Hà Nội

Đến với những mảnh đất Tây Bắc anh hùng

(Chinhphu.vn) - Những ngày cuối năm, Đoàn công tác của VPCP là những cán bộ đã từng phục vụ trong quân đội vượt những con đường “ôm núi, vắt ngang lưng trời” nơi núi rừng Tây Bắc để đến với Sơn La, Điện Biên – mảnh đất anh hùng, mảnh đất của những chiến công hiển hách năm xưa.

05/01/2020 18:23

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Bùi Hữu Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự VPCP dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nhà tù Sơn La. Ảnh: Diệp Anh

.

Điểm đến đầu tiên trong hành trình về với lịch sử là Nhà tù Sơn La - nơi lưu giữ chứng tích của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những chiến sĩ cộng sản kiên cường trước sự giam cầm, đày ải của thực dân Pháp.

.

Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La được xây dựng từ năm 1908, nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, nay thuộc tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Từ giai đoạn 1930 - 1945, thực dân Pháp đã biến nhà tù thành địa ngục trần gian để giam cầm, đày đọa, gây tiêu hao sinh lực và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những chiến sĩ cách mạng. Nhưng cũng chính nơi ngục tù tăm tối này đã giác ngộ được những nhà cách mạng lỗi lạc, những người anh hùng quên thân mình hy sinh vì Tổ quốc, những nhà lãnh đạo kiệt xuất như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Tô Hiệu... 

.

Nhà tù Sơn La đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho mỗi thế hệ người Việt Nam. Ảnh: Diệp Anh

Ảnh: Diệp Anh

.

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Bùi Hữu Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự VPCP dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nhà tù Sơn La.

.

Chia tay Sơn La, Đoàn công tác vượt đèo Pha Đin có độ dài hơn 30 cây số, đèo nằm vắt ngang lưng trời Điện Biên nối nhịp với Sơn La. Chính sự hiểm trở bởi vô số các khúc cua chữ A đi kèm với nó mà đèo Pha Đin còn được gọi là “Cha trời, mẹ đất” và được xếp vào một trong "tứ đại đèo" vùng Tây Bắc, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Mã Pí Lèng. Chặng đường hơn 10 tiếng đồng hồ từ Hà Nội, qua Sơn La về với Điện Biên với nhiều khúc cua tay áo, với địa hình trắc trở nhưng không làm giảm đi sự hào hứng của các thành viên Đoàn công tác khi được về với những mảnh đất anh hùng, gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc.

.

Đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại một số nghĩa trang quốc gia thuộc tỉnh Điện Biên.

.

Đoàn công tác tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ A1. Ảnh: Diệp Anh

.

Nghĩa trang liệt sỹ A1 - nơi ghi dấu chiến tích hào hùng của dân tộc. Nghĩa trang nằm dưới chân đồi A1 được xây dựng năm 1958, là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó hầu hết là liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi. 

.

Đoàn Công tác nghe giới thiệu về Đồi A1 - Chứng tích của những trận đánh huyền thoại. Trong ảnh là Hầm chỉ huy kiên cố nhất của cứ điểm A1. Ảnh: Diệp Anh

.

Tại nghĩa trang có 4 ngôi mộ lớn khắc tên 4 người anh hùng: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can. Nghĩa trang liệt sĩ A1 nằm bên con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đứng trước khuôn viên nghĩa trang rộng 32.472m2, Đoàn công tác đã thành kính dâng những vòng hoa, thắp những nén hương lên đài tưởng niệm, lên từng ngôi mộ liệt sỹ, bày tỏ sự tri ân những Anh hùng liệt sỹ đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ.

.

Rời Nghĩa trang liệt sĩ A1, Đoàn công tác đã đến dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại 3 nghĩa trang liệt sĩ Him Lam, Độc Lập, Tông Khao. Tại 3 nghĩa trang này có 6.306 liệt sỹ đang yên nghỉ nhưng chỉ có 1.489 ngôi mộ xác định được tên còn lại đều là những tấm bia trắng.

.

Đoàn công tác tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Tông Khao. Ảnh: Diệp Anh

Đoàn đã thắp hương tưởng niệm từng phần mộ các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao. Ảnh: Diệp Anh

.

Thật may mắn cho Đoàn công tác khi đến Điện Biên đúng dịp Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Lễ truy điệu và an táng 15 hài cốt liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại nước bạn Lào về nơi an nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam tại Nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Đoàn đã thắp hương tưởng niệm từng phần mộ các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao.

.

Tại Điện Biên, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, Đồi A1, hầm Đờ Cát,... là những điểm di tích quan trọng không thể bỏ qua khi ghé thăm vùng đất anh hùng này.

.

Đoàn Công tác tại Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Diệp Anh

.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 40 km. Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường làm việc và nghỉ ngơi trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

.

Khu chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã đóng trên đất Mường Phăng trong vòng 105 ngày từ 31/1/1954 đến 15/5/1954. Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn, cơ quan đầu não quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ được đảm bảo an toàn tuyệt đối…

.

Từ Sở chỉ huy này, đi lên cao hơn, đứng trên điểm cao nhất, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1...

.

Đoàn thăm quan Hầm Chỉ huy tướng Đờ Cát. Ảnh: Diệp Anh

.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những chiến công oanh liệt, những hy sinh mất mát của các Anh hùng liệt sỹ, những người có công với đất nước sẽ không bao giờ phai nhạt trong trái tim các thế hệ hôm nay và mai sau. Đến Điện Biên, giúp mỗi người thêm ghi nhớ những chiến công vang dội của ông cha, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc hôm nay.

.

Diệp Anh

Top