Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 10/6

10/06/2019 19:24

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự Hội nghị về “Năm dân vận chính quyền”

Chiều ngày 10/6, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, trọng tâm là công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2019.

Tham dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết: Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Trong đó, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật khiếu nại, tố cáo và triển khai thi hành Luật Tố cáo năm 2018; chỉ đạo công tác tiếp dân, nhất là trách nhiệm tiếp công dân định kỳ và đột xuất của Chủ tịch UBND các cấp, công khai tiếp dân, tăng cường đối thoại, tiếp dân tại cơ sở, nơi xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời những bức xúc của dân, không để phát sinh thành “điểm nóng”, gây phức tạp về an ninh trật tự.

“Trong quá trình tiếp dân, cán bộ phải đặt mình vào vị trí của người dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân để có biện pháp giải quyết đúng chính sách, pháp luật, hợp lòng dân, tạo đồng thuận trong xã hội”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế cần khắc phục. Đó là, nhiều vụ việc dân vẫn kéo về Trung ương do một số địa phương chậm giải quyết, thiếu trách nhiệm, trong đó có một số vụ việc liên quan đến thu hồi đất. Vì vậy, nơi nào chính quyền gần dân, sát sao, minh bạch, công khai thì không có khiếu nại, tố cáo. Có địa phương tuy ít công trình nhưng lại phát sinh nhiều khiếu nại tố cáo.

Trước tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp lớn để chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Một là, chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thủ trưởng các cơ quan hành chính phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình, kiên quyết xử lý vi phạm và  thông báo công khai trước dân.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, chấn chỉnh việc xử lý triệt để những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đất đai. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm hài hoà về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.

Hai là, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan đánh giá đầy đủ, sát thực tế việc thi hành Luật Đất đai, nhất là các bất cập là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, nghiên cứu, trao đổi, bổ sung các quy định về giá đất, thu hồi, bồi thường, tái định cư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giải quyết căn cơ các vấn đề là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người được thu hồi đất.

Ba là, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích công dân khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính ra Toà án. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan hành chính, công chức khi có quyết định hành chính phải thực hiện nghiêm túc Luật Tố tụng hành chính, tham gia phiên toà, tranh tụng, đối thoại, thi hành nghiêm túc bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

Bốn là, yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp phải nắm chắc tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo xảy ra trên địa bàn, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc thuộc thẩm quyền. Khi xảy ra khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, dư luận quan tâm, Chủ tịch UBND phải đề cao giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp tình hình.

Về mục tiêu, nguyên tắc, quan điểm giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Mục tiêu là tiến hành rà soát, giải quyết cơ bản, dứt điểm các vụ việc này góp phần bảo đảm ổn định chính trị, phát triển KT-XH, chuẩn bị cho việc tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Nguyên tắc và quan điểm chỉ đạo là phải dựa trên cơ sở chính sách, pháp luật, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, dứt điểm được các vụ việc. Trong quá trình giải quyết phải xem xét đầy đủ, thấu đáo các nội dung, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, nguyên nhân người dân chưa đồng tình với biện pháp giải quyết của chính quyền, xem xét bản chất của vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, làm rõ những nội dung có  ý kiến khác nhau, trao đổi, thống nhất, tạo đồng thuận về hướng giải quyết. Nếu giải quyết sai phải kiên quyết sửa chữa, tìm biện pháp giải quyết dứt điểm. Nếu giải quyết đúng, có lý, có tình thì cần có giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành, công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu người có khiếu nại có hoàn cảnh thực sự khó khăn, cần xem xét, vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Tổ trưởng để trực tiếp kiểm tra, chỉ  đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Các vụ việc phức tạp, kéo dài được chia thành 2nhóm: Nhóm các vụ việc rất phức tạp và nổi cộm, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo giải quyết; các vụ việc  còn lại địa phương tự rà soát, có sự giám sát của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành chức năng.

Hiện Tổ công tác của Thủ  tướng Chính phủ đã kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và trực tiếp chỉ đạo một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp.

 -------------------

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch Nike

Chiều 10/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Chris Helzer, Phó Chủ tịch phụ trách thương mại và quan hệ chính phủ của Tập đoàn Nike (Hoa Kỳ).

Đánh giá cao các thành công của Nike trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, Phó Thủ tướng cũng cho rằng Tập đoàn này không chỉ đóng góp nhiều cho xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam mà còn đóng góp đáng kể vào công tác an sinh xã hội và đào tạo nguồn nhân lực.

Phó Chủ tịch Chris Helzer cho biết năm 2020, Nike sẽ kỷ niệm 25 năm thành lập cơ sở tại Việt Nam; khẳng định đây là thị trường quan trọng nhất của Nike trong sản xuất và xuất khẩu, khi có đến 50% sản phẩm của Nike trên toàn cầu sản xuất ở Việt Nam. Phía Nike cũng đánh giá cao chất lượng nguồn lao động của Việt Nam đã góp phần làm nên thành công của Tập đoàn sản xuất đồ thể thao hàng đầu thế giới này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam đang luật hóa các cam kết trong CPTPP, trong đó có việc trình Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ theo quy trình thông qua tại một kỳ họp; đang trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng sửa đổi, bổ sung để tương thích với các cam kết quốc tế, đồng thời bảo đảm phù hợp hài hòa, tiến bộ với các cam kết khác của CPTPP cũng đang có lộ trình thực hiện.

Theo Phó Thủ tướng, sắp tới, Việt Nam sẽ công bố chiến lược thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn tới với nhiều điểm mới, trong đó có việc đẩy mạnh thu hút và sử dụng vốn FDI, khuyến khích đầu tư không chỉ những dự án mới mà cả những dự án đầu tư mở rộng. Đặc biệt là sẽ có chính sách ưu đãi nhiều hơn cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, những tập đoàn lớn có xây dựng trung tâm đổi mới, phát triển và sáng tạo tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng đề nghị Nike tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất trong sản xuất, khuyến khích giá trị gia tăng; tăng cường hỗ trợ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam và EU và thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, để bảo đảm cân bằng thương mại hai nước.

 ---------------------

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Ngày 10/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 do Bộ KH&ĐT tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, sáng kiến của Bộ KH&ĐT, các cơ quan, tổ chức liên quan đã cùng tổ chức Diễn đàn, một sự kiện sẽ đem lại những bước phát triển mới cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo (startup).

“Các số liệu 3 năm gần đây cho thấy lượng vốn mà các doanh nghiệp (DN) startup nhận được từ các quỹ đầu tư tăng rất nhanh. Năm 2016 so với năm 2015 tăng 49%. Năm 2017 so với năm 2016 tăng 42%. Năm 2018 so với năm 2017 tăng 205%. Và hy vọng năm 2019 chúng ta sẽ có bước tăng trưởng ấn tượng”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Chia sẻ câu hỏi của đại diện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm về sự quan tâm đến Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng đó là sự ổn định, hoà bình, tốc độ tăng trưởng cao liên tục. Tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo để tạo ra cơ hội mới cho tất cả mọi người cùng sản xuất, kinh doanh, phát huy giá trị của mình. Từ các startup đến những DN, nhà đầu tư đều tìm thấy ở Việt Nam cơ hội kinh doanh, cơ hội hoàn thiện bản thân, cống hiến, lập nghiệp và đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, dân tộc, rộng hơn là cả thế giới.

Để duy trì được những lợi thế này, theo Phó Thủ tướng, trước hết phải tiếp tục cải thiện thật tốt môi trường kinh doanh, giữa các địa phương với nhau và giữa Việt Nam với các nước. “Mặc dù chúng ta có những thành tích tốt nhưng đừng quên rằng trong xếp hạng mới nhất về sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai thì Việt Nam đang nằm trong nhóm các nước sơ khởi”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Thứ hai là chúng ta rất cần những bước độtphá mạnh mẽ trong phát triển công nghệ thông tin (CNTT) và những ngành kinh tế ứng dụng nhiều CNTT. Tương lai của nền kinh tế, cộng đồng DN, đặc biệt là các startup chủ yếu dựa trên ứng dụng mạnh mẽ CNTT.

“Thứ ba là tiếp tục chú ý tốt hơn đến giáo dục, khoa học-công nghệ, vốn là một trong những điểm thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, startup công nghệ, bằng những điều kiện đảm bảo rất cụ thể, nhất là các chính sách về kinh tế”, Phó Thủ tướng nói và nêu ví dụ: Chúng ta muốn phát triển khoa học công nghệ thì phải đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia lấy DN làm trung tâm, khuyến khích DN đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, phát triển, đào tạo. Muốn DN làm như vậy thì phải có các chính sách kinh tế thiết thực như thuế, tín dụng, đất đai, thâm nhập thị trường…

“Diễn đàn lần này là tín hiệu rất đáng mừng khi Bộ KH&ĐT đã vào cuộc thực sự nghiêm túc, mạnh mẽ với cộng đồng startup, với Bộ KH&CN để đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Nêu thực tế đã có những hướng huy động vốn mới dành cho DN startup từ gây quỹ cộng đồng (crowding fund) hay các nhà đầu tư mua cổ phần, Phó Thủ tướng mong muốn các quỹ đầu tư mạo hiểm thực sự đổi mới, kết hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư, có những thích nghi cần thiết để cùng đồng hành, cùng phát triển sản phẩm với các DN startup.

Với cộng đồng DN startup, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhu cầu cuộc sống, công việc chính là những cơ hội, là “mảnh đất” để các startup dấn thân. Đầu tiên là giải quyết nhu cầu của chính người dân trong nước nhưng mỗi startup không nên giới hạn mình ở trong nước.

Phó Thủ tướng mong muốn cộng đồng startup ở Việt Nam tăng cường kết nối với nhau với sự hỗ trợ của Chính phủ. Làm sao để các startup khởi nghiệp ở Việt Nam thuận lợi nhất, không phải tìm cách ra nước ngoài để lập công ty vì những quy địnhpháp luật không đủ tốt. Bên cạnh đó, các startup rất cần sự hợp tác, ‘nâng đỡ’ của những DN ‘đàn anh’.

“Toàn xã hội, trong đó có vai trò của truyền thông, hãy cổ vũ cho sự sáng tạo, tạo cơ hội cho những ý tưởng mới khác lạ, nhiều lúc khác biệt, thậm chí ‘điên rồ’ được khẳng định. Chúng ta cần cổ vũ cho những tấm gương thành công và cả những người thất bại nhưng đã đứng lên truyền cảm hứng sáng tạo đến cộng đồng”, Phó Thủ tướng bày tỏ và tin tưởng các startup Việt Nam sẽ có bước phát triển mới. Không dừng lại ở các phong trào, sự kiện mà đi vào các chính sách cụ thể, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Nhiều sáng kiến của các startup Việt Nam sẽ đi ra bên ngoài, thay đổi thế giới tốt đẹp hơn./.

Top