Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 12/10

12/10/2020 18:13

Phó Thủ tướng Thường trực dự Đại hội thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông

Chiều 12/10, tại Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã dự và phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2020-2025.

Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những kết quả tích cực đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước của ngành thông tin và truyền thông trong 5 năm qua. Đồng thời, đánh giá cao thành tích mà ngành thông tin và truyền thông đã đạt được trong thời gian qua với các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, từng bước đổi mới nội dung và hình thức, bám sát thực tiễn gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị, thực sự là động lực cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành. Công tác khen thưởng ngày càng đi vào nề nếp, kịp thời động viên, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Công tác thông tin, tuyên truyền về các phong trào thi đua và biểu dương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến được chú trọng.

Để phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của toàn ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị ngành thông tin và truyền thông tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đưa kinh tế số chiếm 20% GDP của cả nước vào năm 2025. Vì vậy, ngành thông tin và truyền thông phải nhận lãnh trách nhiệm tham mưu định hướng chiến lược cho đất nước trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; hoạch định chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn nhân lực và nguồn tài chính trong nước và quốc tế để đảm bảo hạ tầng thông tin tiên tiến nhất đáp ứng mọi nhu cầu phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm triển khai chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2014 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW.

Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành, trong đó tập trung phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong bưu chính; chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển dịch từ chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng đặc biệt trong thời gian diễn ra đại hội Đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng mạng 5G, Bộ cần sớm phê duyệt quy hoạch Trung tâm Dữ liệu quốc gia - một trụ cột không thể thiếu của cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta cần phải có một trung tâm Dữ liệu quốc gia (Trung tâm đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và độ tin cậy để các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu như Alphabet, Facebook, Amazon... đặt máy chủ tại nước ta) để chủ động quản lý hiệu các hoạt động diễn ra trên mạng thông tin, phát huy tối đa những lợi ích tích cực của thông tin mạng , không để thất thoát tài nguyên số quốc gia, kiểm soát an ninh mạng một cách hiệu quả, ngăn chặn hiệu quả các thông tin độc hại, chống thất thu thuế từ các hoạt động thương mại trên mạng ...

Hai là, tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị số 01/CT - TTg ngày 14 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Tập trung phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số tại địa phương; Tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm, giải pháp công nghệ thương hiệu Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia...

Thế giới đang chuyển hướng theo kinh tế hạn chế tiếp xúc, nhất là thời gian bị đại dịch COVID-19 hoành hành đã minh chứng điều này. Nền kinh tế số giúp chúng ta phát triển nhanh và bền vững, quan trọng là chúng ta có đủ nhân lực và trí tuệ để thích nghi với kinh tế số hay không (người Việt Nam chúng ta thông minh, giỏi toán, số lượng sử dụng internet, điện thoại thông minh và thiết bị đầu cuối cao...).

Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, đặc biệt tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026. Hoàn thành việc triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các bộ, ngành và địa phương.

Muốn vậy, Bộ phải ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như một công cụ để phân tích, nắm bắt kịp thời nhịp đập hơi thở cuộc sống, tâm tư đời sống xã hội, để tham mưu cho Đảng và Nhà nước điều chỉnh đường lối chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đại đa số người dân; hạn chế những sản phẩm độc hại lan truyền trên mạng xã hội. Phải định hướng và giao nhiệm cho lực lượng báo chí cách mạng làm sao để các sản phẩm thông tin thực sự lành mạnh, hữu ích phải lớn hơn, áp đảo các luồng thông tin giả mạo, xấu độc vì mục đích chính trị hay trục lợi cá nhân (việc này sẽ được kiểm soát tốt hơn nếu ta có Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đủ điều kiện để các tập đoàn Công nghệ hàng đầu thế giới chấp nhận đặt máy chủ tại nước ta).

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong theo các tiêu chí, điều kiện quy định tại các Nghị định khung về tổ chức các bộ (Nghị định 101/2020/NĐ-CP), các Nghị định về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện (Nghị định 107/2020/NĐ-CP và Nghị định 108/2020/NĐ-CP). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của toàn Ngành, triển khai việc thực hiện các quy định mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các Nghị định hướng dẫn Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi).

Năm là, nâng cao vai trò các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua cần xác định rõ mục tiêu, chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện. Các hình thức thi đua phải sáng tạo, phong phú, hấp dẫn, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Chú trọng khen thưởng đột xuất nhất là khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích mang tính đột phá, tích cực ứng dụng công nghệ 4.0, đam mê nghiên cứu, sáng tạo để phát triển các sản phẩm, mô hình dịch vụ kinh doanh mới, đưa công nghệ thông tin vào các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và phục vụ chuyển đổi số Quốc gia.

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên

Ngày 12/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chúc mừng, biểu dương những thành tựu đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong năm năm vừa qua, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 11%/năm (cao hơn mức bình quân chung của cả nước); khu vực công nghiệp-xây dựng có bứt tốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.

Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khi khu vực doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục phát triển, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 350 doanh nghiệp; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân 4,5%; thu ngân sách tăng trưởng ở mức cao, đến năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2015; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 13,1%/năm, vượt 4,1% chỉ tiêu Nghị quyết…

GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/người/năm; hàng năm tạo việc làm tăng thêm bình quân cho 21.500 lao động, đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,1%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Theo Phó Thủ tướng, đất nước ta bước vào thời kỳ chiến lược mới, đổi mới toàn diện, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu, rộng để bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.

Trong khi đó, với vị trí chiến lược quan trọng, vừa là cửa ngõ và nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, vừa là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng trung du và miền núi phía Bắc, một trong những trung tâm đào tạo của cả nước, có hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và quốc tế khá đồng bộ, Thái Nguyên có điều kiện để phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Phó Thủ tướng gợi mở tỉnh cần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, để thu hút thêm nguồn lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội.

Thái Nguyên tập trung ưu tiên thu hút các loại hình công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, thông tin, chế biến sâu các kim loại quý; liên kết chặt chẽ giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh, phát triển doanh nghiệp nội địa và nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch và quản lý quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng cần xác định rõ vai trò, vị trí của Thái Nguyên trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội; tận dụng tốt lợi thế đường vành đai 5 Hà Nội, đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, tiếp tục đầu tư kết nối với các tỉnh Việt Bắc, sân bay quốc tế Nội Bài; coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực phát triển, xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; thực hiện hợp tác liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; giữ vững và nâng cao thương hiệu “trà Thái Nguyên”; xây dựng kết cấu hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên, coi đây là mũi nhọn kinh tế của tỉnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Thái Nguyên triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh trong vùng và cả nước.

Quan tâm lãnh đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với nhân lực ở nông thôn, miền núi, vùng triển khai các dự án đầu tư; thực hiện tốt chủ trương phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp; các chế độ, chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc, vấn đề an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Thái Nguyên cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế; xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng quân sự địa phương vững mạnh toàn diện; chủ động xử lý tốt các mối quan hệ dân tộc, tôn giáo, quản lý lao động nhập cư, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phát hiện và xử lý kịp thời mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là việc sửa chữa, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra trong nhiệm kỳ; gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở, thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể, đi đôi với phát huy sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và nêu gương của người đứng đầu.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn, bầu các đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, năng lực vào Ban Chấp hành Đảng bộ khoá mới. Đồng thời sáng suốt lựa chọn những đồng chí tiêu biểu, xứng đáng cho ý chí và nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tham gia đóng góp vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ban Chấp hành khóa mới phải thực sự là một tập thể mạnh, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kỷ luật nghiêm minh, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, gắn bó mật thiết với nhân dân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Đại hội Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam

Ngày 12/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Từ khi có Sắc lệnh 147 ngày 15/3/1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam” đến nay nhiếp ảnh Việt Nam đã có bước phát triển rất ấn tượng và có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa con người Việt Nam, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ khoảng 30 nhà nhiếp ảnh thời chống Pháp ở Đồi Cọ (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) năm xưa, đến nay đội ngũ nhiếp ảnh Việt Nam đã có hàng vạn người hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực ở khắp mọi miền đất nước.

Mỗi giai đoạn, mỗi thời khắc quan trọng của đất nước, của dân tộc đều có sự song hành của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đặc biệt là các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh kháng chiến - những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp cầm máy ảnh ra trận, không khác gì các chiến sĩ cầm súng chiến đấu trên chiến trường, để ghi lại những hình ảnh hùng tráng của quân và dân ta, tất cả vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Nhiều nghệ sĩ, chiến sĩ nhiếp ảnh đã hy sinh trên các chiến trường tô thắm thêm lá cờ đỏ sao vàng và để lại  những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị, sống mãi với thời gian.

Từ khi được thành lập, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Hội đã phát huy vai trò là mái nhà chung tập hợp lực lượng, cổ vũ, động viên hội viên cùng phát triển nền nhiếp ảnh nước nhà. Vị trí, vai trò của nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục được khẳng định ở trong nước và trên trường quốc tế.

Những năm gần đây, nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều khởi sắc, với nhiều khuynh hướng sáng tạo, hình thành một bức tranh đa dạng, phong phú về một chuyên ngành nghệ thuật độc đáo, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của nhân dân và là một nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, giới nhiếp ảnh rất tự hào khi Nhà nước phong tặng 1 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 4 Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật chuyên ngành cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh (năm 2016).

“Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam là một trong những hội có bước phát triển ấn tượng và thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả nhất. Những năm tới đây, nhiếp ảnh nước nhà cần tận dụng được thời cơ từ lòng yêu nghệ thuật, từ công nghệ để có những bước phát triển nhảy vọt”, Phó Thủ tướng nói.

Để thực hiện được mục tiêu này, Phó Thủ tướng cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận lại những hạn chế, yếu kém của nhiếp ảnh trong nhiệm kỳ vừa qua với tình thần cầu thị, từ đó xác định nhiệm vụ và đưa ra các giải pháp hoạt động phù hợp cho nhiệm kỳ mới.

Với tư cách một loại hình nghệ thuật gắn chặt với thời đại, nhiếp ảnh Việt Nam vẫn chưa tạo được dấu ấn riêng thật rõ nét; chưa có thật nhiều tác phẩm ảnh có giá trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật; còn hiếm những tác phẩm khi nhắc đến mọi người dân đều biết. 

Nhiệm vụ của Hội trong quy tụ, thu hút, tập hợp nghệ sĩ có tâm, có tài năng để thực hiện những chương trình, những dự án lớn về nhiếp ảnh quốc gia vẫn còn hạn chế. Hoạt động sáng tác, những tác phẩm được giải, được công chúng ghi nhận vẫn phần nhiều dựa vào các nỗ lực cá nhân đơn lẻ, chưa có sự hỗ trợ của Hội hay Nhà nước một cách thiết thực.

Công tác lý luận phê bình, định hướng sáng tác vẫn chưa được quan tâm đúng mức và hiệu quả như mong đợi. Nhiều vấn đề của nhiếp ảnh, nhất là những vấn đề mới chưa được tổ chức nghiên cứu, luận giải một cách thấu đáo, từ đó có giải pháp một cách thấu đáo.

“Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam không chỉ là mái nhà chung của những nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp mà cần phải là điểm tựa của tất cả những người yêu nhiếp ảnh trong cả nước có điều kiện phát triển, bừng nở”, Phó Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển của thời kỳ mới.

Ban Chấp hành Hội khóa mới cần nêu gương đoàn kết, tập hợp lực lượng, xây dựng và phát triển đội ngũ hội viên có chất lượng từ các chi hội cơ sở đến Trung ương. Phát huy tâm huyết, sức sáng tạo và trách nhiệm của mỗi hội viên góp phần xứng đáng phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Bên cạnh đó Hội cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý cho nhiếp ảnh chuyên nghiệp phát triển, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng của các nghệ sĩ theo luật pháp và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện để người nghệ sĩ tự do sáng tác, sáng tạo.

Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt và trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phát triển, để nhiếp ảnh Việt Nam phát triển, các thế hệ nghệ sĩ tiếp tục cống hiến cho đất nước bằng tất cả tài năng, trách nhiệm và tâm huyết của mình, và để lại thật nhiều di sản cho nền văn hóa Việt Nam./.

Top