Hà Nội

“Đừng tự cho mình là người quan trọng”

(Chinhphu.vn) – Làm việc ở VPCP là rất quan trọng, nhưng đừng luôn luôn tự cho mình là người quan trọng. Cần khiêm tốn, đừng ngồi trên đầu người khác để giải quyết công việc.

06/04/2015 18:30

Ông Lê Xuân Trinh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) nhắn lại điều mà ông đặt ra đối với các cán bộ, chuyên viên Văn phòng Chính phủ khi ông còn đương nhiệm.

Ông Lê Xuân Trinh trước khi làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP từng là Thứ trưởng Bộ Nội thương và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Sau khi được bầu là Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng khóa 7 đã được cử làm Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP từ năm 1992 – năm 1996, trong Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX (1992-1997).

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống VPCP, ông Lê Xuân Trinh đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ cuộc phỏng vấn về những công việc của cán bộ, chuyên viên Văn phòng Chính phủ thời kỳ từ năm 1992 – 1997.

Ông đã bắt tay vào làm công việc của một Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Xuân Trinh: Khi mới về đây, việc đầu tiên tôi phải suy nghĩ là về nhiệm vụ của VPCP. Khi ấy VPCP được coi là cơ quan giúp việc, cũng có một số ý kiến coi đây là cơ quan tham mưu. Tôi cho rằng, hai nhiệm vụ này này cần được coi là có tầm quan trọng như nhau. Phục vụ là phải tổ chức để toàn bộ hoạt động của Chính phủ được vận hành thông suốt, còn nhiệm vụ tham mưu là những đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng về những vấn đề chung của các Bộ, ngành, địa phương, các vấn đề đối nội đối ngoại, thông tin…

Xác định được như vậy tôi đã tham mưu về chức năng, nhiệm vụ của VPCP và sau đó, chức năng của VPCP được ghi rõ là cơ quan tham mưu, giúp việc lãnh đạo Chính phủ.

Khi tôi về làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP lúc đó có khoảng 200 cán bộ, chuyên viên. Công việc chủ yếu tập trung tại Hà Nội, còn một số ít cán bộ, chuyên viên ở khu vực phía Nam. Bộ máy của VPCP còn phân tán về nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lúc ấy đã chỉ đạo tôi cần tập trung chỉ đạo, nghiên cứu củng cố lại để tổ chức công việc của VPCP một cách hiệu quả nhất.  Đồng thời giao cho tôi tìm người có năng lực về làm việc tại VPCP.

Thưa ông, lúc đó VPCP lấy tiêu chí nào để chọn được cán bộ, chuyên viên giúp việc cho lãnh đạo Chính phủ?

Ông Lê Xuân Trinh: Đầu tiên là cán bộ VPCP phải có trí tuệ, nghiệp vụ. Thứ 2 là phải chọn được những cán bộ trung thực, thẳng thắn, thật thà. Chuyên viên VPCP phải là người trung thực, báo cáo chính xác ý kiến của địa phương, Bộ, ngành. Làm việc gần lãnh đạo Chính phủ mà không phản ánh được sự thật, không trung thực, không thật thà thì không thể được. Nếu mình sai lệch thì quyết định của Chính phủ sẽ sai lệch, điều hành sai lệch.

Thêm nữa, cán bộ, chuyên viên, nhân viên của VPCP phải là người chịu khó đi trước về sau. Vì là cơ quan giúp việc, tham mưu nên phải như vậy mới có thể bao quát và quán xuyến công việc. Làm cơ quan phục vụ phải chu đáo không được lơ là, sơ sót, dù là những chi tiết nhỏ nhất.

Thứ 3 là chọn những thẳng thắn, làm việc cụ thể, cái gì cũng cụ thể chứ không chung chung đại khái, hết sức tránh đại khái.

Nếu không thì công việc không được trôi chảy. Thêm nữa cũng dễ sinh ra cái chuyện vì VPCP là những người giúp việc cho Thủ tướng, mọi việc biết thông tin trước, dễ tự cao, tự mãn, dễ xem thường người ta.

Hồi ấy, khi tôi trao đổi về công việc của VPCP với VPCP các nước thì các bạn bè đều chia sẻ kinh nghiệm thế này, làm việc ở VPCP là rất quan trọng, nhưng đừng luôn luôn tự cho mình là quan trọng. Cần khiêm tốn, đừng ngồi trên đầu người khác để giải quyết công việc.

Tôi cũng đã truyền lại tinh thần đó cho anh em trong VPCP, tôi tổ chức để đội ngũ cán bộ của VPCP làm việc với tinh thần đó. Quá trình như vậy dần dần, đội ngũ cán bộ VPCP ngày càng trưởng thành hơn. Nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ nòng cốt, chủ chốt của VPCP

Nhớ lại quãng thời gian đó, ông thấy dấu ấn lớn nhất là gì?

Ông Lê Xuân Trinh: Khi tôi làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng là trong thời kỳ đất nước đang khó khăn, khi đó mới bắt đầu chuyển qua thời kỳ đổi mới. Công việc của Chính phủ cũng đang rất khó khăn, nên cũng có nhiều người còn tỏ ra nghi ngờ, chưa thật tin tưởng vào đường lối đổi mới, chưa thật tin tưởng vào chuyện bỏ qua bao cấp, đi vào cơ chế thị trường.

Nhưng Chính phủ đã kiên trì đường lối đổi mới của Đảng và đưa ra những quyết sách, những quyết sách chống bao cấp, chuyển qua cơ chế thị trường, từng bước học tập rồi dần dần đưa nền kinh tế đi vào nề nếp.

Trong những thành công của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi cho rằng đây mới là kỳ công chứ không phải chỉ là việc xây dựng được đường dây điện 500kv, những công trình lớn này khác.

Bước chuyển hướng từ bao cấp sang cơ chế thị trường đã khẳng định một quyết tâm nỗ lực rất lớn bởi Chính phủ của chúng ta đã vượt qua được khó khăn thử thách rất lớn để giúp đưa vị thế Việt Nam lên trên trường quốc tế như ngày nay. Đó là điều rất đáng tự hào,

Tôi nhớ, hồi đó có lần ông Lý Quang Diệu qua gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông có nói thế này, ở Singapore, có lúc, không ít người cứ khạc nhổ ra đường, mất 5 năm kêu gọi mọi người không khạc nhổ ra đường để dẹp được một thói quen mất vệ sinh công cộng, dẹp được tật xấu. Việt Nam có thể làm được nhiều nếu quyết tâm thay đổi được những thói quen được cho là cản trở sự phát triển và tiến bộ.

Sau này như chúng ta đã biết, việc cấm đốt pháo cũng là chuyện rất là khó khăn. Đó là truyền thống lâu đời của người dân vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mà cuối cùng Chính phủ đã làm được và rất được hoan nghênh. Rồi việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nữa. Những việc đó rất là được hoan nghênh.

Ông có thấy hài lòng với những gì mà VPCP hồi ấy đã làm được?

Ông Lê Xuân Trinh: Trong giai đoạn đó đã khẳng định Chính phủ và VPCP có nhiều đổi mới. Nhớ lại quãng thời gian đó, chúng tôi tự hào VPCP đã khẳng định được vai trò của mình, tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ được nhiều việc. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng như thế thì mình phải làm thế nào để xứng đáng với vai trò và vị thế nhiệm vụ của VPCP.

Những người làm tham mưu của VPCP vừa làm cái chung nhưng đồng thời cũng làm rất nhiều những việc cụ thể của Thủ tướng Chính phủ giao.

Còn nhớ khi đó có vụ việc rất lớn là việc phá dỡ hàng nghìn ngôi nhà trái phép trên đê sông Hồng. Đó là kỷ niệm rất đáng nhớ. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, tôi đã trực tiếp và cùng các chuyên viên làm việc với thành phố Hà Nội, đi từng phường. Đây là một vụ việc lớn, phải mất hàng năm để xử lý. Tôi nhớ, lúc đó, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt chỉ đạo VPCP phải đứng ra họp báo, chứ không phải là Bộ Thủy lợi.

Khi làm Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP, tôi đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý thành lập Vụ Thông tin báo chí và tổ chức họp báo định kỳ hàng tháng, phía Bắc và phía Nam. Việc tổ chức họp báo định kỳ hồi đó đã góp phần rất nhiều trong việc giúp nối liền Chính phủ với người dân thông qua công tác thông tin báo chí và ngược lại.

Ông nghĩ như thế nào về công việc của VPCP và đội ngũ chuyên viên VPCP hiện nay?

Ông Lê Xuân Trinh: Công việc của VPCP thì nhiều không thể kể hết, qua thời gian dài như vậy, tôi theo dõi thấy VPCP ngày càng mạnh, nhiều người cán bộ VPCP đã thực sự trưởng thành, đóng vai trò tham mưu rất quan trọng.

Hiện nay công việc có nhiều đổi mới. Nhiệm vụ cũng thay đổi, nhiều hơn và lớn hơn. Thông tin hồi đó chưa có nhiều. Nhưng đã làm một chuyên viên VPCP thì cần phải đảm bảo những yêu cầu về chuyên môn, trình độ, thái độ tinh thần làm việc như tôi đã nói.

Khi tôi làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, tôi vẫn có mong muốn là có thể xây dựng và đào tạo một đội ngũ cán bộ, chuyên viên, mỗi viên chức phải có trình độ chuyên môn sâu, thông thạo ngoại ngữ, hiểu biết rộng nhiều lĩnh vực.

Mình tự chủ trong mọi lĩnh vực, trình độ ngang tầm các nước thì sẽ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được nhiều hơn. VPCP có cán bộ, chuyên viên, viên chức có trình độ cao, thì góp phần tích cực làm cho Chính phủ mạnh hơn.

Xin cảm ơn ông!

Việt Hà (thực hiện)

Top