Hà Nội

Giải quyết ‘có lý, có tình’ khó khăn của doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) – Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cần xem xét giải quyết dưới nhiều góc độ, phương diện, vừa có lý vừa có tình.

29/04/2020 18:01

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Giang

Chiều 29/4, tại Trụ sở VPCP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi làm việc với các cơ quan liên quan để xử lý khó khăn, vướng mắc của công ty TNHH Denso Việt Nam về ưu đãi đầu tư đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

.

Dự cuộc họp có đại diện VPCP, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao.

.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, đối với vướng mắc của Công ty TNHH Denso Việt Nam, còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ, do đó Thủ tướng đã giao VPCP làm đầu mối để giải quyết.

.

“Chúng ta cần quán triệt nguyên tắc đã được Thủ tướng chỉ đạo, cần tư duy tổng thể, toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế. Xử lý các vấn đề vướng mắc với tinh thần cầu thị, lắng nghe để bảo đảm có phương án tốt nhất”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

.

Công ty TNHH Denso Việt Nam được thành lập theo Giấy phép đầu tư cấp năm 2011 và Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008. Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là thiết kế, sản xuất, gia công, lắp rắp và đóng gói các loại linh kiện, phụ tùng ô tô.

.

Năm 2013, công ty mở rộng sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

.

Năm 2017, dự án được Bộ Công thương cấp Giấy xác nhận ưu đãi cho Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, đủ điều kiện xem xét hưởng các ưu đãi theo quy định về xử lý chuyển tiếp tại Điều 16, Nghị định 111.

.

Trong khi đó, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, dự án của công ty Denso đầu tư mở rộng trong giai đoạn 2009-2013 không được chuyển tiếp hưởng ưu đãi theo diện sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vì theo quy định của pháp luật về thuế, các dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2019-2013 không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nên không được xem xét xử lý chuyển tiếp (chỉ có các dự án đang được hưởng ưu đãi thì mới được tiếp tục chuyển tiếp) và Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn các dự án thành lập từ ngày 01/01/2015 mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện công nghiệp hỗ trợ.

.

Công ty Denso cho rằng họ có đủ điều kiện để hưởng đầy đủ các ưu đãi cho Dự án sản phẩm công nghệ hỗ trợ ưu tiên phát triển và khiếu nại về quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư Việt Nam, không phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Thuế.

.

Tại buổi họp, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng dự án đầu tư mở rộng của Công ty Denso Việt Nam được thành lập trước ngày 01/01/2015 thuộc trường hợp được chuyển tiếp hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế) nếu đáp ứng được điều kiện sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quy định tại Nghị định 111.

.

Đại diện Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc về việc hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Công ty Denso theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

.

“Vụ việc của Công ty Denso không chỉ liên quan đến công tác đối ngoại giữa Việt Nam – Nhật Bản, mà còn là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết.

.

Đại diện VPCP cũng nhất trí với đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Tư pháp. Công ty Denso đủ điều kiện xem xét hưởng các ưu đãi theo quy định tại Nghị định 111 và pháp luật có liên quan kể từ khi Dự án đầu tư mở rộng được Bộ Công thương cấp Giấy xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xử lý các vướng mắc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công ty theo hướng trên, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Giang

Giải quyết sớm và triệt để vướng mắc của doanh nghiệp

.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Không chỉ vụ việc của Công ty Denso, mà những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, chúng ta cần xem xét dưới nhiều góc độ, phải vừa có lý vừa có tình, trên nhiều phương diện: đối ngoại, kinh tế…”

.

Qua ý kiến các bộ, cho thấy cách hiểu quy định của pháp luật có sự khác biệt dẫn đến ý kiến khác nhau. Về mặt thực tiễn, việc không cho phép các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi đầu tư vì lý do chưa được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đầu tư là không phù hợp, dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư, không phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam – đó là khuyến khích các nhà đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

.

Về kiến nghị của Công ty Denso từ năm 2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan của Việt nam đề nghị xem xét, giải quết. Trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản, thì vấn đề này cần được xem xét, giải quyết sớm và triệt để.

.

Với tinh thần đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết VPCP sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định và cho phép báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ gần nhất.

.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, VPCP rất sát sao, tổng hợp đầy đủ, phản ánh trung thực, đề xuất, tham mưu xử lý cụ thể với các kiến nghị của doanh nghiệp và tiếp tục theo dõi việc thực hiện các chính sách trong thời gian tới.

.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm việc với các cơ quan liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Trong thời gian qua, VPCP đã tổ chức nhiều cuộc làm việc để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…

.

Đặc biệt, với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã chủ trì họp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan để trao đổi thống nhất ý kiến hoặc làm rõ các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Điển hình như việc xử lý khó khăn về việc nhập khẩu máy móc thiết bị của Công ty TNHH Cheng Loong Paper Bình Dương, khó khăn về thông quan nguyên liệu sản xuất của Công ty Cổ phần Alutec Vina…

.

Hoàng Giang

Top