Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 10/7

10/07/2019 21:16

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Điều phối viên Liên Hợp Quốc

Ngày 10/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam Kamal Malhotra và Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Ousmane Dione, đồng Chủ tịch Nhóm Đại sứ các nước về hợp tác phát triển.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng cùng ông Kamal Malhotra, ông Ousmane Dione và Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman đã trao đổi về tình hình giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA trong thời gian vừa qua. Giám đốc Quốc gia WB Ousmane Dione nêu thực trạng chậm trễ trong việc ký kết, tiếp nhận một số khoản viện trợ không hoàn lại, bao gồm cả cứu trợ thiên tai, thậm chí có khoản viện trợ kéo dài đến 3 năm.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ và hỗ trợ của các nhà tài trợ đối với Việt Nam, đặc biệt nguồn vốn của các nhà tài trợ đóng vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam rất coi trọng, mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, đa dạng hóa việc tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài phù hợp với những định hướng ưu tiên của Chính phủ và sự quan tâm của các nhà tài trợ.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những kiến nghị, đề xuất của nhóm các nhà tài trợ, khẳng định Chính phủ nhìn nhận rất rõ thực trạng giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài và đã có những bước đi cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành một loạt quy định nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn vay nước ngoài, trong đó có Nghị định cho chính quyền địa phương vay lại, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng thu hút, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh hơn…

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tiếp nhận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; ban hành các nghị định mới thay thế các nghị định liên quan, đồng thời mong muốn các nhà tài trợ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng các nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc giải ngân nguồn vốn ODA.

 

Chính phủ cũng đã đề nghị và được Quốc hội chấp thuận việc đưa 7 dự án sử dụng vốn ODA của năm 2018 vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành, địa phương rà soát, phân loại và lên danh sách các dự án chậm tiến độ để có kế hoạch thúc đẩy hoặc điều chỉnh kịp thời, Phó Thủ tướng cho hay.

Mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã có cuộc đối thoại trực tiếp với đại diện nhóm 6 nhà tài trợ tại Hà Nội để cùng thống nhất các biện pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị Việt Nam và các nhà tài trợ cùng phối hợp để hài hòa hóa thủ tục giữa bên tiếp nhận là Việt Nam và các nhà tài trợ, trong đó có quy định về giải ngân theo kế hoạch (phía Việt Nam) và giải ngân theo tiến độ (phía các nhà tài trợ) để bảo đảm kiểm soát tốt nợ công.

Đối với việc chậm trễ trong ký kết và tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định sẽ kiểm tra lại và yêu cầu các bộ, ngành báo cáo cụ thể để không tái diễn tình trạng trên.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự lễ khởi động Dự án Tạo thuận lợi thương mại

Ngày 10/7 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia (NSW), một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại dự lễ khởi động Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ

Cùng tham dự buổi lễ do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Tài chính Việt Nam tổ chức còn có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Da-niel J. Kritenbrink, lãnh đạo các Bộ, ngành của Việt Nam và Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, song song với việc đàm phán, phê chuẩn và tổ chức triển khai hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA), Việt Nam đã chủ động đàm phán, ký kết và triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do cả trên cấp độ đa phương và song phương, theo đó Việt Nam cam kết tạo ra sự khác biệt, thúc đẩy sự minh bạch, nhất quán, có tính dự  đoán đối với quy trình thủ tục và dịch vụ công của Chính phủ cung cấp cho các giao dịch hàng hóa qua biên giới.

Ở trong nước, Chính phủ Việt Nam quyết liệt chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp. Trên tinh thần này, Chính phủ đã thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại.

 

Hiện nay, Hệ thống một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối 13 bộ, ngành với 173 thủ tục hành chính được đưa lên NSW với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia gần 2,2 triệu bộ hồ sơ của hơn 29.800 doanh nghiệp tham gia. Hệ thống một cửa quốc gia Việt Nam đã kết nối với 5 nước ASEAN và cùng với các nước này tiến hành trao đổi dữ liệu điện tử giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D với số lượng hơn 90.000 C/O điện tử để thực hiện hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA).

Hiện tại hệ thống của Việt Nam đang chấp nhận kiểm nghiệm kết nối từ các nước thành viên ASEAN khác và sẵn sàng thử nghiệm trao đổi tờ khai hải quan ASEAN và giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử giữa các nước đã kết nối.

Về công tác kiểm tra chuyên ngành, tính đến tháng 3/2019 các mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành đã giảm 12.600 mặt hàng, còn 70.000 mặt hàng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng đây là những kết quả bước đầu và còn nhiều việc cần phải triển khai quyết liệt để đảm bảo sự đồng bộ và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng đánh giá Dự  án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại do Hoa Kỳ tài trợ là đúng thời điểm và thiết thực với Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu mong đợi của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định TFA và tổ chức triển khai các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

 “Chính phủ Việt Nam luôn rất coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ, mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, trên cơ sở cùng có lợi, mang lại tăng trưởng việc làm cho người dân và doanh nghiệp hai nước, góp phần duy trì hòa bình ổn định hợp tác trong khu vực và trên thế giới, trong đó thành công trong hợp tác kinh tế thương mại đầu tư là động lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước chúng ta”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID đã triển khai Dự án Tạo thuận lợi thương mại cho Việt Nam với mục tiêu tổng thể là “cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO và chủ trương cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”.

Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam trong thời gian qua và đối với dự án.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và đánh giá cao những ưu tiên hợp tác và các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cụ thể của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm giúp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên, hướng kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2020”.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ cũng như khu vực kinh tế tư nhân tổ chức triển khai dự án một cách hiệu quả bảo đảm mục tiêu tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự lễ công bố Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam

Chiều 10/7, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức buổi lễ công bố Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019.

Tham dự lễ công bố có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp.

Sau một năm bắt tay vào chuẩn bị, đây là lần đầu tiên Chính phủ thực hiện công khai các chỉ số phát triển doanh nghiệp (DN) qua cuốn Sách Trắng này và sẽ phát hành thường niên.

Tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ lâu, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ mong muốn có một bộ cơ sở dữ liệu chính xác, cập nhật kịp thời và nhất quán về tình hình DN. Nghị quyết số 35 và 02/NQ-CP của Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê, cơ quan đăng ký kinh doanh và Tổng cục Thuế cố gắng cập nhật từng ngày, từng giờ về DN để công bố cho toàn quốc với nhiều mục tiêu.

Với Sách Trắng doanh nghiệp 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng Chính phủ đã có bức tranh chân thực, toàn cảnh, đầy đủ và chính thống về tình hình phát triển DN để các nhà hoạch định chính sách, quản lý, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham khảo.

Phó Thủ tướng cho biết trước đây các cơ quan chỉ công bố số lượng DN nói chung của cả nước, không chi tiết tới từng địa phương, từng lĩnh vực và số liệu khác nhau. Còn Sách Trắng doanh nghiệp cung cấp ra ba chỉ số quan trọng là số lượng, tốc độ phát triển và chất lượng DN của từng địa phương.

Tới 31/12/2018 cả nước có 714.000 DN đang hoạt động. Trong bảng xếp hạng mức độ phát triển DN của các địa phương thì đứng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh với 228.267 DN, Hà Nội 143.119 DN, tiếp đến là Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hoá và Bắc Ninh. Ở nhóm cuối đa số là các tỉnh miền núi phía bắc, một vài tỉnh ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long... có ít DN hoạt động (từ trên 600 DN tới khoảng 2.000 DN/tỉnh).

 

Đặt ra vấn đề các tỉnh có ít DN sẽ cho rằng không thể so sánh được với Hà Nội hay TPHCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chỉ số tốc độ tăng DN sẽ phản ánh rõ hơn mức độ quan tâm của chính quyền địa phương với phát triển DN. Theo đó, các tỉnh còn khó khăn như Sóc Trăng đứng thứ 47 về số lượng DN nhưng tốc độ tăng DN trong năm 2018 so với năm 2017 đứng thứ 2 cả nước với 16%, Bạc Liêu số lượng DN đứng thứ 53 nhưng tốc độ tăng đứng thứ 7. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh lại xếp thứ 18 và Hà Nội xếp thứ 41 về tốc độ tăng DN.

Chỉ số này theo Phó Thủ tướng cũng đặt ra vấn đề: “Tại sao Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh số lượng DN đứng đầu nhưng tốc độ tăng DN lại “văng” ra khỏi nhóm 10 địa phương dẫn đầu mặc dù biết tốc độ tăng là khó nhưng đầu tàu kinh tế phải giữ được nhịp độ chung của cả nước. Tại sao những tỉnh lân cận Bạc Liêu, Sóc Trăng cùng điều kiện kinh tế-xã hội lại có tốc độ phát triển thấp hơn hai địa phương này?” để các địa phương xem lại công tác chỉ đạo, lãnh đạo phát triển DN.

Theo Phó Thủ tướng, các địa phương ít DN phấn đấu để tăng thu thêm sẽ không còn cách nào khác là phát triển DN để tiến tới cân bằng thu chi ngân sách. Ngoài ra với Hà Nội, mặc dù đã làm nhiều việc quan trọng nhưng cũng phải phấn đấu hơn nữa khi các tỉnh khác đang vươn lên không kém.

Từ Sách Trắng, Phó Thủ tướng cũng phân tích trường hợp của tỉnh Nghệ An, số lượng DN đứng thứ 7, thu nội địa thứ 5 cả nước nhưng tốc độ tăng DN đứng thứ 57 và vài năm tới nếu vẫn tốc độ như vậy thì tụt lại so với tỉnh khác.

Chỉ tiêu thứ ba là về chất lượng DN, đó là tổng lợi nhuận mà hệ thống DN trên địa bàn mang lại và tổng thu nhập tạo ra cho người lao động, thể hiện sự đóng góp vào nền kinh tế của địa phương và cả nước.

“Phân rã số liệu ra để thấy được trách nhiệm từng cấp, ngành và địa phương, so sánh được hiệu quả kinh tế mang lại giữa các thành phần kinh tế như khu vực FDI, DNNN, DN tư nhân trong đóng góp vào GDP, xuất khẩu, thu ngân sách. Ngoài ra là các chỉ số hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận trên doanh thu, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu... của DN. Các con số phải biết nói, có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các địa phương để phát triển DN theo tinh thần của các Nghị quyết Trung ương về sắp xếp đổi mới DNNN, phát triển kinh tế tư nhân và sắp tới là Nghị quyết về thu hút FDI”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương sử dụng Sách Trắng DN hằng năm là nguồn thông tin chủ yếu, tin cậy để phục vụ cho nghiên cứu hoạch định chiến lược thuộc ngành lĩnh vực mình phụ trách; đánh giá đúng, thực chất mặt mạnh, yếu trong lĩnh vực phát triển DN, đề xuất chính sách phát triển với mục tiêu cả nước có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 vốn là một mục tiêu nhiều thách thức.

Đối với các địa phương, ngoài việc phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan còn phải phản hồi để Sách ngày một hoàn thiện hơn. Những địa phương có thứ hạng thấp nghiêm túc xem xét, tìm nguyên nhân đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho phát triển DN, đóng góp vào tăng trưởng trên địa bàn và toàn quốc.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị các cơ quan báo chí khai thác hiệu quả các chỉ số DN, đưa Sách Trắng doanh nghiệp lan toả tới các cơ quan, tổ chức cần thông tin và phản hồi các ý kiến góp ý của các bên liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia ở trong và ngoài nước để hoàn thiện cuốn sách thường niên này.

Ngày 22/7 tới, Bộ KH&ĐT sẽ công bố công khai ấn phẩm “Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019” dạng điện tử và phát hành bản in vào ngày 1/8/2019./.

Top