Hà Nội

Hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử

(Chinhphu.vn) – Trong thời kỳ kháng chiến và đấu tranh thống nhất đất nước, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, giúp việc, phục vụ Chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến vận mệnh đất nước, đồng thời có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc đưa ra những quyết sách mới…

03/08/2020 19:12

Văn phòng Chính phủ ra đời ngày 28/8/1945, cùng với sự ra đời của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo.

.

Trải qua 75 năm phát triển và trưởng thành, với những tên gọi khác nhau và chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao qua từng thời kỳ, Văn phòng Chính phủ không ngừng tiếp nối truyền thống, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của mình trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử đất nước.

.

Cán bộ, nhân viên Văn phòng Phủ Thủ tướng tại xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang năm 1951 - Ảnh tư liệu

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954)

.

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ Việt Nam mới.

.

Ngày này đã đi vào lịch sử của dân tộc ta và ngày đó cũng chính là ngày đánh dấu lịch sử ra đời Văn phòng Chính phủ, bộ máy giúp việc Chính phủ nước Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Thời kỳ này, Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ Chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến vận mệnh đất nước, xây dựng cơ sở vật chất và đặt nền móng vững chắc cho Nhà nước dân chủ nhân dân kiểu mới; tổ chức lại chính quyền nhân dân, động viên sức mạnh toàn dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân để đối phó với quân xâm lược và bè lũ phản động tay sai; chỉ đạo công tác Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

.

Theo Hiến pháp năm 1946, Hồ Chủ tịch làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiêm Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ lúc đó có tên gọi là Văn phòng Chủ tịch phủ, vừa phục vụ Chủ tịch nước, vừa phục vụ Chính phủ. Từ năm 1948, khi có Hội đồng Quốc phòng tối cao và có chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đảm nhận cả nhiệm vụ phục vụ Hội đồng Quốc phòng tối cao và Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng.

.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch phủ chuyển từ Hà Nội lên Căn cứ kháng chiến, đặt trụ sở tại An toàn khu (ATK) Việt Bắc, mang nhiều bí danh khác nhau (như Ban Thông tin Tháng Tám, Ban Kiểm tra 12, Ban kiểm lâm 13…) để đảm bảo bí mật, an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lãnh đạo kháng chiến, đi đến thắng lợi Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta.

.

 Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra thăm và chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ  để mừng Đại thắng mùa xuân 1975, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng, lúc 10 giờ sáng ngày 30/4/1975 - Ảnh tư liệu

Thời kỳ xây dựng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước (1955-1975)

.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, với Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Bộ máy hành chính nhà nước được củng cố và hoàn thiện để thích ứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

.

Theo Hiến pháp năm 1959, Hội đồng Chính phủ được xác định là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hội đồng Chính phủ bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước và Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước.

.

Ngày 14/7/1960, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thông qua Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ quy định Phủ Thủ tướng là bộ máy làm việc của Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, bao gồm Văn phòng Phủ Thủ tướng và các Văn phòng chuyên môn. Các Văn phòng chuyên môn làm nhiệm vụ tham mưu trong công tác chỉ đạo điều hành của Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đứng đầu Văn phòng Phủ Thủ tướng là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; đứng đầu các Văn phòng chuyên môn là các Chủ nhiệm Văn phòng (Bộ trưởng); giúp việc đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm là các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm.

.

Tại Nghị định số 172/CP ngày 01/11/1973, Hội đồng Chính phủ quy định các nhiệm vụ cụ thể cho Văn phòng Phủ Thủ tướng. Theo đó, Văn phòng Phủ Thủ tướng được xác định là bộ máy làm việc của Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ giúp Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý mọi mặt công tác của Chính phủ, bảo đảm cho sự chỉ đạo đối với toàn bộ hoạt động của các ngành ở Trung ương và các địa phương; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ.

.

Văn phòng Phủ Thủ tướng đã giúp Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn thành công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất cũ, khôi phục, xây dựng kinh tế; phát triển văn hóa, đưa miền Bắc vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ này, Văn phòng Phủ Thủ tướng nhiều năm hoạt động trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ đối với miền Bắc. Cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam với sự chi viện của miền Bắc cũng diễn ra ác liệt và đã giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

.

Với nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp việc, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc đưa ra những quyết sách mới, các đề án và các giải pháp nhằm củng cố hậu phương, tăng cường sức mạnh và tiềm lực của miền Bắc, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nhân dân Lào và Campuchia.

.

Văn phòng Phủ Thủ tướng giúp tổ chức công tác theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước, xử lý kịp thời thông tin để cung cấp và phục vụ hoạt động của Hội đồng Chính phủ và Trung ương Đảng. Đồng thời là đầu mối giúp Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành tập trung.

.

Các Văn phòng chuyên môn đã thực sự phát huy được vai trò của mình, có mặt ở hầu hết các hoạt động của đời sống chính trị, xã hội. Hoạt động có hiệu quả ấy đã góp phần tạo nên mối quan hệ công tác gắn bó giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Thường vụ Hội đồng Chính phủ về nhiều vấn đề lớn của đất nước.

Thời kỳ này, Văn phòng Phủ Thủ tướng cũng đã góp phần tham mưu thành lập và tổ chức các hoạt động của bộ máy Văn phòng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), Văn phòng Phủ Thủ tướng lập một bộ phận thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức phục vụ các hoạt động điều hành của Thủ tướng Chính phủ đối với các tỉnh phía Nam trong những ngày đầu đất nước thống nhất.

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng Phan Mỹ cùng một số Phó Chủ nhiệm và cán bộ Văn phòng Phủ Thủ tướng

Thời kỳ thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước (1975 - 1986)

.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân cả nước đã tiến hành bầu cử Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (tháng 7/1976), tạo bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa trọng đại, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Đất nước độc lập, thống nhất và cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp 1980 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18/12/1980 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI đã quy định Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) “là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

.

Sau khi Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng được Quốc hội thông qua ngày 4/7/1981, Văn phòng Phủ Thủ tướng được đổi tên thành Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Nghị định 161-HĐBT ngày 20/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng quy định Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng là bộ máy làm việc của Hội đồng Bộ trưởng, có nhiệm vụ thực hiện sự quản lý tập trung thống nhất của Hội đồng Bộ trưởng, phục vụ sự chỉ đạo công việc hàng ngày của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

.

Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đã tham mưu, phục vụ Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo điều hành đất nước trong điều kiện nước Việt Nam hòa bình thống nhất, đi lên xã hội chủ nghĩa; xây dựng và kiện toàn bộ máy tổ chức, cơ chế hoạt động, lề lối làm việc của các bộ, ngành và địa phương, khắc phục những khó khăn to lớn do chiến tranh và thiên tai gây ra; tăng cường năng lực sản xuất của các ngành kinh tế; phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế, khoa học kỹ thuật, củng cố quan hệ sản xuất ở miền Bắc, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam; duy trì trật tự an ninh các tỉnh, thành phố mới giải phóng; mở rộng quan hệ đối ngoại và kinh tế đối ngoại; tổ chức chống chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc thắng lợi.

.

Văn phòng Chính phủ đón nhận Huân chương Sao vàng

Thời kỳ đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1986 đến nay)

.

Từ 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng qua các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII và Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV Văn phòng Chính phủ luôn thể hiện tốt vai trò là cơ quan ngang Bộ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo chủ trương, đường lối, mục tiêu mà Đảng và Quốc hội đề ra theo từng giai đoạn.

.

Từ năm 1992, Luật Tổ chức Chính phủ được Quốc hội thông qua ngày 30/9/1992 (thay thế Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng năm 1981) đã quy định: “Văn phòng Chính phủ là bộ máy giúp việc của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lãnh đạo”. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/CP ngày 06/8/1993 quy định: “Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang Bộ, có chức năng giúp Chính phủ tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, bảo đảm tính thống nhất, liên tục và có hiệu lực trong hoạt động của Chính phủ”.

.

Ngày 25/12/2001, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (thay thế Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992), giữ nguyên quy định về Văn phòng Chính phủ như Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2003/NĐ-CP ngày 20/2/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ: Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang Bộ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ có chức năng tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham mưu cho Thủ tướng trong công việc chỉ đạo, điều hành các hoạt động chung của bộ máy hành chính nhà nước; giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức việc điều hòa, phối hợp hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, quản lý và thực hiện đúng Quy chế làm việc, chương trình và kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm các điều kiện vật chất và kỹ thuật cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.”

.

Năm 2008, trước những yêu cầu nâng cao vị trí, vai trò của Văn phòng Chính phủ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2008/NĐ-CP ngày 19/3/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ (thay thế Nghị định 18/2003/NĐ-CP) tiếp tục khẳng định vị trí đồng thời điều chỉnh và quy định rõ hơn về chức năng của Văn phòng Chính phủ.

.

Cụ thể là: Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang Bộ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ có chức năng tham mưu tổng hợp, giúp Chính phủ tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ; tham mưu tổng hợp, giúp Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; bảo đảm thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật; bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

.

Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2012/NĐ-CP ngày 29/9/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ (thay thế Nghị định số 33/2008/NĐ-CP). Theo đó, Chính phủ giữ nguyên quy định về vị trí và chức năng của Văn phòng Chính phủ như quy định tại Nghị định số 33/2008/NĐ-CP. Đồng thời làm rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn; điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu tổ chức công việc.

.

Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của VPCP. Văn phòng Chính phủ được tiếp tục quy định là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ cơ bản được giữ như Nghị định 74/2012/NĐ-CP. Đồng thời, được bổ sung, nhấn mạnh ở các nội dung: công tác điều phối chính sách; kiểm soát thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

.

Trong giai đoạn 2001-2020, đặc biệt là thời kỳ 2016-2020, tình hình khu vực và thế giới có nhiều yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế đi đôi với căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy; biến động chính trị và xung đột xảy ra nhiều nơi; diễn biến căng thẳng ở Biển Đông đe doạ hoà bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

.

Trong nước, những thành tựu đạt được trong hơn 30 năm đổi mới đã góp phần thúc đẩy, mở rộng và tăng cường cho năng lực và sức cạnh tranh của quốc gia; kinh tế vĩ mô dần ổn định, tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội. Tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài tăng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu còn hạn chế.

.

Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 và lan rộng trên toàn cầu ảnh hưởng rất nghiêm trọng đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và khả năng hoàn thành mục tiêu kế hoạch.

.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách đổi mới, cải cách mạnh mẽ; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Trong sự thành công đó, có sự đóng góp tích cực, hiệu lực, hiệu quả của VPCP.

(Còn nữa)

Top