Hà Nội

Đến năm 2015, trình độ công nghệ khai khoáng ngang tầm khu vực

(Chinhphu.vn) - Ngành khai khoáng ưu tiên lựa chọn thiết bị, công nghệ mới theo hướng sản xuất sạch với các tiêu chí cao, ít tiêu hao nguyên, nhiên liệu, an toàn và thân thiện với môi trường sinh thái; áp dụng ngay từ đầu công nghệ hiện đại, có trình độ cơ giới hóa và tự động hóa cao đối với các mỏ mới xây dựng có quy mô lớn.

08/12/2008 17:09

Áp dụng các thiết bị hiện đại cho ngành khai khoáng, hạn chế dần lao động thủ công

Đây chính là những quan điểm, mục tiêu hướng tới trong Đề án "Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chấm dứt khai thác thủ công

Ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam phấn đấu đến năm 2015 có đội ngũ cán bộ quản lý giỏi chuyên môn và công nhân lành nghề. Khoa học công nghệ trở thành lực lượng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

Trong công nghệ khai thác lộ thiên, phấn đấu đến năm 2015 đạt trình độ cơ giới hóa các công đoạn sản xuất ngang tầm của khu vực và đến năm 2025 đạt trình độ thế giới. Công nghệ thông tin được áp dụng phổ biến trong quản lý sản xuất kinh doanh, quản trị tài nguyên ở những mỏ lớn. Tiến tới giảm tối đa lao động phổ thông ở những mỏ nhỏ và vừa.

Trong công nghệ khai thác hầm lò, phấn đấu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Chấm dứt hoạt động khai thác thủ công.

Đối với công nghệ tuyển khoáng, áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới ở các nhà máy tuyển lớn; cơ giới hóa ở mức cao nhất trong điều kiện cho phép và tiến tới xóa bỏ lao động thủ công ở các xưởng có quy mô vừa và nhỏ.

Ở công nghệ khai thác và chế biến dầu khí, phấn đấu đạt mức công nghệ tiên tiến của thế giới nhằm khai thác hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên dầu khí trong nước.

Hiện đại hóa quy trình và thiết bị công nghệ khai khoáng

Đến năm 2015, đối với khai thác lộ thiên như khai thác quặng sa khoáng, sẽ nghiên cứu chuyển đổi công nghệ khai thác bằng máy xúc, vận chuyển ô tô ở những nơi có điều kiện phù hợp sang khai thác bằng sức nước kết hợp với máy xúc, vận chuyển bơm cát.

Triển khai công nghệ mới phá đá quá cỡ bằng nổ mìn bằng búa đập thủy lực, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Loại bỏ công nghệ khai thác và bốc xúc thủ công, từng bước thay thế các máy xúc chạy điện quá cũ. Triển khai áp dụng hệ thống vận tải liên tục bằng băng tải, đường ống... ở những mỏ có điều kiện phù hợp.

Đối với khai thác hầm lò, áp dụng công nghệ đào lò đá bằng phương pháp khoan nổ mìn theo hướng đầu tư đồng bộ thiết bị khoan, bốc xúc... Phát triển công nghệ chống lò bằng vì neo dẻo cốt thép ở các điều kiện địa chất kỹ thuật khác nhau. Bên cạnh đó, nghiên cứu áp dụng công nghệ khí hóa than dưới lòng đất để khai thác than vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong công nghệ sàng, tuyển, tiến hành đổi mới, áp dụng rộng rãi các thiết bị đo lường, điều khiển, tự động hóa trong các nhà máy tuyển nhằm cải thiện và ổn định các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật. Nghiên cứu và lựa chọn công nghệ, thuốc tuyển phù hợp để tuyển quặng apatit nghèo (loại II, IV) nhằm tận dụng triệt để tài nguyên.

Trong giai đoạn này, tiến hành triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000. Chuyển hết các công ty Nhà nước khai thác mỏ khoáng sản sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước không cần giữ 100% vốn, chuyển thành các công ty cổ phần để tạo điều kiện thu hút vốn của các nhà đầu tư và áp dụng mô hình quản lý hợp lý đối với các doanh nghiệp này.

Giai đoạn sau năm 2015, tập trung nghiên cứu chế tạo các thiết bị công nghệ phục vụ ngành khai thác như vì chống thủy lực, các loại dàn chống tự hành, máy xúc... để thay thế nhập ngoại.

Mai Hương

(Nguồn: Quyết định số 159/2008/QĐ-TTg)

Top