Hà Nội

Góp ý Dự án Luật Hộ tịch

(Chinhphu.vn) – Sáng 6/3, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Hộ tịch nhằm lấy ý kiến các cơ quan liên quan, các chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện Dự án.

06/03/2014 15:48

TS. Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, Bộ Tư pháp giới thiệu về Dự thảo Luật Hộ tịch. Ảnh Huy Anh

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Các Bộ, ngành liên quan và một số tỉnh, thành phố.

Ông Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, sau khi lấy ý kiến các ngành, các cấp và địa phương, dự án luật đã được chỉnh lý và tiếp tục được lấy ý kiến hoàn thiện.

Luật Hộ tịch gồm 9 chương và 76 điều. Mục tiêu xây dựng Dự án Luật Hộ tịch nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của người dân một cách thuận lợi, góp phần tăng cường quản lý dân cư trong tình hình mới.

Dự thảo Luật không quy định thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi, là những vấn đề tuy có liên quan đến lĩnh vực hộ tịch nhưng được Luật quốc tịch Việt Nam, Luật Nuôi côn nuôi điều chỉnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã góp ý vào Dự thảo Luật xung quanh các vấn đề về quy định nguyên tắc đăng ký hộ tịch; quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; thẩm quyền, thủ tục đăng ký, cấp xác nhận hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch; trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch; về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; về việc tăng cường công tác tư pháp cơ sở; hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ nhân dân…

Về việc cấp mã số định danh cá nhân, các đại biểu cho rằng đây là việc cần thiết và phải thực hiện. Hiện nay, mỗi công dân có thể sở hữu lên đến 20 loại giấy tờ, mỗi loại giấy tờ đều có mã số khác nhau. Để khắc phục hạn chế, bất cập trên, số định danh chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác. Số định danh cá nhân được coi như “chìa khóa” để tra cứu thông tin cá nhân, phân biệt người này với người khác.

Các đại biểu cũng thảo luận quanh vấn đề phân cấp đăng ký hộ tịch. Theo Dự án Luật, thực hiện những định hướng về cải cách hành chính, mục tiêu lâu dài tiến tới phân cấp triệt để việc đăng ký hộ tịch cho chính quyền cơ sở. Nhưng do điều kiện về biên chế, năng lực đội ngũ cán bộ công chức tư pháp – hộ tịch chưa được kiện toàn nên trước mắt việc đăng ký hộ tịch hiện nay thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, nhằm nâng cao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về hộ tịch. Việc này nhằm khắc phục sự chồng chéo, bất cập khi cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đều thực hiện đăng ký hộ tịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi liên hệ với chính quyền để yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Một số đại biểu băn khoăn về việc phân cấp đăng ký hộ tịch khi triển khai tại các địa phương sẽ gặp khó khăn vì đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện không đồng đều, thường không ổn định, biên chế hạn chế và vấn đề về trình độ chuyên môn nghiệp vụ nên với khối lượng công việc phân cấp sẽ gặp khó khăn. Vì vậy các đại biểu đề nghị nên có lộ trình thực hiện theo thời gian cụ thể để thuận lợi cho địa phương và người dân.

Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng cần đẩy mạnh cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch. Hiện nay, việc tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch đã được tiến hành ở nhiều địa phương theo những mức độ khác nhau, đã có khoảng 40/63 tỉnh, thành phố triển khai việc tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch và xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử. Tuy nhiên, mức độ thực hiện tin học hóa tại các địa phương cũng có sự khác nhau và có sự chênh lệch trong việc ứng dụng công nghệ…

Ông Phạm Tuấn Khải cho biết, các ý kiến góp ý vào Dự án Luật Hộ tịch sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu và báo cáo lên cấp có thẩm quyền.

 Theo Dự thảo Tờ trình về Luật Hộ tịch, hiện nay người dân có khoảng 20 loại giấy tờ khác nhau, mỗi loại giấy tờ này là kết quả “đầu ra” của một thủ tục hành chính do một ngành thực hiện.

Giải pháp của Đề án 896 lầ xây dựng Dự án Luật Hộ tịch là đạo luật gốc xác định nội hàm và giá trị của số định danh cá nhân, quy định việc cấp số định danh cho cá nhân khi đăng ký khai sinh kể từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực và cá nhân đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực. Dự án Luật Hộ tịch cũng cần quy định các điều khoản mở về khả năng tích hợp giấy tờ hộ tịch, chứng minh nhân dân và các giấy tờ khác… Đảm bảo lộ trình đến 2015 – 2020 phát triển ứng dụng Thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử là kết quả tích hợp các thông tin trong các giấy tờ trên, tiến tới mục tiêu giảm thiểu giấy tờ công dân.

Huy Anh

Top