Hà Nội

Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL

(Chinhphu.vn) – Theo Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt ngày 16/4, vùng kinh tế này gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau.

17/04/2009 11:30
Hàng năm lúa gạo của vùng ĐBSCL đóng góp phần lớn vào việc cung ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu
Định hướng đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL tiếp tục là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Ngoài ra, vùng kinh tế này còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL.
Vùng kinh tế trọng điểm sẽ được phát triển dựa trên việc tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn vùng, trên cơ sở phát triển hiệu quả, toàn diện các khu vực đồng bằng, ven biển và kinh tế biển.
Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng ĐBSCL giàu mạnh, tiến kịp mặt bằng chung của cả nước. Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2009-2010 đạt gấp khoảng 1,2 lần và thời kỳ 2011-2020 gấp khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP cả nước từ 10,5% hiện nay lên khoảng 11,6% năm 2010 và 13,3% năm 2020.
Để thúc đẩy phát triển Vùng, Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước, bao gồm cả nguồn vốn Trái phiếu chính phủ và ODA cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng có liên quan đến phát triển vùng như QL 1A, đường N1, N2, hệ thống đường trên đảo Phú Quốc, các cảng hàng không....
Công tác phát triển nguồn nhân lực cũng sẽ được chú trọng với việc mở rộng quy mô dạy nghề và trung học chuyên nghiệp, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư mạnh cho bồi dưỡng, đào tạo chuyên gia các ngành kinh tế mũi nhọn cho phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng châu thổ trù phú, đã và đang đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế đất nước. ĐBSCL có diện tích gần 4 triệu ha, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước, trong đó loại đất tốt nhất là đất phù sa chiếm gần 30%. Cây lúa - cây trồng chủ lực, là sản phẩm chuyên môn hóa cao nhất vùng. Hàng năm lúa gạo của vùng ĐBSCL đóng góp phần lớn vào việc cung ứng nhu cầu trong nước và chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Sau lúa là nuôi trồng và khai thác thủy sản. Với 8/13 tỉnh giáp biển, lại có 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậu song song nối các tỉnh với biển Đông, vùng ĐBSCL có điều kiện rất thuận lợi để nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ cũng như nước ngọt....

Việc xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội của khu vực này và của cả nước.
Ngọc Hà
(Nguồn: Quyết định 492/QĐ-TTg)
Top