi, phát hiện, nêu gương kịp thời các tấm gương điển hình tiên tiến, các mô hình, kinh nghiệm hay trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Giải thưởng ngày càng uy tín, ghi nhận và động viên nhiều tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào công tác bảo đảm an toàn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

Báo chí cần đi sâu vào khai thác các vấn đề lớn, ngoài việc đưa tin, phản ánh hiện thực nhanh nhạy, kịp thời cần làm tốt việc kiến nghị chính sách, qua thực tiễn hoạt động nghề báo, cần có tổng hợp, đánh giá, phân tích, tìm ra nguyên nhân, giải pháp, đề xuất chính sách, pháp luật đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, mới tạo ra những chuyển biến, tiến bộ trong nhân dân trong việc nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, nâng cao đạo đức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, góp phần từng bước kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay.

Như từ việc phản ánh tình trạng lái xe nghiện ma tuý, cần đi sâu tìm hiểu, điều tra quá trình đào tạo, sát hạch của cơ sở vi phạm, làm rõ trách nhiệm và hướng xử lý vấn đề.

 “Vấn đề này cần được báo chí vào cuộc, không chỉ phản ánh chung chung mà cần chỉ rõ địa chỉ, người tiêu cực mới có thể tạo chuyển biến rõ rệt”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Bên cạnh đó, báo chí cần đi vào tìm hiểu, phản ánh các góc cạnh của đời sống xã hội, những vấn đề nhức nhối, hệ lụy do tai nạn giao thông gây ra đối với mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội khi tai nạn giao thông gây ra những mất mát vô cùng to tớn về người và của, để lại di chứng và gánh nặng cho gia đình và xã hội... Từ đó, giáo dục, tuyên truyền việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông, đồng thời, phê phán và lên án những hành vi thiếu ý thức, cố tình vi phạm, chống người thi hành công vụ của một bộ phận nhỏ trong xã hội.

Báo chí cũng cần đi sâu vào phân tích, nêu lên trách nhiệm của chính quyền khi để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao. “Có lần, tôi đã trực tiếp điện thoại cho Chủ tịch một thành phố cần kiểm tra, xử lý ngay khi tôi thấy có những hố ga không được che chắn, cảnh báo cẩn thận. Tuy nhiên, vấn đề là không phải lúc nào lãnh đạo cũng phải điện cho địa phương về các vấn đề của địa phương đó, mà cần nêu cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thi công, không để xảy ra tai nạn do việc làm tắc trách của mình”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Thay mặt Lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ghi nhận và biểu dương đóng góp của các cơ quan báo chí, những người làm báo nói chung và các nhà báo trong lĩnh vực giao thông vận tải và an toàn giao thông nói riêng, góp phần quan trọng và giảm sâu số thương vong do tai nạn giao thông.

Phó Thủ tướng Thường trực mong rằng, các cơ quan báo chí, các nhà báo, cộng tác viên tiếp tục quan tâm, chung tay cùng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông, xây dựng văn hoá giao thông an toàn cho người dân.

Tại lễ trao giải thưởng này, Phó Thủ tướng cũng chính thức phát động Giải báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, nhằm đưa Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ vào cuộc sống.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Ngày 17/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ GD&ĐT rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cùng dự có GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một số chuyên gia giáo dục.

Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng đến thời điểm hiện nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện chặt chẽ, quy định rõ ràng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, chính quyền địa phương, hội đồng thi, điểm thi trong từng khâu tổ chức kỳ thi.

“Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng giao trách nhiệm tổ chức kỳ thi cho các địa phương, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm cuối cùng, sẽ diễn ra an toàn, trung thực, nhưng không gây nặng nề, căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh và xã hội”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Chính phủ đã có một lộ trình, trong đó có lộ trình đổi mới kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học gắn với tự chủ đại học, gắn với trách nhiệm giải trình.

Trong những năm thực hiện lộ trình đổi mới kỳ thi, Phó Thủ tướng nêu rõ: So với trước năm 2015, kỳ thi đã có bước tiến rất dài. Bên cạnh những sai sót, kẽ hở, những điểm bất hợp lý, qua từng năm thì rõ ràng kỳ thi đã bớt căng thẳng, áp lực, học sinh bớt học lệch, học tủ. Cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học được mở rộng để học sinh có thể học đại học, học nghề theo năng lực, nguyện vọng và năng lực.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có 2 điểm dư luận xã hội, cũng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thứ nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tổ chức theo Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đòi hỏi kỳ thi bớt tính “đánh đố” nhưng đảm bảo sự phân hoá và độ tin cậy cho các trường đại học tham khảo để tuyển sinh. Thứ hai là kỳ thi năm nay, phù hợp với lộ trình đổi mới thi, song song với tinh thần phòng, chống dịch bệnh, khâu tổ chức được giao cho địa phương. Khi giao cho địa phương thì tính trung thực, khách quan, công bằng phải được đảm bảo.

Vì vậy, trên tinh thần thảo luận hôm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có một chỉ thị cụ thể, trên tinh thần, Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung về kỳ thi, trực tiếp chỉ đạo các khâu thuộc trách nhiệm của Bộ, trong đó đặc biệt lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Ở địa phương giao trách nhiệm cho UBND tỉnh, thành phố, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trên địa bàn; thực hiện đúng, nghiêm các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng: Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ đáp ứng được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, trung thực nhưng không gây áp lực, căng thẳng cho học sinh và xã hội.

Đây là năm cuối thực hiện lộ trình đổi mới kỳ thi theo Nghị quyết 29, nếu chúng ta thực hiện thành công thì sẽ tạo niềm tin, tạo đà để tiếp tục thực hiện các khâu đổi mới khác trong giáo dục, đào tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 trong thời gian tới./.

Top