Hà Nội

Để doanh nghiệp ‘mặn mà’ với dịch vụ công trực tuyến

(Chinhphu.vn) - Doanh nghiệp nhận được nhiều lợi ích khi sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), tuy nhiên mới chỉ có khoảng 1.100 tài khoản doanh nghiệp trong số hơn 142.000 tài khoản đăng ký trên hệ thống của Cổng DVCQG.

26/05/2020 16:21

Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến nên bắt đầu từ việc đơn giản hóa các quy trình. Bởi cho dù có bao nhiêu dịch vụ được cung cấp trực tuyến chăng nữa, mà nếu những dịch vụ  đó không giúp làm giảm thời gian và chi phí giao dịch cho doanh nghiệp thì cũng không mang lại nhiều ý nghĩa đối với họ.

.

Cải cách thủ tục hành chính là điều doanh nghiệp mong chờ nhất

.

Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là 1 trong 5 vấn đề do 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) năm 2020 mong chờ được Chính phủ tiếp tục cải thiện.

.

Thực tế, thời gian qua, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử đã có những kết quả tích cực trên tất cả các mặt, cung cấp dịch vụ công theo nhu cầu người dân trên Cổng DVCQG, góp phần thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Cổng DVCQG (dichvucong.gov.vn) được khai trương kết nối với Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và  đã tích hợp, cung cấp 389 dịch vụ công trực tuyến. Tiết kiệm khoảng 6.490 tỷ VNĐ/năm, riêng Cổng DVCQG đóng góp 3.036 tỷ VNĐ/năm.

.

Qua hơn 5 tháng triển khai, tính đến ngày 18/5/2020, đã có trên 142.000 tài khoản đăng ký, trên 37 triệu lượt truy cập, trên 7,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng DVCQG. Hệ thống tiếp nhận hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

.

Tuy nhiên, tại một Hội nghị về Cổng DVCQG được tổ chức mới đây, dù ghi nhận nhiều lợi ích doanh nghiệp có được khi sử dụng Cổng DCVQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng còn rất thấp (ghi nhận 1.142 tài khoản là của doanh nghiệp trong số hơn 142.000 tài khoản đăng ký trên hệ thống). Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đây là việc cần xem xét lại bởi doanh nghiệp cần là  đối tượng đi đầu trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

 

 Ông Phan Vinh Quang, Giám đốc Công ty MBI chia sẻ về trải nghiệm dùng dịch vụ công trực tuyến - Ảnh: Hoàng Giang

Vì sao doanh nghiệp chưa “mặn mà”?

.

Từ thực tế thực hiện thủ tục trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ông Phan Vinh Quang, Giám đốc Công ty MBI cho biết “rất nhiều dịch vụ tôi cần lại không có”. Đơn cử khi ông Quang đi đăng ký dịch vụ xuất khẩu mã vạch cho công ty nhưng không làm được. Trong lúc dịch COVID-19, chỉ xin 1 cái mã vạch mà ông Quang mất 2 lần chuyển tiền, 1 lần là chuyển phí, 1 lần phí  đăng ký và 2 lần đến mới xin được mã vạch. "Tôi phải chờ mất gần 1 tháng”, ông Quang cho biết.

.

Bên cạnh đó, một số thủ tục vẫn phải làm bằng giấy, mất rất nhiều thời gian như thủ tục xin giấy lý lịch tư pháp có trên Cổng thông tin của Bộ Tư pháp nhưng thực hiện trực tuyến không được. Ông Quang phải lên trực tiếp Sở Tư pháp Hà Nội để  được hướng dẫn, làm xong chờ nửa tháng sau hồ sơ bị trả lại vì cần xác thực chữ ký. Sau đó, ông Quang phải nhờ dịch vụ, chi phí lớn hơn nhiều so với chi phí chính thức.

.

Cũng theo ông Quang, trong dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, “cực chẳng đã mới phải xin hỗ trợ từ Chính phủ”. Ông Quang bày tỏ mong muốn ngày càng nhiều dịch vụ được đưa lên Cổng DVCQG. Bởi nếu Chính phủ giúp cho doanh nghiệp được điều này thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tập trung vào kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng và công ăn việc làm.

.

Dẫn lời Thủ tướng nhắc đến “virus trì trệ”, ông Quang cho rằng, thông qua Cổng DVCQG, doanh nghiệp sẵn sàng chỉ ra đâu, chỗ nào có những con “virus trì trệ”. “Nếu chúng tôi có những kênh như vậy, thì các bộ, ngành sẽ phát hiện ra ngay con virus trì trệ. Đây chính là cách Chính phủ tận dụng chất xám của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Nếu tìm ra con virus này sẽ vượt qua dịch COVID-19 tốt hơn rất nhiều. Doanh nghiệp không cần hỗ trợ tài chính mà chỉ cần giảm thời gian, giảm chi phí tuân thủ”, ông Quang nói.

.

Ở góc độ doanh nghiệp từng trực tiếp tham gia các thủ tục hành chính, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Trực tuyến Công ty cổ phần bán lẻ Kĩ thuật số FPT (FPT Retail) cho biết, dịch vụ công trực tuyến là xu hướng tất yếu nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và giảm thiểu tối đa nạn nhũng nhiễu của bộ phận cán bộ. Tuy nhiên cần kết hợp chặt chẽ nguồn lực công - tư nhằm hạn chế các khó khăn, tăng cường hiệu quả sử dụng cho mọi bên liên quan. Đồng thời cần tăng cường các kênh thông tin giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt, sử dụng dễ dàng, thuận tiện các dịch vụ công do nhà nước cung cấp.

 

Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Trực tuyến FPT Retail chia sẻ tại Hội nghị “Giới thiệu Cổng dịch vụ công Quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp” - Ảnh: Hoàng Giang

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thông qua ý kiến doanh nghiệp với quá trình thực hiện thủ tục hành chính cho thấy, doanh nghiệp nhìn nhận cơ quan giải quyết TTHC có các hình thức công bố, công khai theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên quy trình chưa có “thước đo” hiệu quả cung cấp thông tin/dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp và thiếu nguồn lực để đẩy mạnh truyền thông hướng dẫn. Bên cạnh đó, quá trình triển khai đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến còn thiếu nhân lực thực hiện thủ tục hành chính; hạ tầng mạng, cơ sở vật chất, máy móc phục vụ kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng còn nhiều hạn chế.

.

Mới đây, trong chương trình "Lắng nghe và Trao đổi" tháng 5/2020 diễn ra với chủ đề Dịch vụ công trực tuyến TPHCM, thực trạng và giải pháp, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng nêu nhiều khó khăn nhất định khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến: “Có những thủ tục đòi hỏi phải scan dữ liệu. Đặc biệt là trong xây dựng yêu cầu kèm bản vẽ thiết kế xây dựng nên chưa tạo thuận lợi, dẫn đến tỷ lệ thực hiện trong lĩnh vực này thấp. Quận cũng chưa có 1 cơ sở dữ liệu chung nên cán bộ công chức ngoài thực hiện trên máy tính thì còn làm trên giấy nên chưa rút ngắn được thời gian”.

.

Còn bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM nhận định: Những hạn chế khiến tỷ lệ người dân và cả doanh nghiệp chưa “mặn mà” với dịch vụ công trực tuyến, là công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, thủ tục chưa thực sự đơn giản, thuận lợi, việc giải quyết hồ sơ nhiều nơi chưa minh bạch. Làm sao để người dân yên tâm rằng hồ sơ nộp trực tuyến vẫn được giải quyết như nộp trực tiếp, được hỗ trợ kịp thời khi thiếu thông tin và tiến độ xử lý được công khai để họ theo dõi - là những yếu tố quan trọng để tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến tăng lên.

.

Đơn giản hóa các quy trình

.

Trong những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, bao gồm xây dựng thể chế, xây dựng những hệ thống kĩ thuật nền tảng, thiết lập những hệ thống thông tin quan trọng và thúc đẩy nguồn lực con người.

.

Chính phủ điện tử không chỉ là hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, mà cao hơn nữa, là để phục vụ người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Với quan điểm như vậy, bám sát những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VPCP đã rất nỗ lực, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng DVCQG.

.

Xây dựng Cổng DVCQG là một nhiệm vụ lớn trong triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới nâng cao sự phục vụ của nhà nước với người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn.

.

Nhấn mạnh giá trị của Cổng DVCQG đã  được minh chứng, Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione đề xuất “Điều quan trọng là Chính phủ cần hiểu được đâu là điểm nghẽn, đâu là điểm còn gây ra nhiều chi phí để đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, quy trình thủ tục liên quan đến cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm linh hoạt, thuận lợi cho người dân”.

.

Trong nhiều cuộc họp về xây dựng Cổng DVCQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng luôn nhấn mạnh việc gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, trên cơ sở quan điểm: Cải cách hành chính, thủ tục hành chính là đi trước, dẫn dắt, ứng dụng CNTT là phương tiện.

.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ví dụ sản xuất một chiếc bánh phải cần 13 giấy phép, do đó, trước tiên phải cắt giảm các thủ tục rườm rà, giấy phép con rồi mới đưa vào môi trường mạng điện tử.

.

“Khi đưa dịch vụ lên Cổng DVCQG, chúng tôi yêu cầu toàn bộ phải có form mẫu để dễ dàng thực hiện. Bao giờ cũng phải cải cách quy trình thủ tục hành chính trước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, chúng ta xây dựng Chính phủ điện tử trong khi nền tảng dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư chưa có, thể chế pháp luật chưa đầy đủ, thiếu quy định về kết nối và chia sẻ dữ liệu, thiếu quy định về định danh và xác thực, bảo mật thông tin cá nhân. Tuy nhiên, chúng ta tận dụng nhưng cái đang có như dựa trên số thẻ bảo hiểm xã hội, mã số thuế…

.

Những kết quả của Cổng DVCQG mới là kết quả ban đầu và VPCP sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục cải cách, đơn giản hóa quy trình thủ tục để tiếp tục hoàn thiện Cổng DVCQG.

.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy giấy tờ, thói quen giao dịch kiểu cũ; đồng thời mong muốn các hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tiết kiệm cho chính doanh nghiệp và xã hội.

.

Hoàng Giang

Top