Hà Nội

Đến năm 2020 giá trị xuất khẩu thủy sản đạt mức 10 – 10,5 tỷ USD

(Chinhphu.vn) – Đến năm 2020, xuất khẩu thủy sản tiếp tục là ngành xuất khẩu chủ lực của ngành, của đất nước, góp phần quan trọng đưa kinh tế nông thôn phát triển bền vững, với tốc độ tăng trưởng khoảng trên 7%/năm, giá trị xuất khẩu dự kiến đạt mức 10 – 10,5 tỷ USD.

09/03/2012 16:53

Phấn đấu giữ vững vị trí trong nhóm 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa

Chương trình Phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Giữ vững vị trí trong nhóm 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới

Về tổng thể, Chương trình đặt mục tiêu tiếp tục phát triển xuất khẩu thủy sản theo hướng bền vững, khả năng cạnh tranh cao, giữ vững vị trí trong nhóm 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Phát triển xuất khẩu vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển nuôi trồng, khai thác và dịch vụ thủy sản, góp phần ổn định, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống cho nông, ngư dân.

Phấn đấu đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản hàng năm trên 8%, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 7,5 tỷ USD; tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đạt trên 60%, giá trị sản phẩm xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 70%,…

Định hướng đến năm 2020 xây dựng được các thương hiệu thủy sản lớn, có uy tín, tạo thế cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ vững và phát triển trên các thị trường thế giới.

Tăng sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu

Theo Chương trình phát triển, đến năm 2015 sẽ xuất khẩu 1,62 triệu tấn (trong tổng sản lượng thủy sản qua chế biến 2,43 triệu tấn) và năm 2020 xuất khẩu 1,9 triệu tấn (trong tổng sản lượng thủy sản qua chế biến 2,85 triệu tấn).

Chiến lược xác định, để bảo đảm nguồn nguyên liệu và ổn định về chất lượng sản phẩm xuất khẩu, cần phát triển các mô hình cơ sở chế biến xuất khẩu gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp chế biến lớn, có thương hiệu, uy tín để hình thành các tập đoàn sản xuất – chế biến – xuất khẩu lớn theo mô hình khép kín từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu.

Đồng thời, tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là các đối tượng chủ lực, trên các vùng nuôi nước ngọt, nước lợ và biển. Bên cạnh đó phát triển khai thác các loài hải sản có giá trị cao, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu có sản lượng ổn định và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Về thị trường xuất khẩu, Chiến lược yêu cầu phải duy trì thị trường truyền thống, đặc biệt giữ vững 3 thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực là EU – Nhật – Mỹ với tỷ trọng trên 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước.  Đồng thời, phát triển mạnh xuất khẩu sang các khu vực thị trường còn nhiều tiềm năng như: Đông Âu, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia,…

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chương trình yêu cầu phải thực hiện một loạt các giải pháp như: Giữ vững và phát triển thị trường; đổi mới hoạt động xuất khẩu và xúc tiến thương mại; phát triển nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng; tập trung đầu tư phát triển chế biến xuất khẩu theo chiều sâu...

Trần Mạnh

Top